Giải đáp một số thắc mắc về việc tiêm vaccine COVID-19

“Sau khi mắc COVID-19 có cần tiêm vaccine không” là thắc mắc chung của khá nhiều người dân

Đề nghị thông quan nhanh nhất cho 31 triệu liều vaccine Pfizer sắp về Việt Nam

Việt Nam tiếp nhận thêm vaccine và thuốc điều trị COVID-19

Bộ Y tế: Ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú

WHO khuyến cáo những ai không nên tiêm vaccine COVID-19 Moderna?

Tại sao phải tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ hai?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hầu hết các loại vaccine COVID-19 hiện nay đều cần được tiêm 2 liều cách nhau vài tuần. Các dữ liệu khoa học cho thấy hiệu lực bảo vệ của vaccine đã bắt đầu hình thành sau khi tiêm liều thứ nhất, nhưng liều tiêm thứ hai sẽ làm gia tăng hiệu lực bảo vệ đó, giúp bảo vệ bạn hiệu quả hơn, kéo dài hơn.

Do đó, WHO cũng khuyến cáo mọi người nên tiêm liều vaccine thứ hai theo đúng lịch trình khuyến cáo của từng loại vaccine. Nhà sản xuất 5 loại vaccine đang được tiêm tại Việt Nam (bao gồm AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna và Sinopharm) cũng đều khuyến cáo cần tiêm đủ 2 mũi.

Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vaccine COVID-19 là bao lâu?

Theo Bộ Y tế, khuyến cáo của nhà sản xuất cho thấy khoảng cách giữa 2 mũi tiêm của các loại vaccine là khác nhau, cụ thể:

- Vaccine AstraZeneca: Từ 8 - 12 tuần.

- Vaccine Sputnik V: 3 tuần.

- Vaccine Pfizer: 3 tuần.

- Vaccine Sinopharm: 3 - 4 tuần.

- Vaccine Moderna: 4 tuần.

Tùy từng loại vaccine mà thời gian giữa 2 mũi tiêm có thể khác nhau

Tiêm mũi vaccine thứ hai chậm hơn thời gian khuyến cáo có sao không?

Trong bối cảnh khan hiếm vaccine trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam hiện nay, việc tiêm mũi thứ hai cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 đang gặp rất nhiều khó khăn. Vậy liệu việc tiêm mũi vaccine thứ hai chậm hơn thời gian khuyến cáo có ảnh hưởng gì không?

Theo TS. Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), những khuyến cáo về khoảng cách giữa 2 mũi tiêm mà nhà sản xuất đưa ra là mốc lý tưởng nhất, trong bối cảnh dồi dào và sẵn nguồn vaccine.

"Còn trong tình trạng thiếu vaccine như hiện nay ở Việt Nam, việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo không ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine. Người dân không phải tiêm lại từ đầu các mũi vaccine", TS. Huyền khẳng định.

"Trong bối cảnh nguồn cung vaccine COVID-19 không dồi dào, người dân đã tiêm mũi 1 cần kiên nhẫn, chờ đến lượt được thông báo đi tiêm mũi 2. Khi được tiêm mũi 1 là bạn đã được bảo vệ ở một mức độ an toàn nhất định", TS. Huyền cho biết. Theo đó, khi đã tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19, nguy cơ khiến bệnh nặng, phải nhập viện (nếu nhiễm) giảm đi rất nhiều, lên tới 90%.

Người đã mắc COVID-19 có cần tiêm vaccine không?

Theo thông tin của Bộ Y tế Đức, những người đã nhiễm SARS-CoV-2 vẫn nên được tiêm ngừa. Theo đó, những người đã từng mắc COVID-19 nên tiêm thêm 1 liều vaccine trong vòng 6 tháng, tốt nhất là sau 4 tuần kể từ khi phục hồi hoặc từ khi được chẩn đoán.

Các chuyên gia chỉ ra rằng việc tiêm vaccine là an toàn với những người đã khỏi bệnh và việc tiêm chủng có thể được tiến hành sớm nhất là sau 4 tuần kể từ khi các triệu chứng thuyên giảm. Việc tiêm thêm 1 mũi vaccine sẽ giúp tăng nồng độ kháng thể cho những người từng mắc COVID-19.

Người dân tại Hà Nội không đăng ký tạm trú có được tiêm vaccine COVID-19 hay không?

Theo ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 của thành phố Hà Nội bao gồm tất cả các đối tượng thuộc nhóm được tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội. Do đó, việc tiêm chủng không phân biệt người có hộ khẩu hay tạm trú, miễn là đang sinh sống ở Hà Nội là được tiêm.

Người dân đăng ký tiêm chủng với các UBND phường, xã nơi mình đang sống hoặc có thể đăng ký trực tuyến bằng cách truy cập vào “Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19”, hoặc qua ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” trên điện thoại.

Khi đăng ký tiêm vaccine trực tuyến, người dân cũng không phải khai báo nơi thường trú, tạm trú mà chỉ cần khai thông tin về địa chỉ sinh sống.

Vi Bùi H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội