Cập nhật bản tin COVID-19 tính đến 9h sáng ngày 13/4
Vaccine vẫn là “Lá chắn” quan trọng nhất
Xin hãy nhớ lời Thủ tướng để duy trì “những ngày vui”!
WHO đưa ra kế hoạch chấm dứt giai đoạn khẩn cấp của đại dịch COVID-19
Tây Ban Nha dỡ bỏ hàng loạt biện pháp phòng chống dịch COVID-19
Sáng 13/4, khoảng 432.000 trẻ mầm non của Hà Nội đã trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học vì dịch COVID-19. Đây là cấp học cuối cùng của Hà Nội, cũng là những học sinh cuối cùng của cả nước được trở lại học trực tiếp. Các trường đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên để phục vụ công tác dạy học và chăm sóc trẻ.
Để chuẩn bị tốt nhất cho Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tuần qua, ngành Y tế nhiều địa phương ở Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các điểm tiêm cố định và lưu động về sàng lọc trước tiêm chủng và xử trí một số phản ứng sau tiêm vaccine. Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội có khoảng 950.000 trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi. Đây là các đối tượng nhỏ tuổi nên công tác tiêm chủng cần cẩn trọng từ khám sàng lọc đến chỉ định tiêm, tiêm và theo dõi sau tiêm...
Ngày 12/4, đại diện Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau cho biết, bé gái gần 8 tháng tuổi bị tiêm nhầm vaccine phòng COVID-19 đã ổn định sức khỏe và được xuất viện sau gần hai tuần theo dõi, chăm sóc đặc biệt tại Khoa Nội của bệnh viện. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau nhận được thông tin bé N.N.M, sinh ngày 27/8/2021, cân nặng 7,4kg (ngụ tại ấp Chợ Thủ A, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển) bị tiêm nhầm vaccine trong đợt tiêm chủng mở rộng tại xã Tam Giang Tây.
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai vừa tiếp nhận một bệnh nhi 2 tuổi trong tình trạng hôn mê, có các cơn co giật dài toàn thân. Được biết, bệnh nhi đã uống nhầm khoảng 200ml rượu vì nghĩ đó là nước. Tại bệnh viện, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhi bị ngộ độc rượu xử trí cấp cứu theo phác đồ ngộ độc, truyền dịch, bù nước điện giải. Sau gần 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã hồi tỉnh, lấy lại được ý thức, sức khỏe ổn định. Qua trường hợp trên các bác sỹ khuyến cáo: Không khuyến khích, cổ vũ trẻ uống rượu, bia, không để rượu, bia, các chai hóa học độc hại...gần trẻ; Khi trẻ đã ăn hoặc uống phải các chất độc hại phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất đề cấp cứu, đồng thời mang theo đồ ăn, uống mà trẻ đã bị ngộ độc đến bệnh viện để xét nghiệm độc chất.
Bệnh viện Đà Nẵng vừa nội soi gắp thành công viên thuốc còn nguyên vỏ với kích thước 24x17mm nằm trong khí quản cho một nam bệnh nhân 49 tuổi. Trước đó, ngày 3/4, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ho kéo dài, khó thở. Qua khai thác của bác sỹ, bệnh nhân nhớ 3 năm trước (năm 2019) có uống sặc thuốc còn nguyên vỏ. Bệnh nhân có cảm giác hơi vướng nhưng không khó thở mà ho kéo dài. Tháng 3/2021, bệnh nhân có đến khám tại một bệnh viện địa phương, được chẩn đoán theo dõi viêm họng cấp, uống thuốc gần một vẫn không đỡ. Đến tháng 4/2022, triệu chứng ho kéo dài, kèm khó thở bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, không khó thở, giảm đau họng nhiều, ăn uống được qua đường miệng.
Bệnh viện Việt Đức vừa cấp cứu thành công một ca mất thị giác sau khi tiêm filler nâng mũi. Được biết, bệnh nhân tiêm filler nâng mũi tại chỗ người quen ở địa phương, vì thân quen nên bệnh nhân khá tin tưởng. Tuy nhiên sau khi tiêm khoảng 10-15 phút, khi tiến hành nắn sống mũi, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện nóng đầu, hoa mắt, chóng mặt, xuất hiện co giật. Ngay sau đó, bệnh nhân được tiêm thuốc giải nhằm làm tan filler đã tiêm. Sau 4 tiếng từ khi tiêm filler, bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sau 10 ngày điều trị tích cực, đến nay bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp được, thi thoảng có cơn đau đầu. Mắt trái từ mất thị giác hoàn toàn đã dần cảm nhận được ánh sáng khi chiếu đèn./
Bình luận của bạn