Hàng loạt địa phương đã tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

Bác sỹ khuyến cáo không nên trì hoãn tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ đã tiêm các loại vaccine khác - Ảnh: Sở Y tế An Giang

Trẻ tiêm vaccine COVID-19 có được tiêm các loại vaccine khác cùng thời điểm?

Tiêu điểm Sức khỏe+ ngày 18/4/2022

Tình hình vaccine COVID-19 sau hai năm đại dịch

TP.HCM đồng loạt tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi, phát hiện 2 biến chủng mới Omicron

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã có quyết định phân bổ hơn 1,3 triệu liều vaccine Moderna do Chính phủ Australia viện trợ để phục vụ công tác tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Tính đến chiều 18/4, đã có hàng loạt địa phương tiến hành tiêm cho trẻ ở độ tuổi này: Quảng Ninh, TP.HCM, Hà Nội, Hà Nam, Bình Dương, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Cao Bằng. Theo cập nhật của  Sở Y tế Hà Nội lúc 19h ngày 18/4, gần 25.100 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm trong 3 ngày 16-18/4. Đến nay, Hà Nội và TP.HCM chưa ghi nhận trường hợp trẻ có phản ứng nặng sau tiêm vaccine COVID-19. 

Trong hôm nay, thêm Bạc Liêu, Bắc Giang Hải Dương bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Theo VnExpress, TS.BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn - Trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, vaccine mRNA đang được sử dụng tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi không bị ảnh hưởng bởi kháng thể lưu hành trong máu của người được tiêm. Ngược lại, kháng thể được tạo ra từ vaccine COVID-19 là đặc hiệu với protein gai, không bị ức chế hoặc tương tác với các kháng nguyên có trong các loại vaccine hiện có trên thị trường hiện nay, kể cả vaccine sống giảm độc lực như sởi, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella...

BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn khuyến cáo trẻ vừa tiêm vaccine khác có thể tiêm ngay vaccine COVID-19. Nhưng ngược lại, những trẻ mới tiêm vaccine COVID-19 nên đợi ít nhất 14 ngày để tập trung theo dõi các tác dụng không mong muốn từ tiêm vaccine COVID-19, trong đó có viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim, sau đó mới tiêm các vaccine khác".

Theo VTV.vn, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đã tiếp nhận và điều trị bệnh nhi 13 tuổi bị xuất huyết tiêu hóa nghi do viêm loét dạ dày tá tràng, đồng thời mắc COVID-19. Bệnh nhi khởi bệnh trước nhập viện 5 ngày với các triệu chứng sốt, đau họng, đau bụng vùng thượng vị, ói ra máu. Các bác sỹ đã tiến hành xử trí hỗ trợ hô hấp, truyền dịch chống sốc, truyền máu, huyết tương và tiểu cầu đậm đặc cho bệnh nhân. Sau 1 tuần điều trị và theo dõi, bệnh nhi cai được máy thở, tỉnh táo, không ói, uống được sữa.

Các nghiên cứu cho thấy, SARS-CoV-2 có thể tấn công đường tiêu hóa gây viêm loét xuất huyết, gây triệu chứng nôn ói, đau bụng, đầy hơi, táo bón, xuất huyết tiêu hóa. Các bác sỹ khuyến cáo, phụ huynh khi thấy trẻ sốt kèm ói, đau bụng tiêu chảy... hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám, định bệnh chính xác và điều trị thích hợp.

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn