Gốc tự do và các chất chống oxy hóa - những điều cần biết

Việc hiểu rõ về bản chất của các gốc tự do là điều rất quan trọng, từ đó giúp chúng ta hiểu cách phòng chống những tác hại mà các gốc tự do có thể tác động lên cơ thể con người.

Tại sao gọi là “Gốc tự do”?

Nói một cách ngắn gọn: Gốc tự do là các chất phản ứng mạnh, được tạo ra khi cơ thể chúng ta thu nhận khí oxy hoặc chuyển hóa thức ăn để tạo ra năng lượng. Bản thân các gốc tự do góp phần vào quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, nếu số lượng gốc tự nhiên quá nhiều có thể gây tổn thương các tế bào lành và thậm chí có thể là nguyên nhân chính dẫn đến một số bệnh, đặc biệt là bệnh liên quan đến quá trình chuyển hóa.


Bình thường, các nguyên tử trong cơ thể chúng ta ở trạng thái cân bằng. Trong quá trình trao đổi chất, một số nguyên tử bị mất electron và trở nên mất cân bằng. Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Chính việc mất cân bằng electron trong nguyên tử đã tạo ra các gốc tự do đi “chiếm đoạt” electron từ các nguyên tử lành lặn khác. Chính điều này gây ra chuỗi phản ứng không mong muốn. Khi chiếm đoạt các electron từ các nguyên tử lành, các gốc tự do sẽ gây ra một loạt gốc tự do mới. Đến lượt mình, các gốc tự do mới này lại đi tìm kiếm electron, và vòng luẩn quẩn lại tiếp tục, làm cho các tế bào lành bị hư hại hoặc biến chất.

Khi có quá nhiều gốc tự do trong cơ thể thì tác hại của chúng là vô cùng to lớn. Các gốc tự do tấn công và oxy hóa màng tế bào (gồm lipid và protein). Gốc tự do cũng làm tổn thương ti thể - trung tâm năng lượng của tế bào, nơi chuyển hóa các chất hữu cơ, thành năng lượng tế bào có thể sử dụng được. Quá trình oxy hóa này phá hủy các enzyme và hormone chính của cơ thể, cản trở khả năng hồi phục tự nhiên của các tế bào. Ngay cả các phân tử ADN cũng có thể bị tấn công bởi khoảng 100.000 gốc tự do mỗi ngày. Các tế bào lành bị tổn thương dần dần sẽ dẫn tới lão hóa, các bệnh tim mạch, gây tổn thương gan, thậm chí ung thư.

Chất chống oxy hóa - “Kẻ thù” của gốc tự do


Cơ thể có thể được bổ sung các chất chống ôxy hóa bằng nhiều loại thức ăn tự nhiên hoặc thực phẩm chức năng tổng hợp.

Việc cơ thể sản sinh ra các gốc tự do trong quá trình trao đổi chất là không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là trong cơ thể khoẻ mạnh, gốc tự do sinh ra có giới hạn, không quá thừa để gây hại. Và rất may là gốc tự do cũng có “kẻ thù”, đó là các chất chống ôxy hóa, có nhiệm vụ cân bằng lại, vô hiệu hoá các gốc tự do có hại. Chỉ khi nào gốc tự do được sinh ra quá nhiều và hệ thống chất chống ôxy hoá nội sinh không đủ sức cân bằng thì mới sinh ra các rối loạn bệnh lý. Khi đó, cơ thể con người cần được bổ sung các chất chống ôxy hóa. Đó là các Vitamin A, C và E; là Beta carotene, lutein, acid alpha lipoic, selen, carotenoid hay Coenzyme Q10. Các chất này được gọi là các chất chống ôxy hóa vì chứa các phân tử có nhiều electron dự trữ, có khả năng làm cân bằng các gốc tự do, giúp giữ ổn định chức năng và cấu trúc của các tế bào khỏe mạnh.

Một câu hỏi được đặt ra là các chất chống ôxy hóa tác động có lợi tới cơ thể con người như thế nào?

Câu trả lời là: Các chất chống ôxy hóa có thể mang tới cho cơ thể con người nhiều ích lợi: Giúp phòng một số bệnh như bệnh tim mạch, rối loạn trí nhớ, đục thủy tinh thể hay thoái hóa hoàng điểm; Các bệnh rối loạn hệ thống bao gồm cả bệnh Alzheimer và ung thư. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng: Chất chống ôxy hóa còn giúp làm giảm các dấu hiệu lão hóa, thể hiện qua việc giảm thiểu các nếp nhăn trên da và bảo toàn cấu trúc da, giúp bảo vệ da khỏi tổn thương do ánh nắng mặt trời và giảm nguy cơ sạm da.

Các Vitamin C và E là hai trong số các chất chống ôxy hóa hiệu nghiệm nhất bởi chúng giúp ngăn ngừa các gốc tự do làm ôxy hóa các phân tử sinh học nhạy cảm. Ngoài ra, các chất chống ôxy hóa mạnh còn bao gôm: Selen (cũng được chứng minh là có tác dụng đối với các bệnh tim mạch và miễn dịch); Vitamin A (rất cần thiết đối với quá trình sản sinh các tế bào biểu mô) và Coenzyme Q10 (hỗ trợ sức khỏe tim mạch và giúp ổn định mức đường huyết trong cơ thể),…

Tác dụng của Vitamin E & Vitamin C
Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh công dụng của Vitamin E đối với việc điều trị bệnh Alzheimer. Tiến sỹ Mary Sano - trường Đại học Columbia, New York, Hoa Kỳ và nhóm của ông đã chứng minh rằng: Đối với những bệnh nhân bị Alzheimer mức độ nặng, nếu dung nạp 2.000 đơn vị quốc tế (IU) Vitamin E trong vòng 2 năm, sẽ có khả năng giảm tốc độ tiến triển của bệnh. Vitamin C cũng được chứng minh công dụng rõ nét đối với khả năng tăng sức đề kháng của cơ thể. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cũng đưa ra kết luận rằng Vitamin C còn có tác dụng đối với quá trình điều trị bệnh ung thư. Giáo sư Abram Hoffef là người đầu tiên thử nghiệm cho bệnh nhân ung thư sử dụng liều cao Vitamin C truyền qua đường tĩnh mạch, kết hợp với các loại vitamin và khoáng chất khác. Tuy nhiên, các loại bệnh ung thư khác nhau có khả năng thích ứng với Vitamin C khác nhau. Ví dụ, bệnh ung thư vú thích ứng dễ dàng với liệu pháp điều trị Vitamin hơn ung thư phổi. Bác sĩ điều trị sẽ phải điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân cho phù hợp.

anhvan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất