Hãy tăng cường bổ sung Vitamin A cho trẻ

Phòng chống thiếu hụt vitamin A ở trẻ nhỏ

* 50% trẻ em Việt Nam thiếu các vi chất dinh dưỡng, trong đó 14,2% thiếu vitamin A. Mục tiêu từ 2011 đến năm 2020: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi có hàm lượng vitamin A huyết thanh thấp giảm xuống dưới 10% vào năm 2015 và dưới 8% vào năm 2020.

Thiếu hụt vitamin A là một vấn đề y tế cộng đồng phổ biến tại nhiều quốc gia đang phát triển, và ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của trẻ em và phụ nữ. Thiếu vitamin A làm giảm tăng trưởng cả về thể lực và trí tuệ, làm giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và tăng nguy cơ tử vong ở trẻ. Trẻ em thiếu vitamin A sẽ kém phát triển, có thể bị mắc bệnh khô mắt và nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả mù lòa vĩnh viễn.

Ở nước ta, công tác phòng chống suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin A ở trẻ em đang rất được quan tâm. Trong những năm qua, hoạt động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng (thiếu vitamin A, thiếu chất dinh dưỡng, thiếu i-ốt) đã đạt được những thành tích đáng kể. Mặc dù vậy, nguy cơ thiếu vitamin A vẫn còn là mối đe dọa tiềm ẩn ở trẻ em.

Hãy tăng cường bổ sung Vitamin A cho trẻ - 1

Phụ huynh đưa trẻ đi uống vitamin A (ảnh minh họa)

Chương trình bổ sung vitamin A trên diện rộng tại Việt Nam đã được triển khai từ nhiều năm nay và giành được những hiệu quả thiết thực với các mục tiêu đạt được là 90% trẻ em từ 6-36 tháng tuổi được bổ sung vitamin A liều cao 2 lần/ năm.

Nguyên nhân thiếu hụt vitamin A ở trẻ nhỏ

Trẻ ở lứa tuổi dưới 36 tháng có nguy cơ thiếu vitamin cao nhất bởi nhiều nguyên nhân:

- Trẻ em thường kén chọn, không thích ăn những thực phẩm tươi giàu vitamin A như cà-rốt, khoai lang, rau cải bó xôi, ớt chuông đỏ, xoài, bông cải xanh, vốn giàu vitamin A.

- Nhiều trẻ mới biết ăn cơm có thói quen chỉ ăn cơm chan cùng nước canh, không thích nhai thịt, cá, rau, củ, gan nên bữa ăn mất cân bằng, thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin A.

- Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, tình trạng thiếu vitamin A thường bắt đầu trong giai đoạn sơ sinh, khi chế độ ăn của mẹ thiếu vitamin A khiến trẻ không nhận được đầy đủ vitamin từ nguồn sữa mẹ.

- Cách chế biến không đúng cách, chẳng hạn, ngâm rau quá lâu, nấu quá kỹ làm mất bớt chất dinh dưỡng, trong đó có vitamin A.

- Ngoài ra, vitamin A không tan trong nước mà chỉ tan trong dầu, do đó nếu bữa ăn của bé thiếu chất béo thì cơ thể sẽ khó chuyển hóa và đưa vitamin A tới các cơ quan, bộ phận.

Hãy tăng cường bổ sung Vitamin A cho trẻ - 2

Trẻ thường không thích ăn những thực phẩm giàu vitamin A (ảnh minh họa)

Cũng vì các lý do trên, trẻ giai đoạn này thường yếu ớt, chưa có sức đề kháng chống lại sự xâm nhập của virus nên rất dễ mắc các bệnh: biếng ăn, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng đường hô hấptiêu hóa, các bệnh liên quan đến thị giác...

Cùng đưa bé tham gia chiến dịch bổ sung Vitamin A

Để cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin A ở trẻ nhỏ, phụ huynh cần tăng cường bổ sung vitamin A cho trẻ thường xuyên. Nếu đang cho con bú, người mẹ cần ăn uống đủ 4 nhóm thực phẩm. Khi trẻ ăn dặm, cần cho trẻ ăn thực phẩm giàu vitamin và chất béo, vì đây là dung môi quan trọng để cơ thể trẻ hòa tan vitamin A trong thực phẩm. Chỉ cần 1-2 thìa cà phê dầu ăn vào bát cơm hay cháo vừa nấu chín là có thể cung cấp đủ chất béo cần thiết cho nhu cầu hằng ngày của trẻ.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ