Châu Âu "đau đầu" với lệnh phong tỏa khi ác mộng COVID-19 trở lại

Sinh viên đeo khẩu trang tại một trường học ở Muenster, Đức - Ảnh: AP.

WHO: Châu Âu trở lại thành "tâm dịch" COVID-19 của thế giới

Quốc gia đầu tiên ở Châu Âu tái phong tỏa trước làn sóng COVID-19 mới

WHO: 2 kịch bản COVID-19 tương lai và cảnh báo nguy cấp tới Châu Á - Thái Bình Dương

Châu Âu đối mặt với làn sóng dịch mới

 

Tối 12/11, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã tuyên bố áp đặt trở lại một số biện pháp phong tỏa để phòng dịch COVID-19 bắt đầu từ 13/11. Đây là quốc gia Tây Âu đầu tiên phải sử dụng lệnh phong tỏa kể từ mùa hè vừa qua. Theo đó, các quán bar, nhà hàng và cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa trước 19h. Các sự kiện thể thao phải diễn ra mà không có khán giả, trong khi người dân được khuyến khích làm việc tại nhà.

Tuần qua, thành phố Utrecht (Hà Lan) năm nay đã quyết định hủy bỏ lễ hội đón ông già Noel truyền thống. Trong khi, ở vùng Cologne (Đức), một nhà lãnh đạo phụ trách các hoạt động lễ hội Carnival vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Còn Áo cũng đang cân nhắc áp lệnh phong tỏa đối với những người chưa tiêm vaccine COVID-19.

Gần 2 năm sau khi đại dịch cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người, COVID-19 lại đang hoành hành khắp Tây Âu - khu vực có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao và hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca tử vong vì COVID-19 tăng 10% ở Châu Âu trong tuần qua và một quan chức WHO tuần trước tuyên bố rằng, lục địa này đã trở lại "tâm dịch" của thế giới. 

10 nước trong Liên minh Châu Âu (EU) - gồm tổng cộng 27 nước thành viên - đang đối mặt với tình trạng dịch COVID-19 “lo ngại cao”, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật châu Âu (ECDC) cho biết hôm 12/11, đồng thời cảnh báo tình hình dịch bệnh đang diễn biến xấu hơn trên toàn lục địa, theo AFP.

Bỉ, Bulgaria, Croatia, CH Czech, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Hà Lan, Ba Lan và Slovenia đang ở mức lo ngại cao nhất, theo đánh giá rủi ro mới nhất của ECDC. Làn sóng dịch bệnh mới nhất phần lớn bùng phát ở Nga và Đông Âu - nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, nhưng các nước ở phía Tây như Đức và Anh cũng ghi nhận tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất thế giới.

Một trung tâm tiêm chủng của dịch vụ cứu trợ Malteser được dựng lên trong khuôn viên một hội chợ ở Berlin, Đức ngày 3/11 - Ảnh: AP.

Một trung tâm tiêm chủng của dịch vụ cứu trợ Malteser được dựng lên trong khuôn viên một hội chợ ở Berlin, Đức ngày 3/11 - Ảnh: AP.

Ngày 12/11, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cảnh báo nước này sẽ đối mặt với một "tháng 12 cay đắng" nếu các biện pháp hiện tại không kiểm soát được dịch, theo Guardian. Báo cáo từ Viện Robert Koch (RKI) cho biết, số ca mắc COVID-19 trong ngày ở Đức vừa phá kỷ lục hôm 11/11 với hơn 50.000 ca. Hơn 67% người dân nước này đã tiêm ngừa đầy đủ.

“Chúng ta đang trong tình huống khẩn cấp”, tiến sĩ Christian Drosten, trưởng khoa virus của Bệnh viện Charite (Berlin, Đức) nói. Bệnh viện của tiến sĩ Drosten đã phải hủy bỏ một số cuộc phẫu thuật. Cách đó gần 600 km, Bệnh viện Đại học Dusseldorf cũng đã hết giường chăm sóc đặc biệt (ICU). Một số cơ sở y tế khác ở Đức không thiếu giường bệnh, nhưng thiếu nhân viên y tế trầm trọng.

Nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng như Saxony, Bavaria và gần đây là thủ đô Berlin đã bắt đầu áp đặt một số biện pháp hạn chế mới đối với người chưa tiêm vaccine. Từ ngày 8/11, Berlin không cho phép người chưa tiêm vaccine COVID-19 được lui tới nhà hàng, quán bar, phòng gym, hiệu cắt tóc và phải có xét nghiệm âm tính mới được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, tụ họp.

Tại Áo, Thủ tướng Alexander Schallenberg cho biết việc áp dụng biện pháp phong tỏa với người chưa tiêm vaccine “có khả năng trở nên không thể tránh được”. Bang Oberösterreich, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, đã lên kế hoạch thực hiện các biện pháp này kể từ ngày 15/11.

Trong khi đó, Na Uy thông báo tái áp dụng các biện pháp chống dịch do số ca mắc COVID-19 tăng mạnh và tiêm liều bổ sung cho người trên 18 tuổi. Dù hơn 87% người trưởng thành đã tiêm ít nhất 2 liều, số ca bệnh và nhập viện ở nước này vẫn đang tăng nhanh. Tuy vậy, chính quyền Na Uy khẳng định sẽ không tái phong tỏa.

Theo Reuters, số liệu từ Liên Minh Châu Âu (EU) cho thấy, khoảng 65% dân số thuộc khu vực kinh tế châu Âu (EEA) bao gồm: Liên minh châu Âu, Iceland, Liechtenstein và Na Uy, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19, tuy nhiên, tốc độ tiêm đã chậm lại trong những tháng gần đây. Tỷ lệ tiếp nhận vaccine ở các nước Nam Âu là khoảng 80%, nhưng sự chần chừ đã cản trở việc triển khai ở các nước Trung và Đông Âu và Nga, dẫn đến các đợt bùng phát dịch mới đang dần lan rộng tại khu vực.

Theo AP, mặc dù các quốc gia ở Tây Âu đều có tỷ lệ tiêm chủng trên 60%, thậm chí một số nước như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn nhiều, nhưng vẫn còn một bộ phận đáng kể dân số chưa được vaccine bảo vệ.

Theo tiến sĩ Bharat Pankhania, giảng viên cấp cao tại Trường Y Đại học Exeter (Anh), số lượng lớn những người chưa được tiêm chủng kết hợp với việc tiếp xúc xã hội rộng rãi sau khi hết phong tỏa và sự suy giảm khả năng miễn dịch ở những người đã tiêm vaccine cách đây vài tháng là nguyên nhân khiến ca nhiễm gia tăng ở Tây Âu.

Phần lớn nhờ vào việc tiêm chủng, các bệnh viện ở Tây Âu không phải chịu quá nhiều áp lực như đợt dịch trước, nhưng nhiều bệnh viện vẫn đang "căng mình" để xử lý số lượng bệnh nhân COVID-19 gia tăng từng ngày trong khi vẫn phải giải quyết các khó khăn về xét nghiệm và phẫu thuật do nhân viên y tế kiệt sức hoặc nhiễm bệnh.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu các quốc gia Tây Âu có thể ngăn chặn làn sóng COVID-19 mới nhất này mà không cần dùng đến các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, vốn tàn phá nền kinh tế, làm gián đoạn việc học tập và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người dân hay không. Các chuyên gia cho rằng có thể nới lỏng phong tỏa, nhưng các nhà chức trách không thể loại bỏ tất cả các biện pháp hạn chế và phải tăng tỷ lệ tiêm chủng.

"Tôi nghĩ thời kỳ mà mọi người phải nhốt mình ở trong nhà đã qua, vì chúng ta có các công cụ để kiểm soát COVID-19, từ xét nghiệm, vaccine cho đến điều trị. Do vậy, tôi hy vọng mọi người sẽ làm những điều cần làm như đeo khẩu trang", Devi Sridhar, lãnh đạo bộ phận y tế toàn cầu tại Đại học Edinburgh, cho biết.

Tìm biện pháp chống dịch mới thay vì phong tỏa

Hơn 10.000 người dân đổ ra đường phản đối các lệnh hạn chế COVID-19 của chính phủ đối với các sự kiện ngoài trời quy mô lớn ở Amsterdam, Hà Lan ngày 11/9 - Ảnh: AP.

Hơn 10.000 người dân đổ ra đường phản đối các lệnh hạn chế COVID-19 của chính phủ đối với các sự kiện ngoài trời quy mô lớn ở Amsterdam, Hà Lan ngày 11/9 - Ảnh: AP.

Theo tiến sĩ Christian Drosten, Đức cần nhanh chóng nâng tỷ lệ tiêm chủng, hiện mới đạt 67%. Tuy vậy, giới chức Đức không muốn buộc người dân tiêm vaccine hay phong tỏa diện rộng. Thay vào đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn muốn siết chặt việc kiểm soát "hộ chiếu vaccine".

“Trong một ngày ở Rome (Italia), tôi bị kiểm tra hộ chiếu vaccine nhiều hơn 4 tuần ở Đức. Do đó, tôi nghĩ chúng ta còn nhiều điều có thể làm”, ông Spahn nói.

Nhiều quốc gia vẫn đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh mà không cần tái áp đặt các biện pháp phong tỏa. Họ lo ngại các biện pháp này có thể gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế, sức khỏe tinh thần của người dân cũng như việc học hành của trẻ em.

Nhiều nước Châu Âu hiện sử dụng "thẻ xanh COVID" - bằng chứng về việc tiêm chủng đầy đủ, khỏi bệnh hoặc kết quả xét nghiệm âm tính - để vào các địa điểm như quán bar và nhà hàng.

Tuy nhiên, tiến sĩ Bharat Pankhania cảnh báo, "giấy thông hành" có thể mang lại cảm giác an toàn "giả" vì những người được tiêm phòng đầy đủ vẫn có thể bị nhiễm bệnh, mặc dù khả năng tử vong hoặc mắc bệnh nặng của họ thấp hơn đáng kể so với những người không tiêm.

Latvia - một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Liên minh châu Âu (EU) - đã trở thành quốc gia đầu tiên trong khối áp dụng quy định tiêm chủng đối với các thành viên Quốc hội khi số ca COVID-19 tăng cao đe dọa áp đảo hệ thống y tế. Theo quy định, những nghị sĩ không tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ bị giảm lương, bị cấm bỏ phiếu và tham gia các cuộc thảo luận. 

Tại Anh, nơi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế từ tháng 7 nhưng vẫn bùng phát một số đợt dịch, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố nước này "có thể sống chung với virus". Ông Johnson cho biết chính phủ Anh sẽ chỉ áp đặt các biện pháp hạn chế nếu hệ thống y tế chịu áp lực tới mức "không chịu đựng nổi".

Tây Ban Nha, một trong những quốc gia từng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 ở Châu Âu, là một ví dụ về cách kiểm soát đại dịch. Tây Ban Nha đã tiêm chủng cho 80% dân số và mặc dù không còn bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra đường, nhưng nhiều người vẫn tự giác thực hiện. “Virus không thể vượt qua chúng ta một lần nữa nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao”, giáo sư Rafael Bengoa, một trong những chuyên gia y tế hàng đầu Tây Ban Nha, nhận xét.

Trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng, nhiều nước ở Châu Âu đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ miễn dịch. Đức dự định mở lại các trung tâm tiêm chủng trên khắp đất nước. Pháp và Italia triển khai tiêm vaccine mũi 3, cũng như kêu gọi người dân đi tiêm.

Các chuyên gia cho rằng, không có biện pháp duy nhất nào có thể kiểm soát được đại dịch. “Để thực sự kiểm soát được virus, chiến lược đặt ra cần có nhiều lớp: Tránh tập trung đông người, tránh những nơi thông gió kém, được miễn dịch và đeo khẩu trang”, tiến sĩ Pankhania cho biết.

 
Hiệp Nguyễn H+ (Theo Reuters/AP/NYTimes)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn