Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP.
Thúc đẩy đưa ngành TPCN vươn ra thị trường thế giới
Bộ Y tế: Chiến lược giảm quá tải điều trị, giảm tối đa tử vong
PTT Trần Hồng Hà: Y tế là lĩnh vực đặc biệt nên cơ chế, chính sách phải đặc biệt
Nhiều văn bản pháp luật sẽ được sửa đổi để tháo gỡ khó khăn ngành y tế
Chiều 29/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Y tế, một số bộ, ngành liên quan, các chuyên gia về Dự thảo Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược).
Chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân toàn diện, không chỉ dừng ở khám, chữa bệnh
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chiến lược nhằm cụ thể hoá các nghị quyết của Trung ương về chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vì vậy, quan trọng nhất là phải đưa ra lộ trình, giải pháp thực hiện, "bao nhiêu vấn đề đã được thể chế hoá", còn những điểm cần tiếp tục tháo gỡ.
Theo đó, Chiến lược phải bao trùm, toàn diện mọi lĩnh vực chuyên ngành y tế; đồng thời, có tầm nhìn, dự báo dài hạn đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; xác định cụ thể những việc làm, dự án cần ưu tiên, tránh dàn trải nguồn lực.
“Mục tiêu là chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân một cách toàn diện, không chỉ dừng ở khám, chữa bệnh mà bao gồm cả chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng, chống dịch bệnh, sử dụng thuốc hợp lý…”, Phó Thủ tướng nêu rõ, theo VGP.
Phó Thủ tướng lưu ý, các mục tiêu đề ra trong Dự thảo Chiến lược phải được cụ thể hóa thành các dự án khả thi. Trong đó, vai trò của ngành Bảo hiểm Xã hội rất quan trọng đối với việc bảo đảm nguồn lực thực hiện. Vì vậy, Dự thảo Chiến lược không gói gọn các mục tiêu, giải pháp thực hiện trong lĩnh vực y tế mà đi kèm với đổi mới chính sách bảo hiểm y tế; đẩy mạnh tự chủ bệnh viện; tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, kỹ thuật y tế; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa y tế công lập và y tế tư nhân...
Mục tiêu chung của Dự thảo Chiến lược hướng đến việc người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng và sức khỏe tốt nhất với một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về nâng cao sức khoẻ nhân dân; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh; công tác dân số và phát triển; phát triển nhân lực y tế; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển sản xuất, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế.
Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đổi mới tài chính y tế và bảo hiểm y tế; phát triển y tế gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh; tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và truyền thông cung cấp thông tin y tế; hoàn thiện hệ thống thể chế, tăng cường quản lý nhà nước về y tế...
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, so với Chiến lược giai đoạn 2011-2020, Dự thảo Chiến lược giai đoạn này có một số điểm mới, đột phá.
Theo đó, nội dung nâng cao sức khỏe được đưa thành mục riêng và đầu tiên trong các nhiệm vụ chuyên môn của chiến lược; đề cập đầy đủ, toàn diện hơn đến các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe: Môi trường, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, y tế học đường…
Chiến lược dành ưu tiên cao nhất cho việc đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, "chìa khóa" để thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong bối cảnh nguồn lực tài chính quốc gia còn hạn chế.
Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua tăng cường quản trị bệnh viện công, đổi mới phương thức thanh toán dịch vụ y tế, sử dụng hợp lý thuốc, trang thiết bị y tế; tăng cường các cơ chế giám sát quản lý và trách nhiệm giải trình; từng bước thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh; kết hợp du lịch với y tế, chăm sóc sức khỏe.
Định hướng phát triển các vùng dược liệu, thúc đẩy thị trường thực phẩm chức năng
Cũng tại cuộc làm việc về Dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045 (Chiến lược), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, ngành dược đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, do vậy, cần sự đóng góp trí tuệ để xác định mục tiêu phát triển.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để đưa ra dự thảo và tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Dự thảo Chiến lược không chỉ đề ra mục tiêu thực hiện của Chính phủ, mà của cả hệ thống chính trị nhằm nâng tầm lĩnh vực y tế và chất lượng chăm lo sức khỏe cho người dân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc "đặt mình vào vị trí của người dân để nêu ra vấn đề cụ thể", từ đó xem xét các mục tiêu đưa ra cho ngành dược.
Cụ thể, trong quá trình phát triển hiện nay, cần làm rõ khả năng tự sản xuất nguồn dược liệu, nguyên liệu trong nước. Thứ hạng của ngành dược Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất và chất lượng sản phẩm so với thế giới. Độ cân bằng giữa phát triển ngành dược hiện đại với ngành y học dân tộc, y học cổ truyền, dược liệu y học thân thiện để phát huy tiềm năng, thế mạnh vốn có. Năng lực của ngành dược trong tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu dùng dược toàn cầu; cũng như khả năng thu hút các nhà đầu tư, chủ nguồn dược liệu và chuyển giao công nghệ…
Theo Bộ Y tế, dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Chiến lược) hướng đến sản xuất thuốc phát minh, có dạng bào chế mới, hiện đại; tham gia cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại cộng đồng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm…
Một số mục tiêu cụ thể trong Chiến lược bao gồm: Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường; đáp ứng 100% nhu cầu vaccine tiêm chủng mở rộng, 30% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ; chuyển giao công nghệ, sản xuất ít nhất 100 loại thuốc phát minh, vaccine, sinh phẩm và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được…
Trước những ý kiến góp ý, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Y tế tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình, trong đó cần xác định rõ quan điểm, định hướng, ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển ngành dược phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, yêu cầu phát triển của ngành y tế, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Cụ thể, từ nay đến năm 2025, Chiến lược phải xác định những dự án ưu tiên đầu tư về con người, cơ sở vật chất, cơ chế chính sách,… cho ngành dược. Phó Thủ tướng nhấn mạnh các mục tiêu trong Chiến lược phải khả thi, cạnh tranh, hiệu quả, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh, không duy ý chí, "tìm được cách tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới", tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng thuốc của các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới, nâng cao thứ hạng của ngành dược Việt Nam.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác thể chế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tích hợp các bộ chỉ số, chuẩn mực quốc tế trong đánh giá chất lượng, chuẩn hoá quá trình sản xuất, bảo quản, phân phối, cung ứng thuốc, "dù khó cũng phải quyết tâm làm".
Bên cạnh đó, Nhà nước phải đóng vai trò dẫn dắt, đồng thời tạo điều kiện, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp dược trong và ngoài nước tham gia đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển, sản xuất các loại thuốc mới, thuốc phát minh. "Đây là một chìa khoá quan trọng, cần những giải pháp căn cơ, cụ thể", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý "phải quan tâm hơn nữa cho lĩnh vực dược lâm sàng, đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc trong cơ sở y tế, hướng tới cung ứng thuốc điều trị phù hợp, có giá thành hợp lý cho người bệnh", theo VGP.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh về dược liệu, nền y học cổ truyền, Phó Thủ tướng gợi mở định hướng phát triển các vùng dược liệu trên cơ sở liên kết, tham gia chuỗi giá trị của các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới, có công nghệ bào chế hiện đại; thúc đẩy thị trường thức phẩm chức năng.
"Cơ quan quản lý, các doanh nghiệp dược trong nước và nước ngoài cần cùng nhau chia sẻ công nghệ, hài hoà lợi ích trong sản xuất, cung ứng, phân phối những loại thuốc chất lượng tốt, giá cả phù hợp, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân", Phó Thủ tướng nói.
Bình luận của bạn