Sai! Luật An toàn thực phẩm năm 2010 “giải thích từ ngữ” rất rõ ràng rằng: “Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học”. Nghị định 15/2018/ NĐ - CP cũng đã làm rõ hơn các khái niệm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
Tuy vậy, phải khẳng định rõ thực phẩm chức năng không có tác dụng điều trị bệnh. Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam ban hành đã liệt kê những hành vi vi phạm đạo đức, trong đó có việc quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng điều trị bệnh.
Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ cũng phải được Bộ Y tế (đã uỷ quyền cho Cục An toàn thực phẩm) cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi lưu hành. Khi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, doanh nghiệp cũng buộc phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Như vậy, với mọi sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, người tiêu dùng có thể kiểm tra kỹ phân loại sản phẩm và thông tin số hiệu giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trên bao bì của sản phẩm. Trên nhãn sản phẩm cũng bắt buộc phải có các nội dung liên quan đến tên gọi sản phẩm (bắt buộc bao gồm cả tên nhóm sản phẩm), thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng, xuất xứ sản phẩm (đơn vị sản xuất) và thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm. Dòng khuyến cáo “thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” cũng là nội dung bắt buộc.
Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng, có tới 80% các quảng cáo gây bức xúc trên mạng xã hội, internet… hiện nay là “trá hình” thực phẩm chức năng. Rất nhiều sản phẩm chưa hề được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm. Thậm chí, có những sản phẩm còn “trá hình” thuốc Đông y “gia truyền” để lừa đảo người tiêu dùng. Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các hoạt động quản lý thị trường, quản lý môi trường mạng để sớm loại bỏ các sản phẩm “trá hình” này.
Theo quy định hiện hành, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phải được sản xuất tại các cơ sở được chứng nhận đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) hoặc chứng nhận tương đương.
Với quy định này, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được sản xuất phù hợp với mục đích sử dụng, tuân theo các quy định của cơ quan quản lý có thẩm quyền, bảo đảm chất lượng, an toàn và không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Cơ sở sản xuất phải có hệ thống bảo đảm chất lượng được xây dựng, thiết kế toàn diện kết hợp với Thực hành sản xuất tốt và kiểm soát chất lượng hướng đến mục tiêu chất lượng đề ra. Hệ thống bảo đảm chất lượng phải được xây dựng thành bộ văn bản hoàn chỉnh với các nguồn lực thực thi bao gồm nhà xưởng, thiết bị, nhân lực đầy đủ, phù hợp để đảm bảo hệ thống hoạt động một cách có hiệu quả…
Luật An toàn thực phẩm quy định: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm”.
Như vậy, có thể khẳng định, bác sĩ, lương y, nhân viên y tế… tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định.
Trên thực tế, có rất nhiều video, clip được phát tán trên YouTube, Facebook, Zalo, Tiktok… và các mạng xã hội có hình ảnh các nhân viên y tế quảng cáo sản phẩm hiện nay là giả mạo, cắt ghép, thậm chí giả logo các cơ quan báo chí để đánh lừa người tiêu dùng…
Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa quảng cáo và tư vấn! Khoản 8, điều 4, Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023 nêu rõ quyền của người tiêu dùng là: “Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn về kiến thức và kỹ năng tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ”.
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng này của người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán phương án để làm sao người tiêu dùng được những người có chuyên môn tư vấn đầy đủ khi sử dụng các thực phẩm chức năng. Đây cũng là phương châm “3 đúng” mà Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã đề ra: Hiểu đúng – Làm đúng – Dùng đúng!
Quy định của pháp luật hiện hành (Thông tư 52/2017/TT-BYT) không cho phép việc kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc. Lưu ý, trong đơn thuốc không chỉ có thuốc mà bao gồm cả lời dặn về chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt làm việc.
Tuy không có mặt trong đơn thuốc nhưng phải nhắc lại định nghĩa: “Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học”.
Người tiêu dùng khi muốn sử dụng thực phẩm chức năng để hỗ trợ điều trị bệnh, tăng sức đề kháng, phòng ngừa, giảm nguy cơ mắc bệnh… thì nên tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn để đảm bảo hiệu quả của sản phẩm.
Có 3 nội dung bắt buộc (bên cạnh nhiều thông tin khác) phải ghi trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ hiện nay là công dụng, đối tượng sử dụng và cảnh báo (hay lưu ý - ví dụ nguy cơ mẫn cảm hay nguy cơ tương tác với thuốc và thực phẩm…).
Để có những nội dung này ghi trên nhãn sản phẩm, khi thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan chức năng, doanh nghiệp bắt buộc phải nộp bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân). Khi sử dụng bằng chứng khoa học về công dụng thành phần của sản phẩm để làm công dụng cho sản phẩm thì liều sử dụng hàng ngày của sản phẩm tối thiểu phải lớn hơn hoặc bằng 15% lượng sử dụng thành phần đó đã nêu trong tài liệu.
Như vậy, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phải có công dụng được ghi rõ ràng trên nhãn sản phẩm.
Bình luận của bạn