Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ trong đại dịch

Làm sao để bảo vệ trẻ về cả thể chất và tinh thần?

Hà Nội: Trẻ mầm non trở lại trường, sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi

MEDTALKS số 2: “Vaccine” cho trẻ về thể chất và tinh thần

Hơn 7,15 triệu F0 khỏi bệnh, Hà Nội khảo sát tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi

ĐBQH: Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em có ảnh hưởng sức khỏe sinh sản không?

Từ khi bùng phát vào cuối năm 2019, dịch COVID-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên. Trẻ em là đối tượng được tiêm vaccine sau cùng, đồng thời, quá trình giãn cách xã hội khiến trường học đóng cửa.

Tuy nhiên, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, đại dịch có thể chỉ cho thấy phần nổi của “tảng băng chìm” về sức khỏe tâm thần, vốn không được chú ý trong một thời gian quá dài. Theo khảo sát mới được công bố vào đầu tháng 4 năm nay của UNICEF, cả nước có trên 3 triệu trẻ em cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tin tức đáng buồn liên quan đến vấn đề này.

Tại hội thảo online diễn ra tối ngày 14/4 “Vaccine cho trẻ về thể chất và tinh thần” do MetaMinds phối hợp với Thương hiệu sách Y học MedInsights và Công ty Công nghệ eDoctor tổ chức, các chuyên gia đã đề cập tới nhu cấp cấp thiết là bảo vệ sức khỏe của trẻ trong đại dịch.

Tầm quan trọng của vaccine phòng COVID-19

Các diễn giả tham dự hội thảo đã giải đáp nhiều thắc mắc về vaccine cũng như cách chăm sóc sức khỏe tinh thần của trẻ

Các diễn giả tham dự hội thảo đã giải đáp nhiều thắc mắc về vaccine cũng như cách chăm sóc sức khỏe tinh thần của trẻ

Mở đầu hội thảo, BS.TS Lê Thị Thanh Thủy, hiện đang công tác tại Khoa Nội Gan Mật, trường Đại học Y khoa, thuộc Đại học Thành phố Osaka, Nhật Bản giới thiệu về chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Nhật Bản. Trẻ em tại Nhật được khuyến khích tiêm phòng bởi ngay cả khi F0 là trẻ em chỉ gặp triệu chứng nhẹ, việc ở nhà trong thời gian dài có thể khiến chúng gặp khó khăn về thể chất và tinh thần.

TS.BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng phía Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, điểm tương đồng trong chính sách tiêm vaccine COVID-19 dành cho trẻ nhỏ tại Việt Nam và Nhật Bản là cần có sự đồng thuận của cha mẹ.

TS Thái cũng cập nhật những kiến thức về vaccine phòng COVID-19, cách cơ thể đáp ứng với virus, từ đó giúp các bậc phụ huynh an tâm hơn khi đưa con đi tiêm phòng. Ngoài ra, TS Thái nêu ra thực trạng, nhiều trẻ ngất trong buổi tiêm không phải do vaccine mà là do cộng hưởng những áp lực, lo lắng từ cha mẹ. Các chuyên gia đều bày tỏ mối quan tâm về một giải pháp “vaccine” cho sức khỏe tinh thần của trẻ bên cạnh các biện pháp phòng bệnh về thể chất.

Quan tâm đến sức khỏe tinh thần của con trẻ

Nhìn từ Nhật Bản, TS Thủy cho biết, đại dịch ảnh hưởng lớn tới khả năng thích ứng của trẻ. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số vụ tự tử ở lứa tuổi vị thành niên đã tăng đột biến vào năm 2020 với 499 vụ. Các lý do chính khiến trẻ tự tử là kết quả học tập kém, không chắc chắn về nghề nghiệp, và các vấn đề gia đình. Một số chuyên gia cho rằng đại dịch cũng là yếu tố đáng kể góp phần dẫn tới tình trạng này.

TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền - Chuyên gia về sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện Bạch Mai

TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền - Chuyên gia về sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện Bạch Mai

Còn tại Việt Nam, TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền - Chuyên gia về sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện Bạch Mai cho hay, trong quá trình làm việc, bà gặp khá nhiều trẻ có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Phổ biến là các vấn đề trầm cảm, rối loạn lo âu, có các hành vi hủy hoạt bản thân, tự sát, nghiện game, những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường.

Trong thời kỳ của đại dịch COVID-19, tỷ lệ này càng tăng lên bởi những lý do như: Trẻ ở trong các khu vực cách ly, không có sự tiếp xúc với môi trường bên ngoài, học online nhiều, không có các hoạt động thể dục thể thao; Gia đình không quản lý được thời gian học tập của trẻ, trẻ có thể sử dụng các phương tiện điện tử thoải mái như máy tính điện thoại và vô tình nghiện các trò chơi online… Đặc biệt với những trẻ đã có vấn đề về sức khỏe tâm thần như tự kỷ, tăng động… thì việc cách ly thời kỳ dịch bệnh còn gây ảnh hưởng nhiều hơn. Khi mắc bệnh, trẻ có biểu hiện mất ngủ, đau đầu, rối loạn lo âu, trầm cảm, nặng hơn là muốn tự sát hoặc tìm cách tự sát.

Tuy không thể so sánh vấn nạn tự tự ở xã hội Việt Nam và Nhật Bản, chúng ta có thể học tập một số biện pháp ngăn chặn tình trạng này. TS Thủy cho biết, phát hiện sớm là một chiến lược quan trọng trong việc ngăn chặn thanh thiếu niên tự tử. Hiện nay, hơn 70 trường THCS và THPT ở Nhật Bản đang sử dụng Công cụ sàng lọc tự tử dựa trên máy tính bảng có tên RAMPS, giúp giáo viên hoặc y tá trường học xác định các yếu tố nguy cơ ở học sinh.

Với kinh nghiệm làm việc tại Phòng Khám, Tư vấn và Điều trị ngoại trú, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, BS Huyền chỉ ra cho người tham dự hội thảo các dấu hiệu nhận biết trẻ bị lo âu, trầm cảm, nghiện game, đặc biệt là trẻ có ý định tự sát, để cha mẹ/người giám hộ có thể nhận biết và có những can thiệp kịp thời giúp đỡ trẻ.

Theo đó, trẻ có suy nghĩ tự sát thường có một số các biểu hiện sau: Trước đó trẻ có những biểu hiện của trầm cảm (kém vui tươi, đột ngột thu mình, ít nói, hay khóc); Thường hay nhắc đến cái chết của mình. Có thể trẻ thể hiện những điều nay bằng cách viết nhật ký, thư để lại hoặc chia sẻ với bạn bè thân nhất của mình. Trẻ cũng có thể có biểu hiện như xin tiền để mua bán một thứ gì đó hoặc tìm hiểu về một loại thuốc ví dụ như thuốc an thần, hoặc nói về thuốc uống để chết…

Trong khuôn khổ buổi hội thảo online, các diễn giả đã cố gắng làm lộ rõ phần nổi của tảng băng chìm về vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ, từ đó giới thiệu một số biện pháp để phát hiện sớm và ngăn chặn vấn nạn tự tử ở trẻ vị thành niên. TS Huyền cũng nhấn mạnh giải pháp dành cho cha mẹ, người giám hộ, là cần tạo mối quan hệ cởi mở với con và cả bạn bè của trẻ. Cha mẹ cần đồng hành cùng con, làm sao để con cái có thể chia sẻ chuyện vui buồn ở trường ở lớp với cha mẹ.   

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin