Du khách tắm biển châu Âu nên lưu ý một số điều về trang phục và ứng xử
Infographic: Cảnh giác với một số dạng thiếu máu phổ biến
5 sai lầm phụ nữ thường mắc phải khi "yêu"
Uống trà để dễ ngủ: Liệu bạn đã chọn đúng loại?
Thủ tướng: Chống dịch COVID-19 hiệu quả để tiếp tục phát triển kinh tế
Theo ước tính của Công ty Allianz Partners, nhu cầu đi nghỉ ở cựu lục địa đã tăng 600% so với mùa hè năm ngoái. Và nhiều người dân địa phương không mấy vui vẻ trước những hành vi và trang phục phản cảm của du khách. Bất chấp đợt sóng nhiệt gay gắt đang quét qua châu Âu, họ không muốn nhìn thấy khách du lịch đi quanh thành phố trong những bộ bikini và quần bơi.
Đầu tháng 7 vừa qua, thị trấn Sorrento - cửa ngõ ra bờ biển Amalfi của Ý, đã gây xôn xao khi cấm mặc đồ bơi với số tiền phạt lên tới 500 euro (tương đương 501 USD). Thị trưởng Massimo Coppola đã ban hành lệnh cấm vào ngày 6/7 thông qua trang Facebook chính thức của mình: “Quá đủ những hành vi khiếm nhã rồi. Đó là lý do tôi vừa ký một sắc lệnh cấm đi lại mà để ngực trần hoặc mặc áo tắm”.
Bài đăng viết rõ: “Những người vi phạm sẽ bị phạt từ 25-500 euro", đồng thời khẳng định Sorrento đã luôn được công nhận là kinh đô du lịch và dịch vụ tiếp đón chất lượng cao của thế giới, do đó hành vi nêu trong lệnh cấm có thể gây ra “sự khó chịu và không thoải mái” cho cả người dân lẫn các du khách.
Thị trấn thơ mộng này không phải là điểm đến đầu tiên hay duy nhất ở châu Âu cấm mặc đồ bơi đi lại bên ngoài bờ cát của các bãi biển. Theo báo The Local, đảo Lipari thuộc quần đảo Aeolian ngoài khơi bờ biển Sicily, hay thành phố Tropea ở vùng Calabria (đều ở Ý) cũng đã đưa các lệnh cấm tương tự vào luật, lần lượt vào các năm 2013 và 2019. Ngoài ra, tạp chí Time Out cũng đưa tin hồi tháng 5 rằng cả thành phố Barcelona và đảo Majorca (Tây Ban Nha) đều tuyên bố phạt tiền những ai diện áo tắm khi không ở trên bãi biển.
Mặc đồ bơi ngoài khu vực bãi tắm có thể khiến bạn bị phạt tiền
Mức phạt 500 euro có phần hơi cực đoan, nhưng du khách thực sự nên tôn trọng phong tục địa phương khi đi du lịch, ngay cả ở những nơi không áp dụng các hình phạt.
Mặc dù các tập quán về ăn mặc và phép lịch sự đang nới lỏng ở phần lớn vùng Địa Trung Hải, nhưng người dân địa phương vẫn thường ăn mặc phù hợp với hoàn cảnh. Nói cách khác là trang phục công sở thông thường khi đi làm, đồ bơi ở bãi biển và quần áo thể thao tại phòng tập gym.
Hiếm khi thấy người dân ở các nước như Ý, Tây Ban Nha, Pháp hay Hy Lạp đi dạo quanh các con đường trong thành phố trong trang phục thể thao hàng ngày, hoặc mặc đồ bơi mà không có quần áo khác bên ngoài. Và chắc chắn họ sẽ không bước vào nhà thờ mà để hở hai vai.
Ngoài ra, tuy các nhà hàng sang trọng hiếm khi áp dụng các quy tắc ăn mặc nhưng nhìn chung cả nam giới và phụ nữ đều sẽ mặc đẹp khi dùng bữa tại những địa điểm này. Nam giới có thể không cần mặc vest hay đeo cà vạt, nhưng nên hạn chế mặc quần đùi và đi dép xỏ ngón. Phụ nữ không nhất thiết phải mặc váy và đi giày cao gót, nhưng cũng nên để dép xỏ ngón và quần đùi ở nhà. Nếu không chắc chắn nên mặc gì khi tới đây, hãy quan sát người dân địa phương.
Các nước Địa Trung Hải như Tây Ban Nha coi trang phục là một cách thể hiện sự tôn trọng về văn hóa
“Tây Ban Nha rất giống với Ý” - cây viết kì cựu Lori Zaino của trang The Points Guy tại Madrid cho biết. “Mặc dù văn hóa [tại đây] đã thay đổi đôi chút trong vài năm qua” - cô nói - bạn sẽ không thấy “đồ tập gym bên ngoài phòng tập, và người Tây Ban Nha sẽ không bao giờ mặc đồ bơi hay để ngực trần - kể cả nam giới - đi trên đường phố. Nếu bạn nhìn thấy một đôi dép xỏ ngón ở Madrid, đó là dấu hiệu rõ ràng của một khách du lịch!”
“Thời trang và hình ảnh rất quan trọng ở những nơi như Ý và Tây Ban Nha, và tôi nghĩ rằng việc mọi người không tuân theo những quy tắc ăn mặc không chính thức (mặc dù hiện nay ở một số thành phố là chính thức!) có vẻ thiếu tôn trọng về mặt văn hóa”.
Andria Mitsakos, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty quan hệ công chúng cùng tên, đồng thời là người sáng lập dòng sản phẩm nội thất Anthologist tại Athens (Hy Lạp) đồng tình: "Tôi tin rằng cần có cảm giác tôn trọng về văn hóa như thế". Cô giải thích rằng khi đi tắm biển ở Hy Lạp, cô luôn mang theo đồ để thay vào giờ ăn trưa.
Vì vậy, nếu bạn đang có kế hoạch ghé thăm một bãi biển châu Âu vào mùa hè này, có một số điều bạn nên biết.
Bạn có thể tìm kiếm những bãi biển miễn phí trải khăn và đặt ô của mình trên cát, hoặc cũng có thể đến một trong nhiều câu lạc bộ bãi biển (ở Hy Lạp gọi là những "bãi biển có tổ chức" và ở Ý gọi là "cơ sở tắm biển").
Các câu lạc bộ bãi biển thường tính phí cố định cho cả ngày (đôi khi giảm giá nếu bạn đến vào buổi chiều) hoặc có các mức giá theo mùa. Bạn có thể yêu cầu giường tắm nắng, ghế dài và/hoặc ô, sau đó nhân viên sẽ chọn một vị trí cho bạn. Khi đến vị trí của mình, bạn có thể trải khăn và thay quần áo. Một số câu lạc bộ bãi biển - đặc biệt là ở Ý - cung cấp vòi hoa sen và phòng thay đồ cũng như phòng tắm công cộng, nơi bạn có thể thay đồ bơi nếu thực sự cần. Tất nhiên đừng mong đợi tìm thấy bất kỳ tiện nghi nào tại các bãi biển miễn phí.
Các câu lạc bộ bãi biển cung cấp nhiều dịch vụ như phòng thay đồ, phòng tắm và nhà hàng
“Bạn có thể mặc áo tắm nhưng nhớ choàng khăn khăn hoặc mặc quần áo bên ngoài để đi ra bãi biển, sau đó cởi bỏ chúng khi đến nơi" - Zaino hướng dẫn và giải thích rằng không có nhiều chỗ thay đồ ở các bãi tắm Tây Ban Nha. “Thật là ngược đời khi việc phụ nữ để ngực trần trên bãi biển hoàn toàn được xã hội chấp nhận, nhưng một khi bạn bước chân ra khỏi bãi cát, mọi người lại che kín toàn thân và ngay cả nam giới cũng không cởi trần đi lại”.
Nếu bạn đang muốn tới những bãi biển đặc biệt nổi tiếng, gọi điện và đặt chỗ trước sẽ là quyết định khôn ngoan. Nếu muốn dùng bữa tại nhà hàng của câu lạc bộ bãi biển này, bạn chắc chắn nên đặt chỗ trước. Một số nhà hàng có đồ ăn đặc biệt nổi tiếng, nhưng ngay cả những quán rất cơ bản cũng thường phục vụ các món đơn giản như bánh mì kẹp, cà phê espresso và kem.
Ở Ý, việc tự chế biến hoặc mua đồ ăn thức uống của mình ở nơi khác và mang ra bãi biển hoàn toàn được chấp nhận (và khá phổ biến). Còn ở Hy Lạp, người dân địa phương lại thường mang theo cà phê đá và có thể là đồ ăn nhẹ, sau đó đi ăn trưa vào cuối buổi chiều, trong khoảng từ 4-5 giờ chiều.
“Đối với tôi, một ngày hè hoàn hảo ở Hy Lạp là ăn trưa cho đến khi trăng lên. Mỗi bữa trưa biến thành bữa khai vị, rồi lại biến thành bữa tối” - Mitsakos nói. "Một ngày hè đúng chất Hy Lạp nên trôi đi một cách tự nhiên, từ khoảnh khắc này tới khoảnh khắc kế tiếp".
Và bạn đừng quên mang theo túi đi biển để sẵn sàng cho bất cứ điều gì có thể xảy ra trong ngày.
Bình luận của bạn