Nguy cơ xảy ra thảm họa từ đất nước "Không vaccine COVID-19"

Nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong Un đeo khẩu trang lên truyền hình để xác nhận về đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên ở nước này vào ngày 12/5. Ảnh: Getty Images.

Hình ảnh mới nhất về cuộc sống bình dị thường ngày của người dân Triều Tiên

​Triều Tiên bán loại nước "có thể trị ung thư"

Diễn biến mới tại quốc gia duy nhất còn theo đuổi "Zero COVID"

Đông Nam Á đang dần từ bỏ kế hoạch "Zero COVID" để thích ứng với đại dịch

Đầu tháng 5 này, Triều Tiên vẫn khẳng định virus SARS-CoV-2 chưa xâm nhập đất nước, dù nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ tuyên bố này. Triều Tiên là một trong những nước đã nhanh chóng phong tỏa biên giới khi dịch lần đầu xuất hiện ở Trung Quốc, và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt biên giới quốc gia được duy trì trong suốt hơn 2 năm qua, chỉ nới lỏng với Trung Quốc vào đầu năm nay.

Đến hôm qua (12/5), theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Bình Nhưỡng cuối cùng đã báo cáo ca nhiễm đầu tiên, ngay sau đó tuyên bố “tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng cấp quốc gia” và cho biết đây là trường hợp nhiễm biến chủng Omicron BA.2.

Chỉ 1 ngày sau đó, ngày 13/5, KCNA lần đầu tiên cung cấp số liệu về số ca mắc COVID-19 tại Triều Tiên. Theo đó, nước này có thêm 18.000 ca có triệu chứng sốt và 6 ca tử vong vì COVID-19 chỉ trong ngày 12/5.

Theo đó, kể từ khi dịch lây lan "bùng nổ toàn quốc" từ tháng 4/2022, Triều Tiên ghi nhận tổng cộng hơn 350.000 ca bệnh. Khoảng 187.000 ca đang được cách ly điều trị và khoảng 162.000 ca đã được điều trị, KCNA đưa tin nhưng không nói rõ có bao nhiêu trường hợp xét nghiệm dương tính.

“Đã xảy ra vấn đề khẩn cấp nghiêm trọng nhất của cả nước, với một lỗ hổng trong phòng tuyến cách ly khẩn cấp vốn đã được giữ an toàn trong 2 năm 3 tháng qua kể từ tháng 2/2020”, đài KCNA đưa tin hôm 12/5.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong Un tuyên bố đất nước sẽ thực thi cơ chế kiểm soát cách ly “khẩn cấp tối đa” để kiềm chế virus. Mục đích là để “loại bỏ tận gốc trong thời gian ngắn nhất”. Ông Kim cũng cam kết sẽ “vượt qua” đợt bùng phát COVID-19 này và kêu gọi người dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh, AFP dẫn lại từ truyền thông Triều Tiên.

Nguy cơ xảy ra thảm họa từ đất nước "Không vaccine COVID-19"

Người dân đeo khẩu trang đi bộ trên đường ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Người dân đeo khẩu trang đi bộ trên đường ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Theo Financial Times, Triều Tiên là một trong hai quốc gia còn lại trên thế giới từ chối vaccine COVID-19 tính đến tháng 4, bất chấp đề nghị hỗ trợ từ các tổ quốc tế và những nước khác.

Bình Nhưỡng từng từ chối gần 2 triệu liều vaccine AstraZeneca và gần 3 triệu liều vaccine Sinovac từ cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. Thay vào đó, chính quyền ông Kim Jong Un kiên quyết đóng cửa biên giới và duy trì các hạn chế nghiêm ngặt để chống dịch theo cách riêng.

Trong suốt 2 năm đại dịch, Triều Tiên tuyên bố không có ca nhiễm COVID-19 nào và quốc gia này cũng gọi chiến dịch chống dịch của mình là vấn đề "sống còn của quốc gia".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã phản ứng dứt khoát trước sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 trên thế giới bằng cách phong tỏa biên giới với Trung Quốc và Nga, thắt chặt các hạn chế đối với việc di chuyển trong nước và trục xuất các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ nước ngoài.

Nước này cũng đã hạn chế nghiêm ngặt giao thông và thương mại xuyên biên giới, cấm khách du lịch, và thậm chí được cho là đã ra lệnh cho quân đội bắn ngay bất kỳ kẻ xâm phạm nào.

Cho đến nay, Triều Tiên vẫn chưa chấp nhận bất kỳ viện trợ nhân đạo nào liên quan đến đại dịch, kể cả tài trợ vacine từ các tổ chức y tế thế giới. Thông tin từ bên trong Triều Tiên rất khan hiếm, nhưng dường như không có dấu hiệu cho thấy người dân bị bắt buộc ở trong nhà.

Theo New York Times, mối nguy do bùng phát COVID-19 gây ra ở Triều Tiên lớn hơn ở hầu hết các quốc gia khác bởi gần 25 triệu người dân của quốc gia này chưa được tiêm phòng.

Mặc dù các biện pháp chống dịch hà khắc đem lại hiệu quả "Zero COVID" trong 2 năm ở Triều Tiên, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, sự bùng phát COVID-19 dù nhỏ cũng có thể gây ra "thảm họa" ở quốc gia này.

Leif-Eric Easley, một giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul (Hàn Quốc) cho rằng, sự thừa nhận công khai của Triều Tiên về các trường hợp nhiễm SARS-COV-2 có nghĩa là “tình hình sức khỏe cộng đồng phải rất nghiêm trọng”, theo The Guardian.

Giới lãnh đạo Bình Nhưỡng dường như cũng biết rằng một đợt bùng phát COVID-19 sẽ rất tàn khốc do hệ thống chăm sóc sức khỏe Triều Tiên chưa đủ nguồn lực, và thậm chí có thể gây ra bất ổn xã hội khi kết hợp với tình trạng thiếu lương thực của nước này, các chuyên gia nhận định.

Triều Tiên cũng chưa cung cấp thông tin về tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19 cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo báo cáo tình hình mới nhất của tổ chức này. Giả sử phần lớn dân số Triều Tiên không được tiêm phòng, một đợt bùng phát COVID-19 sẽ có thể là một thảm họa, theo CNN.

 
Hiệp Nguyễn (Theo CNN/AP/Finalcial Times/NYTimes)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn