WHO phê duyệt vaccine Qdenga phòng sốt xuất huyết của Nhật Bản

Vaccine Qdenga vừa được bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam - Ảnh: brunofuga.adv.br

Bộ Y tế lần đầu cấp phép vaccine sốt xuất huyết, zona thần kinh

Dòng chảy Sức khoẻ+: Việt Nam sẽ tiêm thử nghiệm vaccine sốt xuất huyết

Dòng chảy Sức khoẻ+: Triển vọng sớm đưa vaccine sốt xuất huyết về Việt Nam

WHO cảnh báo mối đe dọa toàn cầu của bệnh sốt xuất huyết

Theo đó, tổ chức y tế của Liên Hợp Quốc cho biết, cơ quan này đã phê duyệt vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết có tên Qdenga, do công ty dược phẩm Takeda Pharmaceutical (Nhật Bản) sản xuất. Vaccine của Takeda có liệu trình tiêm 2 liều trong khoảng thời gian 3 tháng, bảo vệ chống lại 4 chủng huyết thanh của virus sốt xuất huyết. WHO đã cho phép sử dụng vaccine này cho trẻ em từ 6 đến 16 tuổi ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Vaccine Qdenga, trước đây đã được phê duyệt ở các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Argentina và Brazil, đồng thời cũng được cấp phép tại Liên minh Châu Âu (EU) vào năm 2022.

Việc phê duyệt của WHO diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm virus sốt xuất huyết do muỗi truyền gia tăng khắp Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ, trong đó có cả những khu vực trước đây chưa từng chịu ảnh hưởng.

Theo AP News, các nghiên cứu cho thấy vaccine của Takeda có hiệu quả khoảng 84% trong việc ngăn ngừa người bệnh nhập viện vì sốt xuất huyết và 61% hiệu quả trong việc ngăn chặn các triệu chứng.

“Đây là một bước tiến quan trọng trong việc mở rộng khả năng tiếp cận toàn cầu đối với vaccine sốt xuất huyết” - Rogerio Gaspar, Giám đốc phê duyệt thuốc và vaccine của WHO cho biết. Theo ông Rogerio Gaspar, đây là vaccine chủng ngừa sốt xuất huyết thứ 2 trên thế giới được cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc phê duyệt.

Vaccine đầu tiên được WHO phê duyệt là do Sanofi Pasteur (Pháp) sản xuất, sau đó vaccine này được phát hiện làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng ở những người trước đây chưa mắc bệnh.

Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh sốt xuất huyết, nguyên nhân hàng đầu gây bệnh nghiêm trọng và tử vong ở khoảng 120 quốc gia Mỹ Latinh và Châu Á. Trong khi khoảng 80% số ca nhiễm là nhẹ, những trường hợp sốt xuất huyết nặng có thể dẫn đến chảy máu trong, suy nội tạng và tử vong.

Tuần trước WHO báo cáo có 6,7 triệu trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết ở Châu Mỹ, tăng 206% so với cùng kỳ năm 2023. Vào tháng 3 vừa qua, chính quyền thành phố Rio de Janeiro (Brazil) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với dịch sốt xuất huyết và nước này bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine Qdenga của Takeda cho ít nhất 3 triệu người dân.

Năm ngoái, Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 5 triệu ca mắc sốt xuất huyết và trên 5.000 ca tử vong vì căn bệnh này, con số lớn nhất từng được ghi nhận. Theo WHO, năm 2023 cũng là năm các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng gấp 10 lần so với thế hệ trước, cùng với biến đổi khí hậu và phạm vi ngày càng tăng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, được cho là một phần nguyên nhân khiến căn bệnh này đang lây lan toàn cầu.

Trước đó, ngày 15/5, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã quyết định cấp phép, gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho 40 loại vaccine, sinh phẩm, trong đó 3 loại vaccine là vaccine Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết của công ty dược phẩm Takeda Pharmaceutical (Nhật Bản),Shingrix phòng bệnh zona thần kinh và vaccine thế hệ mới Pneumovax 23 phòng 23 type phế cầu khuẩn, được đặc biệt quan tâm. Hiện 3 loại vaccine này sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng dịch vụ của Việt Nam.

 
Hiệp Nguyễn (Theo AP)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn