Diễn biến thời tiết bất thường ở khắp nơi trên thế giới

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải hứng chịu những diễn biến thời tiết bất thường.

Nắng nóng kỷ lục "thiêu đốt" Châu Âu, hàng trăm người chết vì sốc nhiệt

WHO: Châu Âu lại trở thành "tâm điểm" của làn sóng COVID-19 mới

Nắng nóng: Không chỉ là câu chuyện thời tiết

Biến đổi khí hậu đang "hoành hành" khủng khiếp thế nào trên khắp thế giới?

Dường như chưa bao giờ thời tiết lại đáng lo ngại như lúc này, đang tác động lớn tới nhiều quốc gia. Khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra thường xuyên, với mức độ nghiêm trọng hơn ở nhiều nơi trên thế giới do hậu quả của biến đổi khí hậu. Người dân trên toàn thế giới đang phải đối mặt với các hiểm họa về thiên tai nhiều hơn bao giờ hết. Các hiểm họa này đang gia tăng do kết quả của sự gia tăng dân số, đô thị hóa và suy thoái môi trường.

Ngày 9/8, phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), bà Clare Nullis nêu rõ: "Thế giới vừa trải qua một trong số những tháng 7 nóng kỷ lục". Theo WMO, nền nhiệt toàn cầu trong tháng 7 vừa qua đã tăng 0,4 độ C so với mức trung bình ghi nhận từ năm 1991 đến năm 2020.

Đáng chú ý, mùa Hè tại Châu Âu năm nay đã xảy ra các đợt nắng nóng và hạn hán, với lượng mưa thấp kỷ lục ở một số nước tại châu lục này. Nhiệt độ đo được trên 40 độ C, lần đầu tiên được ghi nhận ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp và Vương quốc Anh. 

“Các đợt nắng nóng sẽ xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Mối liên hệ đã được chứng minh rõ ràng bởi Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu. Chúng ta đã không thể giảm lượng khí thải trên toàn cầu, vì vậy trong tương lai, loại sóng nhiệt này sẽ là bình thường. Chúng ta sẽ còn thấy những hình thái thời tiết cực đoan hơn” - ông Petteri Taalas, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo.

WMO cũng cảnh báo, các đợt nắng nóng cũng như các hiện tượng thời tiết bất thường có thể sẽ gây nhiều ca tử vong ở người già và người có tiền sử bệnh tật, cũng như gây ra những thách thức cho hệ thống y tế do nhu cầu điều trị tăng cao.

8 người tử vong trong trận mưa lớn nhất ở Hàn Quốc trong vòng 80 năm qua

Hệ thống giao thông bị tê liệt hoàn toàn ở Busan, Hàn Quốc sau trận mưa lớn lịch sử tối ngày 8/8 - Ảnh: Yonhap

Hệ thống giao thông bị tê liệt hoàn toàn ở Busan, Hàn Quốc sau trận mưa lớn lịch sử tối ngày 8/8 - Ảnh: Yonhap

Theo hãng tin Yonhap, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết, khu vực miền Trung nước này, thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc vừa phải hứng chịu đợt mưa lớn kỷ lục trong hơn 80 năm qua, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, 7 người khác mất tích và 9 người bị thương. 

Trong số 8 người thiệt mạng có 3 nạn nhân bị chết đuối, 1 người bị điện giật ở dưới nước, 1 người chết tại trạm dừng xe bus bị sập và 1 người chết do lở đất. Trận mưa xối xả đã nhấn chìm cả thành phố Seoul trong nước, đánh bật đường điện, làm đường sá hư hại và gây ngập cho các ga tàu điện ngầm.

Bộ An ninh và Nội vụ Hàn Quốc thống kê khoảng 163 người mất nhà cửa và 751 tòa nhà bị ngập lụt. Ít nhất 11 bộ ngành của Hàn Quốc đã tham gia nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt. Bộ này đã nâng mức độ theo dõi thiệt hại lũ lụt từ "cảnh báo" lên "nghiêm trọng" vào lúc 1 giờ sáng 9/8.

Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc cũng ban hành cảnh báo sạt lở đất tại 47 thành phố và quận trên toàn quốc vào sáng 9/8, bao gồm tại 9 quận ở Seoul, một phần của các tỉnh Incheon, Gyeonggi, Gangwon, Bắc và Nam Chungcheong.

Chính quyền thành phố Seoul kêu gọi người dân chuẩn bị đối phó với thiệt hại do lũ lụt gây ra, đồng thời ra lệnh sơ tán người dân tại các khu vực trũng thấp và những khu vực đã sạt lở đất để hạn chế thương vong.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tổ chức một cuộc họp ứng phó khẩn cấp, ra lệnh cho các cơ quan chức năng tập trung vào việc ngăn chặn thương vong, nhanh chóng kiểm soát và khắc phục các khu vực bị ngập lụt.

Cục Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết, tối 8/8, khu vực phía Nam thủ đô Seoul đã phải hứng chịu lượng mưa hơn 100mm mỗi giờ. Một số khu vực khác của Seoul đã ghi nhận lượng mưa lên đến 141,5mm/giờ. Cơ quan này cũng dự báo Hàn Quốc sẽ còn hứng chịu một trận mưa khác vào ngày 11/8 có thể trút lượng nước 300-350 mm cũng như gây ra lũ lụt.

Nắng nóng và hạn hán phá vỡ mọi kỷ lục từ Châu Âu đến Châu Á

2 người phụ nữ đang nhúng đầu mình xuống đài phun nước ở Quảng trường Trafalgar, London để giải tỏa cái nóng khắc nghiệt chưa từng thấy ở nước Anh vào ngày 19/7 - Ảnh: Getty Images

2 người phụ nữ đang nhúng đầu mình xuống đài phun nước ở Quảng trường Trafalgar, London để giải tỏa cái nóng khắc nghiệt chưa từng thấy ở nước Anh vào ngày 19/7 - Ảnh: Getty Images

Tại Châu Âu, các đợt nắng nóng ở châu lục này liên tục phá vỡ kỷ lục, đe dọa sức khỏe cộng đồng và cơ sở hạ tầng. Trong tháng 7 vừa qua, liên tiếp các vụ hỏa hoạn, cháy rừng do đợt nắng nóng đỉnh điểm đã được báo cáo ở các quốc gia như: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Hy Lạp và nhiều nơi khác. Các nhà khoa học nhận định đó là dấu hiệu của tác động của khủng hoảng khí hậu đối với thời tiết hàng ngày.

Tại Anh, lần đầu tiên nắng nóng đã lên tới 40 độ C, nhiệt độ cao nhất trong lịch sử từng được ghi nhận ở xứ sở sương mù. Người dân Anh vốn quen chống chọi với cái lạnh hơn là cái nóng, các ngôi nhà cũng được thiết kế để giữ nhiệt và điều hòa nhiệt độ hiếm khi xuất hiện ở quốc gia này. Quạt bàn đang được bán hết trên toàn quốc, nhưng không đủ để giải nhiệt cho người dân. Các nhà chức trách Anh yêu cầu người dân không nên đi tàu hỏa, bởi sẽ gặp nguy hiểm do các đường ray nóng có thể giãn nở và uốn cong vì sức nóng. 

“Kỷ lục nhiệt độ của Anh quốc qua mọi thời đại không chỉ bị phá vỡ mà còn bị xóa sổ hoàn toàn. Anh quốc chưa bao giờ chạm ngưỡng nhiệt độ 39 độ C, nhưng nhiệt độ ngày hôm qua đã nhảy vọt lên 40 độ C" - Hannah Cloke - nhà nghiên cứu về các hiểm họa tự nhiên tại Đại học Reading cho biết vào ngày 20/7.

Nhiệt độ tăng cao buộc Cơ quan An toàn Y tế Vương quốc Anh ban hành cảnh báo nhiệt cấp độ 4, được mô tả là “Tình huống khẩn cấp”, trong khi Văn phòng Met đưa ra cảnh báo nhiệt độ cực cao màu đỏ đầu tiên của Vương quốc Anh.

Vùng Brittany ở Pháp cũng ghi nhận mức nhiệt độ tương tự trong tháng 7. Các cảnh báo về thời tiết liên tục được đưa ra sau đợt nóng thiêu đốt từ cuối tháng 6. Nhiều nơi ở Châu Âu, từ Tây Ban Nha đến Đức, Bỉ, nhiệt độ cao trái với quy luật, lên tới 40-43 độ C.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến cuối tháng 7, đã có hơn 1.700 người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tử vong do nguyên nhân trực tiếp từ nắng nóng. Nắng nóng còn gián tiếp gây ra những sự cố thương tâm, như việc 13 người Anh chết đuối khi ngâm mình trong nước để làm mát.

"Biến đổi khí hậu - cuộc khủng hoảng bao trùm thời đại chúng ta đang đe dọa cả sức khỏe con người và sự tồn tại của nhân loại. Vấn đề này không phải là mới, nhưng hậu quả của nó mùa này qua mùa khác, năm này qua năm khác, đã kéo theo những hậu quả thảm khốc"", ông Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Châu Âu nhấn mạnh.

Cảnh tượng khô hạn tại Lobith, Hà Lan ngày 2/8 - Ảnh: AFP

Cảnh tượng khô hạn tại Lobith, Hà Lan ngày 2/8 - Ảnh: AFP

Sau các đợt nắng nóng cực đoan, hệ lụy nguy hiểm nữa xảy ra là hạn hán và cháy rừng. Dữ liệu từ Đài quan sát Hạn hán Châu Âu cho thấy, 45% lãnh thổ của Liên minh Châu Âu (EU) trong tình trạng cảnh báo hạn hán vào giữa tháng 7, ngoài ra, 15% diện tích của Lục địa già đang trong tình trạng báo động đỏ, nghĩa là thiếu nước trầm trọng. Trong đó, thung lũng Po ở miền Bắc Italia là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi mực nước sông Po - dòng sông lớn nhất đất nước, thấp nhất trong 70 năm, đe dọa mùa màng cũng như dẫn tới nguy cơ mất điện.

Bên cạnh đó, theo hệ thống thông tin về cháy rừng Châu Âu (EFFIS), 19 nước trong khu vực ở trong tình trạng vô cùng nguy hiểm do cháy rừng, trong đó có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Anh, Hy Lạp.

“Bảng điện tử trên một chiếc xe bus ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) hiển thị nhiệt độ ngoài trời lên đến 49 độ C vào ngày 4/8 khiến ai nấy cùng khiếp sợ. Chúng ta đang phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất vì chuyện gì cũng có thể xảy ra” - Tiến sĩ Daniel Swain, nhà khoa học khí hậu tại Trường Đại học London (Anh) cho biết.

Ông Swain cũng cho rằng, Châu Âu đang "nín thở" chờ đợi một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện, trong bối cảnh những đợt nắng nóng chưa từng thấy biến nhiều khu vực ở châu lục thành “chảo lửa”, làm tăng nhu cầu sử dụng điện để làm mát của các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không chỉ có Châu Âu nắng cháy. Ngày 4/8, thành phố Boston (Mỹ) cũng ghi nhận mức nhiệt 37,7 độ C, cao nhất trong vòng 89 năm.

Trung Quốc, đặc biệt là người dân sống ở lưu vực sông Dương Tử, cũng phải chịu đựng nắng nóng bất thường vào mùa Hè này. Nhiều thành phố lớn như Thượng Hải, Thành Đô, Quảng Châu đã phải chịu cái nóng kéo dài với nền nhiệt có khi lên tới 44 độ C, mức cao nhất kể từ năm 1873. Cuối tháng 7 vừa qua, Chiết Giang và Phúc Kiến ghi nhận mức nhiệt trên 41 độ C, cao nhất từ trước tới nay tại 2 tỉnh miền Đông này. Trong khi đó, 71 trạm thời tiết quốc gia trên cả nước Trung Quốc đều ghi nhận các mức nhiệt phá mọi kỷ lục.

Còn tại Nhật Bản, người dân Tokyo đã phải chịu đựng cái nóng 35 độ C, cao nhất kể từ năm 1875, theo đài NHK.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn