Sự kiện về y tế - sức khỏe nổi bật trong tuần

Bệnh viện TW Huế thực hiện ca ghép tim cho bệnh nhân bị suy tim giai đoạn cuối - Ảnh: VTV.vn

Tim đập nhanh sau tiêm vaccine COVID-19 phải làm sao?

WHO: Xem xét khả năng COVID-19 thành bệnh theo mùa

2 tình huống ứng phó với dịch COVID-19, TP.HCM giải thể các bệnh viện dã chiến

Ngày hội non sông “bình thường mới”

Ca ghép tim xác lập 2 kỷ lục ở Việt Nam

Theo VTV.vn, Bệnh viện TW Huế vừa thực hiện thành công ca ghép tim từ người hiến tạng chết não. Đây là ca ghép tim xuyên Việt đặc biệt được thực hiện trong trạng thái “bình thường mới” sau đại dịch COVID-19.

Ngày 5/5, trong lúc đoàn chuyên gia của Bệnh viện TW Huế đang tiến hành hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật ghép thận cho Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) thì nhận được tin từ Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia thông báo điều phối một trái tim cho bệnh nhân tại Bệnh viện TW Huế, người hiến tạng là một thanh niên 19 tuổi.

Ngay sau đó, GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện TW Huế đã lập tức lên kế hoạch để tiếp nhận điều phối tạng, làm sao để vừa đảm bảo công tác hỗ trợ ghép thận, đồng thời không cho phép sai sót hay chậm trễ xảy ra trong quá trình nhận tim.

Ca ghép tim này đã xác lập 2 kỷ lục với thời gian từ khi lấy tim xuyên Việt đến khi tim đập lại ngắn nhất và thời gian mổ cũng ngắn nhất

Ca ghép tim này đã xác lập 2 kỷ lục với thời gian từ khi lấy tim xuyên Việt đến khi tim đập lại ngắn nhất và thời gian mổ cũng ngắn nhất

Người may mắn có đầy đủ các chỉ số phù hợp để nhận tạng là bệnh nhân 37 tuổi, bị suy tim giai đoạn cuối, đã chờ cơ hội được ghép tim hơn 4 năm. Sau 1h20 phút phẫu thuật, tim đã đập lại trong lồng ngực người nhận tạng.

Cùng lúc này, tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cả hai trường hợp ghép thận, dù bệnh nhân ghép thận lần 2, lớn tuổi và có nhiều bệnh nền nhưng tình trạng sau ghép chuyển biến tích cực, chức năng thận đang dần cải thiện.

GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện TW Huế cho biết, ca ghép tim lần này đã xác lập hai kỷ lục mới đó là thời gian từ khi lấy tim xuyên Việt đến khi tim đập lại ngắn nhất và thời gian mổ cũng ngắn nhất. Để đạt được kết quả tốt như vậy, ngoài sự chung tay nỗ lực của bệnh viện và các đơn vị khác, thì không thể không nhắc đến công tác tổ chức điều phối tạng hết sức nhanh chóng, hiệu quả của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia.

Thành công ghép tủy cứu sống bệnh nhi suy tủy xương giai đoạn cuối

Bệnh nhi 11 tuổi sẽ hoàn toàn khỏi bệnh suy tủy xương và có cuộc sống như những trẻ bình thường khác - Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Bệnh nhi 11 tuổi sẽ hoàn toàn khỏi bệnh suy tủy xương và có cuộc sống như những trẻ bình thường khác - Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị khỏi bệnh suy tủy xương cho bệnh nhi 11 tuổi nhờ ghép tủy. Gần 2 tháng sau ghép, tủy mới đã phát triển trong cơ thể bệnh nhi đạt đến 94%, các xét nghiệm cho kết quả trong giới hạn bình thường.

Trước đó, tháng 12/2021, bệnh nhi được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khi đã rơi vào tình trạng nặng, được chẩn đoán suy tủy xương kèm xuất huyết não. Đây là tình trạng giảm sinh các tế bào máu ở tủy xương dẫn đến tình trạng trẻ bị thiếu máu, chảy máu do xuất huyết và sốt do nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời trẻ có thể tử vong do thiếu máu nặng, xuất huyết não hoặc nhiễm vi khuẩn, virus nặng.

Cách chữa trị duy nhất cho căn bệnh của em là ghép tế bào gốc (ghép tủy). Người em ruột 4 tuổi chính là người hiến.

Tháng 2/2022, thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, các bác sỹ đã khẩn trương tiến hành các bước theo đúng quy trình để thực hiện ca ghép tủy nhanh nhất cho bệnh nhi. TS.BS Nguyễn Thị Mai Hương – Trưởng khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Việc thu hoạch tủy xương của em gái 4 tuổi để truyền cho chị gái 11 tuổi khá khó khăn. Cô bé 4 tuổi chỉ nặng 15kg, cân quá nhỏ so với chị gái 11 tuổi (cân nặng 41kg). Chúng tôi phải lấy máu từ tuỷ xương và lấy thêm cả máu ngoại vi của em gái thì mới đủ truyền cho chị gái”.

Rất may mắn nhờ sự chuẩn bị kỹ càng trước ghép cùng như sự phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên khoa, ca ghép tuỷ diễn ra thành công tốt đẹp, cả 2 chị em đều ổn định sức khỏe và hồi phục tốt.

Từ ca ghép tủy đầu tiên năm 2006, đến nay đã có rất nhiều bệnh nhân thuộc nhiều nhóm bệnh khác nhau như suy tủy, tan máu bẩm sinh, suy giảm miễn dịch bẩm sinh thể kết hợp nặng... được điều trị/hỗ trợ điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Liên tiếp cấp cứu các trường hợp thuyên tắc động mạch phổi

 

Thời gian gần đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 liên tục tiếp nhận các trường hợp cấp cứu thuyên tắc động mạch phổi cấp với nhiều bệnh cảnh khác nhau. Đặc biệt nhất phải kể đến trường hợp của bệnh nhân 98 tuổi có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường type 2. Sau khi tiêm vaccine COVID-19, bên cạnh những tác dụng phụ mệt mỏi, ăn uống kém, sau vài ngày, bệnh nhân đột ngột khó thở, huyết áp tụt sâu, được chẩn đoán sốc tim do thuyên tắc động mạch phổi hai bên.

Bác sỹ Nguyễn Thành Huy – người trực tiếp điều trị ca bệnh này chia sẻ, bệnh nhân cao tuổi và có nguy cơ chảy máu rất cao. Rất may, sau khi tiêu sợi huyết làm tan cục huyết khối, diễn biến bệnh nhân ổn định dần, huyết áp tăng dần, bỏ dần được các thuốc vận mạch nâng huyết áp, tình trạng hô hấp ổn hơn.

TS Đặng Việt Đức - Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trong đại dịch COVID-19, có thể gặp nhiều trường hợp thuyên tắc động mạch phổi hơn trước đây liên quan đến tình trạng tăng đông máu hậu COVID-19. Tuy vậy, khả năng chẩn đoán và điều trị phụ thuộc vào trang bị, kinh nghiệm của từng cơ sở y tế. Khi thuyên tắc động mạch phổi cấp mức độ nặng, nguy cơ tử vong có thể lên tới 60% với diễn biến thường rất nhanh trong 1 đến 2 giờ đầu.

Quỳnh Trang (tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin