Khẩn cấp ứng phó với siêu bão Noru mạnh nhất trong 20 năm

Dự báo đường đi của bão Noru, theo mô hình của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - Ảnh: NCHMF.

Siêu bão Noru liên tục mạnh lên, dự báo sẽ đổ bộ vào Trung bộ

Dự báo siêu bão Noru sẽ đổ bộ vào Trung Bộ trong ngày 28/9

Kinh ngạc với ảnh chụp siêu bão Noru mạnh nhất năm 2017 từ ngoài không gian

Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng về tiêm vaccine và vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế

Miền Trung đối mặt với cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7h sáng nay (27/9), vị trí tâm bão trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25km và có khả năng mạnh thêm.

Như vậy, với vận tốc di chuyển 25 km/h, chỉ trong 3 giờ tới, bão có thể gây ra gió mạnh trên đất liền khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Đến 19h tối 27/9, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 170 km về phía Đông Nam, cách Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng 120 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 15, giật trên cấp 17, chỉ dưới một cấp so với siêu bão.

Sau thời điểm này, bão giữ hướng đi và vận tốc, tiến vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ. 7h sáng 28/9, tâm bão nằm trên đất liền các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.

Tại cuộc họp ứng phó với bão sáng 27/9, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cho biết khi Noru đổ bổ, gió mạnh cấp 12-13, giật 15. Bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, bắc Tây Nguyên từ khoảng tối hôm nay (27/9).

"Đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Bộ, mức độ ảnh hưởng có khả năng tương đương đến cao hơn cơn bão Xangsane năm 2006 đổ bộ vào Đà Nẵng, Quảng Nam", ông Thái nói, theo Vietnamnet.

Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn thông tin, nguy cơ lớn nhất, nguy hiểm nhất lúc này là gió rất to, sóng rất lớn trên biển dọc theo vĩ độ 16 độ vĩ Bắc, là nơi bão đi qua có cường độ gió cấp 13-14, có khả năng đạt cấp 15, gió giật cấp 17, sóng cao 8-10m, có thể đánh đắm tất cả các tàu thuyền, kể cả tàu trọng tải lớn.

Các huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh do bão số 4.

Về gió mạnh, mưa, lũ trên đất liền, phạm vi ảnh hưởng của bão số 4 là rất rộng; 9/14 tỉnh thành phố miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp; trong đó Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là 5 tỉnh/thành phố được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất, gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 12-13, giật cấp 15.

Từ tối và đêm nay, ở đất liền bắt đầu chịu tác động của gió bão, thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh là từ đêm nay đến sáng ngày mai.

Theo các chuyên gia, những kịch bản dự báo về cường độ và mức độ ảnh hưởng của bão Noru bắt đầu cực đoan hơn so với nhận định trước đó một ngày. Người dân ở nhà cấp 4 hoặc nhà không kiên cố được khuyến cáo khẩn trương di dời, tìm nơi trú ẩn; ngư dân tuyệt đối không ở trên các lồng bè, chòi canh thời điểm bão bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền.

Dự báo bão số 4 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh miền Trung và Bắc Tây nguyên, với lượng mưa dự báo đến 300-400mm gây ra một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, đặc biệt là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có nguy cơ ngập lụt.

Thủ tướng yêu cầu an toàn tính mạng người dân lên trên hết

Thủ tướng lưu ý phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ - Ảnh: VGP

Thủ tướng lưu ý phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ - Ảnh: VGP

Cũng trong sáng nay (27/9), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ở miền Trung, Tây Nguyên và các bộ ngành chỉ đạo công tác ứng phó khẩn cấp với bão Noru.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 8 địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của bão: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum; 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường, thị trấn.

 

"Nhân dân ở xã phường, nên cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới cấp xã phường. Phải có phương án giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản, di sản, điều kiện, sinh kế của người dân; phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ bởi 'phòng hơn chống'", Thủ tướng nhấn mạnh tại cuộc họp.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý một số nhiệm vụ như: Khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú, kêu gọi ngư dân không đánh bắt trong những ngày này; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ học sinh, khách du lịch; bảo vệ di sản, nhất là phố cổ Hội An; ứng phó với áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão, nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão.

Thủ tướng cũng nhất trí với quan điểm công tác phòng chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để có sự chủ động chuẩn bị, nếu chuẩn bị tốt thì khi cơn bão đổ bộ với cường độ mạnh hơn dự kiến thì vẫn bảo đảm an toàn, ngược lại nếu bão đổ bộ mạnh hơn dự kiến mà không chuẩn bị tốt thì thiệt hại sẽ lớn. 

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt nhất, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Vừa phòng tốt, vừa chống đỡ có hiệu quả với phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị tốt nhất để kịp thời ứng phó diễn biến xấu có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Trong đó, hết sức chú ý bảo vệ các đối tượng yếu thế, học sinh, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, người tàn tật, khách du lịch phải ở lại do bão…

Trước đó, ngày 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương tại thành phố Đà Nẵng để chủ động ứng phó với bão số 4 (bão Noru). Phó thủ tướng Lê Văn Thành được giao làm trưởng ban, trực tiếp chỉ đạo các tỉnh, thành phố ở Trung Bộ ứng phó với bão số 4.

Các địa phương miền Trung gấp rút ứng phó bão Noru

Theo hướng đi của bão Noru, dự báo các địa phương có rủi ro thiên tai cấp 4 do bão gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Vùng rủi ro thiên tai cấp 3 gồm các tỉnh: Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai. Nhiều địa phương các tỉnh miền Trung đã chủ động ứng phó với bão số 4 ngay từ khi nhận được tin bão.

Tại Quảng Nam, đến nay gần như toàn bộ diện tích lúa và 85% diện tích thủy sản đã được thu hoạch. Tỉnh Quảng Nam đã di dời hơn 44.000 hộ dân đến vùng an toàn. Lực lượng thanh niên xung kích với 12.000 người đã sẵn sàng ứng phó với bão số 4. 

Trong khi đó, Quảng Ngãi cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động, bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại, từ 12h ngày 26/9 cho đến khi có thông báo mới. Học sinh, sinh viên Quảng Ngãi nghỉ học kể từ 7h ngày 27/9 cho đến khi có chỉ đạo của UBND tỉnh. Các địa phương hoàn thành việc di dời, sơ tán dân trước 10h ngày 27/9, riêng huyện đảo Lý Sơn, đối với những hộ dân chưa di dời, huyện không di dời tập trung mà xen ghép với các hộ dân khác, nếu cần, có thể huy động hầm quân sự để người dân tránh trú.

Tỉnh Bình Định đã phân công trực 24/24 trong những ngày qua để kịp thời ứng phó với mọi tình huống. Bình Định cũng kích hoạt phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, ngập lụt. Triển khai các phương án bảo vệ cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

 

Theo các chuyên gia, Noru là cơn bão rất lớn và có phạm vi ảnh hưởng rộng. Những nhà cấp 4 lợp tôn, ngói ở ven biển và vùng thấp sẽ không an toàn với cơn bão này. Người dân cần sơ tán theo lệnh sơ tán của chính quyền địa phương. Thời gian hoàn tất việc sơ tán nên trước 16 giờ chiều ngày 27/9.

- Tuyệt đối không ở lại trên thuyền và lồng bè ven biển.

- Tuyệt đối không đi ra ngoài đường khu vực được dự báo có bão vào từ khung giờ 21h ngày 27/9 cho đến khi bão tan.

- Di chuyển hầm trú bão nếu trong nhà không an toàn.

- Tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống trong 4-5 ngày đề phòng có lụt ngay sau bão.

- Luôn sạc đầy các thiết bị thông tin liên lạc, đèn pin.

Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn