Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc
Ẩn họa sau những suất cơm “bụi” vỉa hè…
Infographic: Cảnh báo nguy cơ ngộ độc khi ăn bánh mì không đảm bảo
Infographic: Phòng tránh ngộ độc nặng từ thực phẩm đóng hộp
Vụ nghi ngộ độc thực phẩm ở trường Tuệ Đức: Tạm đình chỉ cơ sở chế biến suất ăn
Triệu chứng và nhóm có nguy cơ cao
Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra chỉ vài giờ sau khi ăn và biểu hiện qua các triệu chứng điển hình như đau bụng quặn thắt, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa và sốt. Các triệu chứng này có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào loại vi khuẩn và sức đề kháng của người nhiễm. Trong nhiều trường hợp, bệnh tự thuyên giảm mà không cần can thiệp y tế.
Tuy nhiên, một số nhóm người có nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch suy yếu (chẳng hạn đang hóa trị, ghép tạng hoặc mắc bệnh mạn tính). Ở các đối tượng này, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng, nhiễm trùng máu, suy thận hoặc thậm chí tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Nếu người bệnh nôn liên tục không giữ được nước, sốt cao, tiêu chảy kéo dài hơn ba ngày, hoặc có dấu hiệu choáng, cần đến ngay cơ sở y tế.
Vì sao mùa Hè làm tăng nguy cơ?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi năm có tới 48 triệu người dân quốc gia này mắc phải các bệnh liên quan đến thực phẩm như ngộ độc. Trong đó, thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 là giai đoạn các ca bệnh tăng cao đột biến. Số liệu từ Mạng lưới giám sát chủ động về bệnh lây truyền qua thực phẩm (FoodNet) cũng cho thấy tỷ lệ mắc bệnh do thực phẩm trong mùa Hè cao gấp 10 lần so với mùa Đông.
Nhiệt độ cao và độ ẩm là môi trường lý tưởng cho các vi khuẩn như Salmonella, Listeria hay E. coli phát triển mạnh mẽ. “Vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn khi trời nóng, và độ ẩm mùa Hè càng thúc đẩy quá trình này,” TS. Bryan Quoc Le, chuyên gia về khoa học thực phẩm tại Mỹ, cho biết.

Luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi là rất cần thiết để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Những sai lầm thường gặp khi chế biến thực phẩm vào mùa Hè
Không nấu chín kỹ thức ăn
Mùa Hè là mùa của các bữa tiệc nướng ngoài trời, nhưng việc nướng thực phẩm trên lửa lớn khiến bề mặt bị cháy xém trong khi bên trong vẫn sống. Điều này có thể dẫn đến nhiễm khuẩn nếu thịt chưa đạt đến nhiệt độ an toàn.
Giải pháp: Sử dụng nhiệt kế thực phẩm để đảm bảo thực phẩm được nấu chín kỹ từ trong ra ngoài. Tùy vào loại thịt, nhiệt độ bên trong cần đạt mức nhất định để tiêu diệt vi khuẩn – thông tin này có thể tham khảo từ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Giữ thực phẩm trong “vùng nguy hiểm”
Nhiệt độ từ 4°C đến 60°C (40°F–140°F) là khoảng mà vi khuẩn phát triển nhanh nhất. Việc để thực phẩm ngoài trời quá lâu như tại tiệc buffet, dã ngoại hoặc picnic sẽ khiến thức ăn rơi vào “vùng nguy hiểm” này.
Giải pháp: Giữ thực phẩm lạnh dưới 4°C và thực phẩm nóng trên 60°C cho đến khi sử dụng. Thịt chín có thể được giữ ấm trên vỉ nướng hoặc lò, còn các món lạnh như trái cây, salad nên để trong thùng đá hoặc bát có lót đá. Nếu nhiệt độ ngoài trời vượt quá 32°C, thực phẩm để ngoài quá 1 giờ cần bị loại bỏ.
Lơ là vệ sinh khi ăn ngoài trời
Khi ăn uống ngoài trời, chúng ta thường thiếu điều kiện để rửa tay hoặc làm sạch bề mặt nấu nướng. Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo (như sử dụng cùng một thớt cho thịt sống và rau củ). Ngoài ra, dùng chung đĩa, không rửa tay sau khi chạm vào thịt sống cũng là các yếu tố góp phần gây ngộ độc.
Giải pháp:
- Rửa tay với xà phòng ít nhất 20 giây, hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn nếu không có nước.
- Dùng riêng dụng cụ cho thực phẩm sống và chín.
- Vệ sinh kỹ bề mặt, dao, thớt và khay trước và sau khi tiếp xúc với thịt sống.
- Bảo quản thực phẩm chín trong hộp đậy kín, tránh tiếp xúc với côn trùng và không khí ô nhiễm.
Đa số trường hợp ngộ độc thực phẩm có thể điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, uống đủ nước và bù điện giải. Tuy nhiên, nếu người bệnh có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, tiêu chảy kéo dài, sốt cao hoặc nôn mửa liên tục, cần đưa đến cơ sở y tế để tránh biến chứng nguy hiểm.
Như vậy, ngộ độc thực phẩm không phải là điều hiếm gặp, đặc biệt trong mùa Hè. Tuy nhiên, phần lớn các ca bệnh đều có thể phòng ngừa nếu thực phẩm được chế biến, bảo quản và tiêu thụ đúng cách. Bằng việc tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm như nấu chín kỹ, giữ nhiệt độ phù hợp, vệ sinh sạch sẽ,... thì mọi người có thể tận hưởng mùa Hè an toàn và khỏe mạnh.
Bình luận của bạn