Các doanh nghiệp vẫn còn nhiều nỗi lo sau dự thảo sửa đổi Nghị định 15

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phó Tổng Thư ký VCCI phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: Hà Chi/Sức khoẻ+

Thiếu ngủ kéo dài có thể gây tăng huyết áp, bệnh tim mạch và đột quỵ

Không yêu cầu Giấy chứng nhận cho một số cơ sở là sai lầm trong quản lý ATTP

Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật ATTP

Những điểm mới trong triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Đề xuất thực phẩm bổ sung không được công bố khuyến cáo sức khỏe

Tại buổi hội thảo, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Chu Quốc Thịnh, đã thông báo về những thay đổi quan trọng trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Những thay đổi này nhằm mục đích thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Dự thảo Nghị định tập trung vào ba nhóm nội dung chính:

- Nhóm nội dung cải cách thủ tục hành chính.

- Nhóm nội dung tăng cường phân cấp, phân quyền

- Nhóm nội dung tăng cường hậu kiểm để kiểm soát, nâng cao hơn nữa chất lượng thực phẩm và kiểm soát tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm cùng với tính năng, công dụng; Thay đổi sản phẩm sau công bố sản phẩm.

Trong đó, tại nhóm nội dung tăng cường phân cấp, phân quyền, dự thảo đã đưa ra một số điểm mới nổi bật có thể kể đến như: Giao Bộ Y tế xây dựng phần mềm quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương giải quyết các thủ tục hành chính, quản lý chất lượng sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế; Bỏ quy định về việc đăng ký bản công bố sản phẩm đối với Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Luật sư Trần Ngọc Hân, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), nhấn mạnh rằng Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã được Bộ Y tế và Chính phủ ghi nhận là một bước tiến vượt bậc trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm nhanh chóng tiếp cận thị trường. Theo bà, sau một thời gian áp dụng, Nghị định đã thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành thực phẩm, ngay cả trong giai đoạn đại dịch, đóng góp khoảng 15% vào GDP. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương năm 2023 cũng chỉ ra rằng Nghị định này đã góp phần tăng trưởng GDP năm 2021 là 0,38 điểm phần trăm và năm 2022 là 1 điểm phần trăm. Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng bày tỏ, Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã được cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm trong nước và quốc tế đánh giá cao, coi đây là một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, giảm bớt gánh nặng thủ tục, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy ngành thực phẩm phát triển bền vững và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Luật sư Trần Ngọc Hân, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Luật sư Trần Ngọc Hân, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Tuy nhiên, sau khi Cục An toàn thực phẩm công bố dự thảo sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP vào tháng 2 năm 2025, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ những băn khoăn về các thủ tục hành chính. Cụ thể, theo ý kiến của bà Ngọc, bản dự thảo Nghị định sửa đổi vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần xem xét. Trong đó, việc tăng thêm các thủ tục tự công bố, yêu cầu bổ sung hồ sơ và thời gian xét duyệt hồ sơ không hợp lý, cũng như quy định cấm công bố thông tin khuyến cáo sức khỏe đối với thực phẩm bổ sung, có thể gây ra những khó khăn không cần thiết.

Để đảm bảo tính hiệu quả và thực tế, bà Ngọc đề xuất hai phương án thay thế cho việc rà soát hồ sơ tự công bố bằng hậu kiểm. Thứ nhất, giữ nguyên thời gian rà soát như hiện tại. Thứ hai, điều chỉnh thời gian rà soát thành 3 tháng. Đồng thời, kiến nghị thay đổi yêu cầu về thuyết minh thành phần sản phẩm. Thay vì yêu cầu doanh nghiệp nộp bản thuyết minh chi tiết, nên yêu cầu họ cung cấp tài liệu chứng minh công dụng của sản phẩm. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm.

Mặt khác, ông Nguyễn Văn Chinh, Giám đốc Kim Sơn Farm (chuyên sản xuất thực phẩm hữu cơ) đồng thời là Uỷ viên Ban Chấp Hành Hiệp Hội Thực Phẩm Minh Bạch (AFT), đã chỉ ra những điểm chưa thuyết phục. Ông cho rằng, bản dự thảo hiện tại vẫn còn mơ hồ, thiếu tính thực tiễn, chưa thực sự đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các doanh nghiệp. Những con số biết nói đã chứng minh điều này: thủ tục tự công bố tăng vọt 620%, thủ tục đăng ký bản công bố tăng 425% và hàng loạt rào cản không cần thiết được tạo ra.

Ông Nguyễn Văn Chinh, Giám đốc Kim Sơn Farm, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội thực phẩm Minh bạch đã chỉ ra nhiều điểm chưa thuyết phục - Ảnh: VFA.

Ông Nguyễn Văn Chinh, Giám đốc Kim Sơn Farm, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội thực phẩm Minh bạch đã chỉ ra nhiều điểm chưa thuyết phục - Ảnh: VFA.

Cùng chung quan điểm, Luật sư Nguyễn Tuấn Linh, đại diện Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng EuroCham, nhấn mạnh rằng bản dự thảo sửa đổi đang đẩy gánh nặng thủ tục lên vai doanh nghiệp. "Không chỉ số lượng hồ sơ tăng lên, mà nhiều yêu cầu trong đó còn rất khó, thậm chí không thể thực hiện được. Chẳng hạn, yêu cầu thuyết minh sản phẩm phải có 'liều dùng/ngày' là bất khả thi đối với các sản phẩm nông sản như bánh đa, nước mắm, trà mạn...", ông Linh nêu rõ.

Giải đáp về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục ATTP Chu Quốc Thịnh nhấn mạnh: “Nước mắm, trà mạn không phải là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ hay thực phẩm bổ sung”. Dự thảo đã nêu rõ tại nội dung số 2 nhóm III, bổ sung mục thuyết minh thành phần đối với thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tại Biểu mẫu số 02. Bản công bố sản phẩm Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15 để tối ưu hoá công thức, kiểm soát tính năng, công dụng sản phẩm mục công thức sản phẩm gồm thành phần và phụ liệu. Quy định này sẽ hạn chế thực tế doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có thói quen sản xuất, phối trộn nhiều chất trong 1 sản phẩm, nhưng lại chỉ có 2-5 chất thực sự phát huy công dụng, còn những chất khác doanh nghiệp lại không giả thích được lý do đưa vào. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp không lường trước được những tương tác, tương kỵ gây phản ứng hoá học tạo tạp chất ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ người tiêu dùng. Nội dung này không phát sinh thêm thủ tục hành chính mà chỉ nêu cụ thể làm rõ hơn trong nội dung tài liệu chứng minh công dụng của sản phẩm (điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định 15/2018/NĐ-CP) và bổ sung mục thuyết minh tính năng thành phần.

Kết thúc hội thảo, ban soạn thảo đã cảm ơn và ghi nhận góp ý từ các doanh nghiệp, hiệp hội đồng thời khẳng định sẽ dựa vào những ý kiến này để nhanh chóng điều chỉnh những điểm chưa phù hợp, đảm bảo quyền lợi tối ưu cho doanh nghiệp.

 
Hà Chi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng