Theo GS.TS. Nguyễn Lân Việt, phụ nữ bước sang tuổi trung niên sụt giảm về các nội tiết tố gây ra các hiện tượng như cơ thể khó chịu, người lúc nóng lúc lạnh, da dẻ không còn mịn màng nữa, hay có cảm giác bốc hỏa, nhịp tim nhanh, đau mỏi xương khớp... Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường vì vậy người phụ nữ nên điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng và làm việc, tăng cường tập thở, tập đi bộ nhẹ nhàng hàng ngày. Do đó, phụ nữ tuổi trung niên cần có chế độ ăn bảo vệ tim mạch, giảm thiểu được các bệnh về tăng cholesterol...
GS.TS Nguyễn Lân Việt giải đáp thắc mắc về chế độ dinh dưỡng để phòng ngừa các bệnh về tim
GS.TS. Nguyễn Lân Việt cũng nhấn mạnh các bệnh lý tim mạch có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới nếu không có chế độ dinh dưỡng và thói quen tốt. Vì vậy tốt nhất là nên chủ động điều chỉnh lối sống hợp lý để có thể có một sức khỏe tốt và tất nhiên sẽ có một trái tim khỏe.
Trong khẩu phần ăn uống, nên hạn chế ăn mặn, tránh ăn mỡ động vật và các thực phẩm có nhiều axit béo bão hòa, nhiều cholesterol.... thay vào đó bằng các loại dầu thực vật. Cần tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả tươi trong khẩu phần ăn hàng ngày. Có thể dùng thêm một số loại vitamin và các yếu tố vi lượng khác. Mọi người cũng nên chú ý ở độ tuổi trung niên thường có kết hợp với hiện tượng loãng xương nên trong khẩu phần ăn uống cũng cần có các chất khoáng cần thiết.
Trong sinh hoạt hàng ngày, nên hạn chế sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, thuốc lào... Cần tích cực vận động, mỗi ngày nên dành thời gian khoảng 30 phút đến 45 phút để tập thể dục, tập đi bộ nhẹ nhàng. Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh kéo dài vì đây là những stress rất có hại cho sức khỏe tim mạch.
Nên chủ động khám sức khỏe định kỳ và làm một số xét nghiệm cần thiết như điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu... để có thể phát hiện kịp thời những tình trạng bệnh lý mà biểu hiện lâm sàng còn chưa rõ để có thể kịp thời điều trị ngay nhằm hạn chế những biến chứng có thể xảy ra cho người bệnh (ví dụ như điều trị tốt tình trạng rối loạn lipit máu, tăng huyết áp, tăng đường máu, tăng axit uric trong máu...), GS.TS. Nguyễn Lân Việt chia sẻ.
Bình luận của bạn