Bộ Y tế đề xuất quy định mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm thực phẩm, trong đó có thực phẩm chức năng.
4 lợi ích tiềm năng của thực phẩm bổ sung diệp lục
Thực phẩm tăng năng lượng trước buổi tập đạp xe
Lưu ý khi cho con trẻ bổ sung vitamin và khoáng chất
5 thực phẩm bổ sung giúp cải thiện sức khỏe thần kinh
Theo đó, Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Nghị định số 15/2018 quản lý thực phẩm theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, trình tự thủ tục, thông thoáng cơ chế tiền kiểm (đăng ký bản công bố đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt…; tự công bố đối với thực phẩm bổ sung và các thực phẩm thông thường); tăng cường phân cấp cho địa phương giải quyết tiếp nhận hồ sơ công bố hầu hết các sản phẩm thực phẩm và tăng cường công tác hậu kiểm.
Bộ Y tế nhận định, đến nay, Nghị định này cũng đã triển khai thi hành được 6 năm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã phát sinh một số vấn đề bức thiết cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý về an toàn thực phẩm trong bối cảnh tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính và tăng cường biện pháp quản lý hậu kiểm để nâng cao chất lượng thực phẩm.
Sửa đổi khái niệm về thực phẩm bổ sung
Tại dự thảo Nghị định mới này, Bộ Y tế đề xuất bổ sung khái niệm thực phẩm bổ sung (Supplemented Food) là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, acid amin, acid béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác, được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày.
"Thực phẩm bổ sung chỉ được công bố thành phần bổ sung. Không được ghi, công bố khuyến cáo sức khỏe hoặc công dụng của thành phần bổ sung", dự thảo nêu rõ.
Theo Bộ Y tế, cơ sở thực tiễn của đề xuất này là hiện nay Nghị định số 15/2018/NĐ-CP chưa quy định và làm rõ các khái niệm trên, dẫn đến doanh nghiệp khó phân loại sản phẩm hoặc phân loại không đúng bản chất của sản phẩm công bố, như tình trạng phóng đại các công dụng của sữa phát triển chiều cao, sữa điều trị xương khớp, sữa giúp ngủ ngon…
Cơ quan soạn thảo cho biết định nghĩa khái niệm này được dựa trên cơ sở tham khảo định nghĩa của Cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu, nhóm thực phẩm bổ sung có định nghĩa giống với định nghĩa của thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng bổ sung làm rõ khái niệm thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra thị trường. Theo đó, "thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường là thực phẩm chức năng có chứa chất mới tạo nên công dụng hoặc chất lần đầu được sử dụng làm thực phẩm tại Việt Nam; thực phẩm có sự kết hợp mới của những chất tạo nên công dụng sản phẩm đã được lưu hành hoặc đã từng làm thực phẩm tại Việt Nam" - dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Kiểm soát tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm

Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đứng tên đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm
Triển khai cơ chế thông thoáng tiền kiểm và tăng cường công tác hậu kiểm thực phẩm tại Nghị định số 15/2018, Bộ Y tế nhận định đến nay thị trường thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phát triển mạnh, cạnh tranh rất lớn.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế từ năm 2021 đến nay, thị trường thực phẩm có khoảng hơn 84.000 thực phẩm thông thường; 54.549 sản phẩm thực phẩm chức năng (29.779 thực phẩm bảo vệ sức khỏe, 350 thực phẩm dinh dưỡng y học, 1287 thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; 23.133 thực phẩm bổ sung) trong đó đến 80,4% là sản phẩm sản xuất trong nước của 201 cơ sở sản xuất.
Thời gian qua, việc quản lý chất lượng thực phẩm tập trung kiểm soát chỉ tiêu an toàn (chỉ tiêu vi sinh và kim loại nặng) từ tiền kiểm đến hậu kiểm và ngăn ngừa mối nguy (kiểm nghiệm ngăn ngừa hành vi đưa chất cấm sử dụng trong thực phẩm) tại khâu hậu kiểm.
Trong bối cảnh thị trường thực phẩm phát triển mạnh về số lượng, chủng loại mặt hàng và phát sinh hình thức kinh doanh mới trên ứng dụng thương mại điện tử và nền tảng thương mại, Bộ Y tế cho rằng cần tăng cường hậu kiểm, kiểm soát toàn diện hơn chất lượng thực phẩm.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về việc kiểm soát tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm cùng với kiểm soát tính năng công dụng.
Cụ thể, quy định chỉ tổ chức, cá nhân là cơ sở sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được ủy quyền của cơ sở sản xuất (có giấy ủy quyền) được phép đứng tên trong trong hồ sơ. Trường hợp không phải 02 chủ thể trên thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải có giấy ủy quyền của cơ sở sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm. Quy định này phù hợp thông lệ quản lý đối với lĩnh vực đăng ký thuốc và công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Thực tế, khoản 1 Điều 4, Điều 6 Nghị định số 15/2018 quy định áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân đứng ra công bố và đa phần là các công ty thương mại kinh doanh thực phẩm, không có tài liệu chứng minh mối liên quan với cơ sở sản xuất.
Vì vậy, không quy rõ trách nhiệm của cơ sở sản xuất trong quá trình chuẩn bị hồ sơ công bố. "Thậm chí trong thời gian qua, phát hiện hồ sơ tổ chức, cá nhân đứng ra công bố sản phẩm giả mạo hồ sơ của cơ sở sản xuất hoặc không trung thực hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm", Bộ Y tế nêu thực trạng.
Theo thống kê từ năm 2021-2024, hồ sơ cấp đăng ký bản công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Cục An toàn thực phẩm là 29.779 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của 25.470 tổ chức thương mại và 201 cơ sở sản xuất trong nước. Tuy nhiên, khi cơ quan quản lý hậu kiểm, doanh nghiệp thực tế chỉ kinh doanh rất ít sản phẩm, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Ngoài ra, phục vụ công tác hậu kiểm sau công bố sản phẩm, đảm bảo các sản phẩm lưu thông trên thị trường phù hợp với chất lượng sản phẩm theo hồ sơ công bố, dự thảo Nghị định mới cũng bổ sung quy định cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định có trách nhiệm rà soát hồ sơ sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện tự công bố (về phân loại sản phẩm, công dụng, đối tượng sử dụng, thành phần…), đảm bảo sản phẩm được công bố đúng bản chất, đúng quy định.
Theo Bộ Y tế, nội dung đề xuất này là phù hợp với thực tiễn trong quản lý, hiện nay Nghị định số 15/2018/NĐ-CP chưa có quy định cơ quan quản lý kiểm soát các hồ sơ do doanh nghiệp tự công bố dẫn đến nhiều sản phẩm doanh nghiệp tự công bố tự xếp nhóm sản phẩm không đúng bản chất sản phẩm, tự quảng cáo "thổi phồng" công dụng sản phẩm, đơn cử như: Doanh nghiệp tự công bố thực phẩm bổ sung trong khi bản chất thành phần nguyên liệu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất bổ sung điều khoản quy định về việc thu hồi và dừng tiếp nhận Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó quy định cụ thể về các trường hợp phải thu hồi và thẩm quyền thu hồi.
Bổ sung quy định về Kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước (bao gồm điều kiện đối với cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước và cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng; hồ sơ đăng ký chỉ định cơ sở kiểm nghiệm; trình tự, thủ tục chỉ định và các trường hợp thu hồi...
Trước đó, ngày 24/1, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 704 thông báo về việc Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế, cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm. Những điều chỉnh này nhằm khắc phục các bất cập trong thực tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời siết chặt công tác quản lý chất lượng thực phẩm.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ-CP tập trung vào ba nhóm nội dung lớn: Cải cách thủ tục hành chính, phân cấp quản lý, và tăng cường hậu kiểm để nâng cao chất lượng thực phẩm.
Bình luận của bạn