Quy chế đạo đức thực hiện quảng cáo TPCN được Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam ban hành cùng với QĐ số 17 ngày 10/5/2024
Uống gì để làm dịu tâm trạng lo âu, căng thẳng?
Podcast: Khô mắt vì thói quen dùng điều hoà sai cách
Người đầu tiên ghép thận lợn chỉnh sửa gene đã qua đời
Trẻ vừa ăn vừa xem tivi có thể tăng nguy cơ thừa cân, béo phì
Đau đầu bệnh quảng cáo “nổ”
Tại cuộc hội thảo đảm bảo an toàn thực phẩm trong quản lý thực phẩm chức năng trên địa bàn TP.HCM, tổ chức ngày 25/4/2024, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, như phản ánh trên báo Thanh Niên, đã phải thốt lên: Đau đầu với quảng cáo trên mạng xã hội và kinh doanh qua mạng. Việc livestream trên mạng xã hội thì như "sơn đông mãi võ" và lôi kéo người tiêu dùng. Cùng với đó còn có thực phẩm chức năng làm giả được buôn bán thông qua chợ thuốc Tây, nhà thuốc, bán đa cấp. Quản lý rất khó. Bà Phong Lan còn cho biết cụ thể hơn: Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thường xuyên phát cảnh báo về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng vi phạm quảng cáo, nội dung quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh.
Trên các website, các nền tảng mạng xã hội, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp những quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm thực phẩm chức năng. Phổ biến nhất là các sản phẩm liên quan đến xương khớp, tăng cường sinh lý nam/nữ, điều trị ung thư, đái tháo đường… Thậm chí, các quảng cáo này còn sử dụng hình ảnh, thư tín của các cơ sở y tế, bác sĩ, quảng cáo kèm theo ý kiến phản hồi của bác sĩ, người tiêu dùng gây hiểu lầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Thực trạng đó không phải chỉ xảy ra trên địa bàn thành phố lớn nhất nước, mà dường như phổ biến khắp cả nước. Trước đó, ngày 5/7/2023, cũng tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo "Giải pháp triển khai hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới". Tại hội thảo, theo phản ánh của tờ báo ngành, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thừa nhận, hiện nay việc các cá nhân kinh doanh thực phẩm, trong đó có thực phẩm bảo vệ sức khỏe vì lợi nhuận đã bất chấp quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì cho hay: Hiện nay, sự đa dạng của các hình thức kinh doanh như kinh doanh online, đa cấp, quảng cáo xuyên biên giới... rất khó quản lý. Một bộ phận không nhỏ tổ chức cá nhân kinh doanh thực phẩm trong đó có thực phẩm bảo vệ sức khỏe vì lợi nhuận, bất chấp quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh.
"Hiện nay, việc kinh doanh khác kinh doanh truyền thống ngày trước. Theo đó có kinh doanh online, quảng cáo online. Quảng cáo thực phẩm chức năng rất tinh vi. Ví dụ bệnh đái tháo đường không bao giờ chữa được vì là bệnh rối loạn chuyển hóa, tăg huyết áp cũng không chữa được. Tuy nhiên, có vô số quảng cáo tư vấn lấy cả nghệ sĩ, bác sĩ, dược sĩ, thậm chí cả nhà sư ra quảng cáo thực phẩm như thuốc, có thể chữa khỏi. Bản thân tôi đã phải 3 lần làm việc với đại diện Facebook về vấn đề quảng cáo. Thực sự rất phức tạp...", ông Phong được tờ Sức khỏe& Đời sống dẫn lời khi đưa tin về cuộc hội thảo.
Tại cuộc hội thảo ngày 25/4 vừa qua ở TP.HCM, bà Trần Thị Thu Liễu, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng chỉ ra những vi phạm chủ yếu trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng. Đó là vi phạm xảy ra tại các website, mạng xã hội đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát. Không xác định được chủ thể quảng cáo bán hàng vi phạm, không có cơ sở để xử lý vi phạm. Sự phát triển công nghệ số, AI đã rất dễ dàng tạo các clip, video sử dụng hình ảnh các cơ sở y tế, bác sĩ, hình ảnh đài truyền hình, công an, quốc phòng, các báo lớn hoặc sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo, bán thực phẩm thổi phồng công dụng, hoặc sai công dụng.
Nguyên nhân dẫn đến những quảng cáo sai phạm, đầu tiên theo bà Liễu là vì lợi nhuận mà một số tổ chức, cá nhân vi phạm. Tiếp theo là phương tiện bán hàng và quảng cáo hiện nay hết sức đa dạng và phong phú, đặc biệt là việc sử dụng điện thoại tư vấn, internet, mạng xã hội, các tổ chức, cá nhân đã không bị hạn chế về không gian, thời gian. Việc đăng ký mở website rất dễ dàng. Việc kiểm soát kinh doanh, quảng cáo xuyên biên giới còn khó khăn khi xử lý vi phạm. Một số sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có biện pháp kỹ thuật để quản lý nội dung quảng cáo. Vấn đề đăng ký, thành lập doanh nghiệp quá đơn giản. Ngoài ra, theo bà Liễu là còn hạn chế về nhân lực, kỹ thuật tại các cơ quan quản lý Nhà nước.
Sát cánh cùng quản lý nhà nước trị căn bệnh đau đầu
Ngay từ khi thành lập vào năm 2007, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) đã lấy công tác giáo dục truyền thông là trung tâm, đi trước một bước trong mọi hoạt động để toàn xã hội “Hiểu đúng, làm đúng, dùng đúng” về thực phẩm chức năng (TPCN).
Hiệp hội cũng đã nhận diện ra những vi phạm nảy sinh trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong việc đấu tranh, ngăn chặn và phê pháp các hành vi tiêu cực của một số ít các doanh nghiệp cố tình vi phạm, làm xấu đi hình ảnh của ngành Thực phẩm chức năng Việt Nam. Trong phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ IV của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cuối năm 2022, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội đã nêu ra: Trong sản xuất, có hiện tượng sản xuất sản phẩm thực phẩm chức năng không đúng như bản đăng ký công bố sản phẩm. Nhà sản xuất còn vì lợi nhuận mà cho thêm chất cấm, chất độc hại vào trong sản phẩm.
Trong quảng bá và truyền thông, quảng cáo sai thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, khiến nhiều người mua và sử dụng sản phẩm không hiệu quả, ảnh hưởng đến bệnh tật, nguy hiểm đến tính mạng, tiền mất tật mang, khiến dư luận bức xúc.
Liên tiếp thời gian qua, rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng vi phạm quảng cáo, Cục An toàn thực phẩm đã và đang công khai trên trang web của Cục để cảnh bảo đến người tiêu dùng nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến.
Góp phần cùng quản lý nhà nước chữa trị căn bệnh dai dẳng đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành Thực phẩm chức năng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam vừa ký quyết định ban hành Quy chế đạo đức thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng. Bản Quy chế có 2 chương (chương 2 và chương 3) nêu cụ thể những quy định về đạo đức quảng cáo thực phẩm chức năng đòi hỏi các thành viên Hiệp hội phải tuân thủ.
Theo đó, Chương 2 nêu những hành vị bị coi là vi phạm đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng, như sau:
Điều 4: Các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo Thực phẩm chức năng
1. Quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp.
2. Quảng cáo thực phẩm chức năng là hàng giả, hàng kém chất lượng.
3. Quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
4. Quảng cáo thực phẩm chức năng không phù hợp với nội dungđã công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm hoặc quảng cáo quá tác dụng của thực phẩm.
5. Quảng cáo thực phẩm chức năng dưới hình thức bằng các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
6. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng.
7. Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
8. Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.
9. Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
10. Các hành vi cấm khác đã được pháp luật về quảng cáo quy định.
Điều 5: Hành vi quảng cáo vi phạm đạo đức quảng cáo:
Hành vi quảng cáo bị coi là vi phạm đạo đức quảng cáo khi có các hoạt động sau:
1. Lôi kéo, nài ép, dụ dỗ người tiêu dùng ràng buộc với sản phẩm của nhà sản xuất bằng những thủ thuật quảng cáo rất tinh vi, không cho người tiêu dùng có cơ hội để chuẩn bị, để chống đỡ, không cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn hay tư duy bằng lý trí.
2. Tạo ra hay khai thác, lợi dụng một niềm tin sai lầm về sản phẩm gây trở ngại cho người tiêu dùng trong việc ra quyết định lựa chọn tiêu dùng tối ưu, dẫn dắt người tiêu dùng đến các quyết định lựa chọn mà lẽ ra họ không thực hiện nếu không có quảng cáo.
3. Phóng đại, thổi phồng sản phẩm vượt quá mức hợp lý, có thể tạo nên trào lưu hay cả chủ nghĩa tiêu dùng sản phẩm đó, không đưa ra được những lý do chính đáng đối với việc mua sản phẩm đó, hay để chứng minh được ưu thế của sản phẩm đó so với sản phẩm khác.
4. Che giấu sự thật trong một thông điệp.
5. Đưa ra những lời giới thiệu mơ hồ với những từ ngữ không rõ ràng khiến khách hàng phải tự hiểu những thông điệp ấy.
6. Có hình thức khó coi, phi thị hiếu, sao chép lố bịch, làm mất đi vẻ đẹp của ngôn ngữ, làm biến dạng những cảnh quan thiên nhiên.
7. Nhằm vào những đối tượng nhạy cảm làm ảnh hưởng đến sự kiểm soát hành vi của họ.
8. Quảng cáo tạo ra hay khai thác, lợi dụng một niềm tin sai lầm về sản phẩm.
9. Quảng cáo nhằm vào những đối tượng nhạy cảm, đánh vào lòng trắc ẩn của khách hàng, mục đích là bán được nhiều sản phẩm.
Chương 3 của bản Quy chế nêu những chuẩn mực đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng. Cụ thể:
Điều 6: Quy tắc đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng:
Quy tắc 3A:
1. Advocacy (tính tích cực): Một quảng cáo được xem là tích cực khi nó không vi phạm những điều sau: Không phân biệt tôn giáo, chủng tộc hoặc giới tính, không có thái độ hoặc hành vi chống đối xã hội, không đề cập đến những vấn đề có tính chất cá nhân, không dùng ngôn ngữ không phù hợp như tiếng lóng hoặc nói tục, không có cảnh khoả thân…
2. Accuracy (độ chính xác): Quảng cáo tuyệt đối phải đảm bảo độ chính xác, đặc biệt khi đề cập đến thành phần sản phẩm, kết quả thử nghiệm… Tuyệt đối không được dùng những từ ngữ như “tốt nhất”, “số 1”…
3. Acquisitiveness (sức truyền cảm): Quảng cáo bị đánh giá là không truyền cảm khi có lạm dụng hình ảnh nhạy cảm về giới tính không liên quan đến sản phẩm, lạm dụng hình ảnh người tật nguyền hoặc thiểu năng, quảng cáo gây những cảm giác không phù hợp như sợ hãi hoặc căm ghét…
Trong Chương 3 này, còn bao gồm những yêu cầu và nguyên tắc đối với nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng. Cụ thể như sau:
Điều 8: Nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng:
1. Nội dung quảng cáo phù hợp với công dụng trong bản công bố sản phẩm.
2. Nội dung quảng cáo phải có những nội dung cơ bản bao gồm: tên thực phẩm; tên, địa chỉ của thương nhân đưa sản phẩm ra thị trường; tác dụng chính và tác dụng phụ của sản phẩm (nếu có).
3. Nội dung quảng cáo không được sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
4. Trong nội dung quảng cáo phải có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo, nếu quảng cáo trên các phương tiện khác thì khuyến cáo phải được thể hiện bằng chữ viết rõ ràng, có màu tương phản với màu nền.
5. Các nội dung khác theo quy định pháp luật hiện hành.
Điều 9: Nguyên tắc quảng cáo:
Hoạt động quảng cáo phải đảm bảo tính hợp pháp, trung thực, chính xác, cụ thể như sau:
- Tính hợp pháp: Không quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo; không vi phạm các điều cấm trong hoạt động quảng cáo.
- Tính trung thực: Quảng cáo không lạm dụng lòng tin của người tiêu dùng hoặc lợi dụng sự thiếu kiến thức và kinh nghiệm của người tiêu dùng. Những yếu tố có ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng phải được truyền đạt khách quan tạo điều kiện cho người tiêu dùng cân nhắc về quyết định của mình.
- Tính chính xác: Các mô tả, các tuyên bố và so sánh liên quan đến thực tế đối với sản phẩm được quảng cáo phải bảo đảm được xác định một cách khách quan và phải có bằng chứng xuất trình trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Điều 10: Điều kiện quảng cáo thực phẩm chức năng:
Theo quy định của pháp luật về quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng phải đáp ứng những điều kiện cụ thể sau:
Một là: Nội dung quảng cáo thực phẩm, gia phụ thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Hai là: Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có các nội dung sau đây: Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Ba là: Quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định và có các nội dung gồm: Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có); Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Bốn là: Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Năm là: Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong đó có quảng cáo thực phẩm chức năng chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.
Với việc ban hành Quy chế đạo đức thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam mong muốn:
Về phía cơ quan chức năng: Ngoài việc ban hành các quy định về quảng cáo còn phải tăng cường các biện pháp, chế tài nghiêm ngặt nhằm răn đe và xử lý thích đáng những doanh nghiệp có hành vi vi phạm đạo đức trong quảng cáo làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng, xã hội và cả doanh nghiệp. Mặt khác, cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định và xử lý nghiêm các tổ chức và dịch vụ quảng cáo chấp nhận truyền thông những thông điệp mang tính chất phi đạo đức của doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp: Cần ý thức được cạnh tranh lành mạnh là nền tảng để phát triển lâu dài. Doanh nghiệp không nên quá chú trọng vào mục tiêu lợi nhuận để đưa ra những quảng cáo vi phạm đạo đức kinh doanh. Bên cạnh đó, đảm bảo tính hài hòa giữa lợi ích ba bên như: Lợi ích doanh nghiệp, lợi ích khách hàng và lợi ích xã hội thì mới không dẫn đến tình trạng vi phạm đạo đức trong quảng cáo.
Về phía người tiêu dùng (khách hàng): Khách hàng cần cảnh giác, đề phòng khi xem thông tin sản phẩm, cần phải có cái nhìn khách quan, cẩn thận trước các thông tin đa chiều từ hoạt động quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp; Kiểm soát con em vị thành niên trong gia đình khi tiếp cận các quảng cáo được cho là ảnh hưởng tới tâm lý, hành vi của trẻ em; Mạnh dạn tẩy chay các sản phẩm của những doanh nghiệp có hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh.
Về phía các tổ chức và dịch vụ quảng cáo: Cần phải tuân thủ Luật Quảng cáo, chấp hành nghiêm các quy định về quảng cáo do nhà nước ban hành. Tư vấn cho các Doanh nghiệp về hình thức quảng cáo không vi phạm đạo đức. Từ chối những thiết kế và truyền thông các quảng cáo không hợp đạo đức khi doanh nghiệp yêu cầu.
Xin xem toàn văn Quy chế TẠI ĐÂY
Bình luận của bạn