Điều gì đằng sau cơn khủng hoảng COVID-19 ở Triều Tiên?

Nhân viên y tế phun khử khuẩn tại một trung tâm thương mại nhằm phòng chống dịch COVID-19 ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AFP.

Hình ảnh mới nhất về cuộc sống bình dị thường ngày của người dân Triều Tiên

Những bức ảnh "hiếm" về quốc gia bí ẩn nhất thế giới

​Triều Tiên bán loại nước "có thể trị ung thư"

Nguy cơ xảy ra thảm họa từ đất nước "Không vaccine COVID-19"

Ngày 15/5, Triều Tiên cho biết hiện nước này đã ghi nhận tổng cộng 42 trường hợp tử vong vì COVID-19. Số người có triệu chứng sốt đã tăng thêm ít nhất 296.180 người, đưa số trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 ở Triều Tiên lên 820.620, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho hay.

Đây cũng là ngày thứ 4 Triều Tiên ra lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên của nước này.

Việc Triều Tiên thừa nhận nước này đang chống chọi với đợt bùng phát COVID-19 "bùng nổ" đã làm dấy lên lo ngại rằng loại virus này có thể tàn phá một quốc gia có hệ thống y tế không đủ mạnh và chưa thực hiện tiêm vaccine cho dân.

Hãng tin KCNA cho biết, nước này đang thực hiện "các biện pháp khẩn cấp nhanh chóng" để kiểm soát dịch bệnh, nhưng không có dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ chấp nhận các gói hỗ trợ vaccine từ bên ngoài.

"Tất cả các tỉnh, thành phố và quận của cả nước đã bị phong tỏa hoàn toàn và các đơn vị làm việc, đơn vị sản xuất và đơn vị dân cư đóng cửa từ sáng 12/5, việc xét nghiệm nghiêm ngặt và chuyên sâu đối với tất cả người dân đang được tiến hành", KCNA đưa tin ngày 15/5.

Trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết đợt bùng phát COVID-19 đã đẩy đất nước của ông vào "tình trạng hỗn loạn lớn" và kêu gọi một mặt trận tổng lực để vượt qua cuộc bùng phát dịch.

Báo cáo cho biết "một phần lớn" các trường hợp tử vong là do những người "bất cẩn trong việc dùng thuốc do thiếu kiến ​​thức và hiểu biết về biến thể Omicron và phương pháp điều trị đúng đắn".

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Triều Tiên trước đó tuyên bố không có trường hợp mắc COVID-19 nào và là 1 trong 2 quốc gia cuối cùng trên thế giới chưa bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Triều Tiên từng nhiều lần từ chối các đề nghị quốc tế về cung cấp vaccine.

Đằng sau cơn khủng hoảng COVID-19 ở Triều Tiên

Người dân đeo khẩu trang đi bộ đi làm trong bối cảnh lo ngại về dịch bệnh COVID-19 ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên vào tháng 3/2020. Ảnh: Reuters

Người dân đeo khẩu trang đi bộ đi làm trong bối cảnh lo ngại về dịch bệnh COVID-19 ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên vào tháng 3/2020. Ảnh: Reuters

Theo ABCNews, trước khi xác nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên, trong vòng hơn 2 năm, Triều Tiên liên tục từ chối những đề nghị viện trợ vaccine từ cộng đồng quốc tế và kiên định tuyên bố hệ thống chính trị của mình đang bảo vệ 26 triệu dân khỏi “loại virus độc hại đã giết chết hàng triệu người trên khắp thế giới”.

Vì vậy, việc Triều Tiên bất ngờ thừa nhận đợt bùng dịch COVID-19 trong tuần qua đã khiến nhiều chuyên gia tự hỏi tình hình dịch tại nước này đang tồi tệ đến mức nào.

Triều Tiên đã đóng cửa biên giới từ đầu năm 2020. Không có phóng viên, nhân viên viện trợ hoặc nhà ngoại giao nào có thể thường xuyên ra vào quốc gia này, do đó các chuyên gia chỉ có thể phỏng đoán về tình hình thực tế tại Triều Tiên.

Một số thông tin hiếm hoi với các mô tả trên các phương tiện truyền thông nhà nước như: chưa có báo cáo về tỷ lệ vaccine, năng lực xét nghiệm hạn chế, cơ sở hạ tầng y tế công mỏng manh và tình trạng kinh tế đang gặp khó - làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo trên diện rộng tại quốc gia gần 26 triệu dân.

"Triều Tiên có nhiều người dễ bị tổn thương, những người không có hệ thống miễn dịch đủ mạnh do tỷ lệ tiêm chủng chính thức của nước này là 0 và nước này không có thuốc điều trị COVID-19", Giáo sư Kim Si-gon tại Đại học Y khoa Seoul, Hàn Quốc nhận định.

Giáo sư Kim cũng nói thêm: "Triều Tiên có thể phải hứng chịu tỷ lệ tử vong và lây nhiễm tồi tệ nhất trên thế giới đối với đại dịch nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài", theo ABCNews.

Theo các chuyên gia, ở nhiều nước trên thế giới, Omicron đã khiến các ca nhập viện và tử vong ít hơn đáng kể so với các biến thể SARS-CoV-2 trước đó. Điều này chủ yếu là do tiêm chủng, sử dụng thuốc kháng virus COVID-19 và việc điều trị hiệu quả tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Đáng nói là không có điều nào trong số này được áp dụng cho Triều Tiên.

Ngoài ra, việc Triều Tiên thừa nhận dịch bệnh “bùng nổ” trên toàn quốc khiến một số chuyên gia hy vọng Bình Nhưỡng sẽ sớm chấp nhận viện trợ vaccine.

“Việc tiết lộ dịch bệnh bùng phát thông qua KCNA - kênh chính để liên lạc với bên ngoài - cho thấy rằng Triều Tiên có thể tìm kiếm sự hỗ trợ về vaccine”, Yang Moo-jin - giáo sư tại Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul (Hàn Quốc) nhận định. “Cô lập và kiểm soát là không đủ để vượt qua cơn khủng hoảng mà không cần vaccine”.

Chính sự bí mật của "quốc gia bí ẩn nhất thế giới" này đã khiến các chuyên gia không thể đánh giá được mức độ và quy mô thực sự của đợt bùng phát, cũng như không đoán được dịch sẽ phát triển như thế nào ở Triều Tiên.

Do đó, nhiều chuyên gia hy vọng Triều Tiên sẽ chấp nhận những yêu cầu viện trợ từ cộng đồng quốc tế để vượt qua cơn khủng hoảng COVID-19.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Reuters/ABCNews)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn