Hiểu đúng về vi khuẩn Helicobacter pylori


Không ít lần ở bệnh viện, chúng tôi gặp cảnh người bệnh tay cầm kết quả xét nghiệm HP dương tính mà nước mắt giọt ngắn giọt dài chỉ vì nghe người đi khám bệnh ngồi cạnh nói rằng mình đã bị nhiễm loại vi trùng gây ung thư (và sớm muộn gì cũng sẽ bị ung thư dạ dày!). Cũng nhiều bậc phụ huynh bị viêm loét dạ dày - tá tràng do HP vì quá lo lắng đã tự đưa con đi xét nghiệm HP và khẩn thiết xin điều trị dù trẻ không có triệu chứng.

Lo quá sinh bệnh

Điều trị HP thường là những phác đồ phối hợp thuốc phức tạp với ít nhất hai loại kháng sinh, do đó có nhiều tác dụng phụ. Hệ lụy là nhiều trẻ từ chỗ đang ăn ngon, chóng lớn, sau khi điều trị HP rơi vào tình trạng rối loạn tiêu hóa, biếng ăn kéo dài.

Phát hiện HP có thể được xem là một trong những bước tiến quan trọng trong lịch sử y học thế giới mà nhờ đó hầu hết trường hợp loét dạ dày - tá tràng cách đây hơn 30 năm cần phải điều trị bằng phẫu thuật cắt bán phần dạ dày, thì nay có thể chữa lành hoàn toàn chỉ với điều trị bằng thuốc.

Đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn hơn về vai trò sinh bệnh của HP trong các bệnh về dạ dày - tá tràng và những trường hợp nào mới thật sự cần thiết phải làm xét nghiệm chẩn đoán HP và điều trị tiệt trừ. Ít ai biết rằng đến 50% dân số thế giới bị nhiễm HP. Một điều đáng lưu ý khác là chỉ có khoảng 14% người nhiễm HP sẽ tiến triển thành bệnh loét dạ dày - tá tràng, chỉ khoảng 1% trường hợp mới thật sự tiến triển thành ung thư dạ dày. Điều này là do mối tương tác giữa chủng HP bị nhiễm với đặc điểm di truyền và các thói quen ăn uống (đặc biệt là hút thuốc lá, ăn các thức ăn mặn hoặc thức ăn được ngâm ướp bảo quản...) của người bị nhiễm. Có đến 85% người bị nhiễm HP trong suốt cuộc đời hoàn toàn không có triệu chứng hoặc bệnh tiêu hóa nghiêm trọng.

Cân nhắc việc xét nghiệm

Với đời sống xã hội và ý thức phòng bệnh được nâng cao, ngày càng nhiều đơn vị và cá nhân thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, việc xét nghiệm chẩn đoán HP chỉ định thường quy ở những người khỏe mạnh hoàn toàn không có triệu chứng không những không cần thiết mà còn gây hoang mang, lo lắng quá mức cho cộng đồng tiềm ẩn nguy cơ gây kháng thuốc do việc điều trị được tiến hành đại trà. Theo khuyến cáo của Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, không nên chỉ định xét nghiệm chẩn đoán HP như một xét nghiệm thường quy trong kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Song trên thực tế, chúng tôi cũng ghi nhận một số tình huống quan trọng thật sự cần được làm xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HP nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. Những người thân có quan hệ huyết thống trực tiếp (tức là cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con ruột) của người bệnh bị ung thư dạ dày là những người có cùng đặc điểm di truyền, do đó dễ bị tổn thương và có nguy cơ dễ bị loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày hơn khi bị nhiễm HP. Do đó những người thân này, dù không hề có triệu chứng, cũng nên được làm xét nghiệm chẩn đoán HP và điều trị tiệt trừ nhằm ngăn ngừa những bệnh lý này trong tương lai.

TS.BS QUÁCH TRỌNG ĐỨC
(tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa TP. HCM)

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiêu hóa