WHO: Châu Âu chuẩn bị cho một đại dịch cúm gần như "chắc chắn" xảy ra

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, quyền giám đốc WHO về phòng chống đại dịch - Ảnh: AFP/Getty Images.

WHA77: Thế giới chờ đợi thỏa thuận lịch sử về ứng phó với đại dịch

WHO: Tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm gần 2 năm vì COVID-19

Virus cúm gia cầm H5N1, sự lây nhiễm và nguy cơ “rủi ro” đại dịch

WHO: Phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa bò bị nhiễm bệnh

Theo The Guardian, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, quyền giám đốc cơ quan Liên Hợp Quốc về phòng chống đại dịch cho biết, gần như “chắc chắn” lục địa này sẽ phải đối mặt với mối đe dọa từ bệnh cúm. 

Phát biểu trên website của WHO, tiến sĩ Maria Van Kerkhove nhận định COVID-19 không phải "đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt". Thay vào đó, mối đe dọa không xác định trong tương lai có thể tấn công theo cách "chưa từng thấy" trước đây.

Tuy nhiên, nhà dịch tễ học của WHO cho rằng, nếu thế giới áp dụng những bài học rút ra từ COVID-19 thì “nó đã không phải tệ như trước”.

"Theo tôi, bệnh cúm là điều chắc chắn xảy ra vì nó lây lan rất nhiều. Nó lây nhiễm sang nhiều loài khác nhau. Thế giới đã xuất hiện cúm gia cầm với tỷ lệ tái tổ hợp cao, những thay đổi di truyền cho phép virus lây lan giữa các loài, khả năng xảy ra đại dịch cúm là rất cao" - TS. Maria Van Kerkhove giải thích và nói thêm rằng: "Đó là lý do tại sao chúng tôi có cả một hệ thống để chuẩn bị sẵn sàng cho việc này. Thách thức là liệu chúng ta có chứng kiến một đại dịch virus Corona khác không?".

TS. Maria Van Kerkhove bày tỏ lo ngại về khả năng thế giới đối mặt với đại dịch Arbovirus. Đây là loại virus lây truyền từ động vật chân đốt, gây ra các bệnh nhiễm trùng lây sang người qua vết cắn của côn trùng bị nhiễm bệnh như muỗi và ve.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học cũng cảnh báo cúm gia cầm có thể là "ứng cử viên" tiềm năng nhất cho loại virus gây ra đại dịch tiếp theo. Các nhà khoa học cho rằng do hiện tượng tái tổ hợp, hai loại virus có thể hợp nhất để tạo thành một chủng lai. Mức độ cúm tự nhiên ở người cao làm tăng nguy cơ bệnh nhân mắc hai bệnh cùng một lúc, dẫn đến tái tổ hợp.

Một giả thuyết khác cũng được các nhà khoa học đưa ra đó là mầm bệnh X - đại diện cho một căn bệnh chưa xác định, lây truyền từ động vật sang người. Đây có thể là virus hoặc vi khuẩn động vật truyền sang người.

Một số người thậm chí cảnh báo đại dịch cúm mới có thể bắt nguồn từ đột biến sinh học, tai nạn sinh học hoặc cuộc tấn công khủng bố, khiến virus bất ngờ lan truyền nhanh chóng.

Tiến sĩ Van Kerkhove thừa nhận rằng, WHO có "hệ thống ứng phó dịch mạnh mẽ tại chỗ", nhưng "niềm tin vào giới khoa học đã bị ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19".

Theo Mirror, cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh WHO đang kêu gọi các quốc gia đẩy nhanh tiến độ đàm phán và đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc phòng chống và ứng phó với một đại dịch trong tương lai. Sau khi COVID-19 gây ra những đợt phong tỏa chưa từng có, nền kinh tế trên toàn thế giới bị đình trệ và khiến hàng triệu người thiệt mạng, các nhà lãnh đạo của WHO và các nước trên thế giới đã quyết tâm sẽ làm tốt hơn trong tương lai.

Vào năm 2021, các quốc gia thành viên đã yêu cầu cơ quan y tế Liên Hợp Quốc giám sát các cuộc đàm phán để tìm ra cách thế giới có thể chia sẻ tốt hơn các nguồn tài nguyên khan hiếm và ngăn chặn virus lây lan trên toàn cầu trong tương lai.

WHO cho biết, cơ quan này cũng hy vọng một hiệp ước dự thảo cuối cùng có thể được thống nhất tại Kỳ họp thường niên Đại Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 77 đang diễn ra trong tuần này từ ngày 27/5-1/6 tại Geneva, Thụy Sĩ.

"Việc hoàn tất một thỏa thuận quốc tế về cách ứng phó với đại dịch là rất quan trọng, vì lợi ích của nhân loại” - Roland Driece, đồng chủ tịch ban đàm phán thỏa thuận của WHO cho biết.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Mirror/The Dailymail)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin