Chị em đặt vòng tránh thai nên khám và theo dõi định kỳ.
Đặt vòng tránh thai có đau không?
Phụ nữ đặt vòng tránh thai có thể giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung
Sau khi tháo vòng tránh thai bao lâu thì có thể mang thai lại?
Nguyên nhân khiến chị em đã đặt vòng mà vẫn có thai
Ngày 31/3, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về trường hợp vòng tránh thai đâm xuyên thành tử cung vào thành đại tràng một phụ nữ sau 3 năm đặt vòng mà không kiểm tra lại.
Theo các bác sỹ khoa Phẫu Thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, thủng tử cung tương đối hiếm gặp nhưng là một biến chứng nguy hiểm, có thể xảy ra ngay do đặt dụng cụ tránh thai không đúng cách hoặc xảy ra sau nhiều năm do dụng cụ bị di chuyển.
Trường hợp trên là chị H.H.L (38 tuổi) vào viện vì đau bụng vùng chậu dưới rốn âm ỉ, kèm đi ngoài ra máu. Kết quả thăm khám, làm các xét nghiệm, soi đại tràng và chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh dụng cụ tránh thai nằm một đầu ở trong lòng đại tràng sigma, một đầu nằm chặt trong thành của đại tràng sigma phía bờ mạc treo.
Với vị trí này, bác sỹ không thể lấy dụng cụ tránh thai qua đường nội soi ống mềm do có thể gây thủng đại tràng vào ổ bụng làm nặng thêm cho người bệnh. Vì vậy, các bác sỹ quyết định phẫu thuật để lấy dụng cụ đi "lạc chỗ" và xử lý chỗ thủng đại tràng. Phẫu thuật nội soi hoàn toàn là phương pháp được lựa chọn vì là phương pháp ít xâm lấn nhất cho người bệnh.
Trong quá trình mổ nội soi, đoạn đại tràng sigma bị tổn thương được cắt bỏ và nối lại với vết mổ chỉ khoảng 3cm, đủ để lấy bệnh phẩm ra ngoài. Ngay ngày đầu tiên sau mổ, bệnh nhân đã được ăn cháo và tập đứng dậy, vận động đi lại. Bệnh nhân được xuất viện sau 6 ngày.
Bác sỹ Nguyễn Hàm Hội, Khoa Phẫu Thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Dụng cụ tử cung có thể di chuyển xuyên thủng tử cung với tỉ lệ từ 1,3 - 1,6/1000 lần đặt. Sau khi xuyên qua tử cung, dụng cụ tử cung có thể rơi vào ổ bụng tự do hoặc nằm trong khung chậu, hoặc có thể xuyên thủng tiếp vào các cấu trúc lân cận như bàng quang, đại tràng, ruột non và hình thành các đường rò tử cung - bàng quang hoặc tử cung - ruột.
Theo BS Hội, các triệu chứng của vòng tránh thai "lạc chỗ" rất đa dạng, tùy thuộc thời gian và cơ quan nơi dụng cụ di chuyển. Dấu hiệu lâm sàng có thể gặp là đau bụng vùng hạ vị, sốt; tiêu chảy hoặc xuất huyết tiêu hóa; một số trường hợp có thể gặp tắc, hoại tử ruột. Siêu âm, chụp X - quang và chụp cắt lớp vi tính là các phương tiện chẩn đoán hình ảnh đơn giản để xác định vị trí của dụng cụ tử cung.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị khi đã xác định vòng tránh thai bị "lạc chỗ" thì cần lấy bỏ càng sớm càng tốt, bất kể đó là vòng tránh thai loại gì và lạc chỗ ở nào. Phương pháp can thiệp là nội soi đại tràng, tử cung, bàng quang hoặc phẫu thuật.
Để hạn chế các tai biến tương tự, các bác sỹ lưu ý chị em tránh đặt vòng tránh thai trong thời kỳ hậu sản, cho con bú; sử dụng vòng tránh thai nhựa plastic hơn là dụng cụ bằng kim loại; làm thủ thuật bằng dụng cụ phù hợp và tránh thô bạo; đặt vòng tránh thai cần được thực hiện bởi người có kinh nghiệm; khám và theo dõi định kỳ. Chị em cần đến cơ sở khám chữa bệnh uy tín để thực hiện các thủ thuật đặt dụng cụ tránh thai và kiểm tra định kỳ theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế, tránh một thời gian dài không theo dõi dẫn đến dụng cụ tử cung di chuyển vào đại tràng như trường hợp của người bệnh trên.
Bình luận của bạn