Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng về tiêm vaccine và vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 17 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Dòng chảy Sức khỏe+: Số ca sốt xuất huyết nặng tăng do thiếu thuốc

Quản lý rủi ro thiếu thuốc trong và sau đại dịch COVID-19

Thiếu thuốc, vật tư y tế: Xác định trách nhiệm người đứng đầu

Thủ tướng yêu cầu các Bộ xử lý vấn đề thuốc, trang thiết bị y tế

Theo số liệu thống kê trên Worldometers, tính đến sáng 14/9, thế giới đã có trên 614,5 triệu người mắc COVID-19 ở 228 quốc gia và khu vực, trong đó gần 6,52 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. Trong 24 giờ qua, Châu Á đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới, với hơn 224.000 trường hợp, xếp thứ 2 là Châu Âu, với 145.300 trường hợp. Đáng chú ý, số ca tử vong của Châu Á cũng ở mức cao với 305 ca được ghi nhận trong ngày vừa qua, so với cả thế giới là 495 ca.

Trước nguy cơ làn sóng COVID-19 mới đang lan nhanh ở Châu Á, chính phủ nhiều nước trong khu vực đã lên tiếng khuyến cáo thực hiện các biện pháp tăng cường phòng dịch, gồm cả việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân, nhất là các đối tượng ưu tiên. Trong khi, các quốc gia Châu Âu đang nỗ lực nhanh chóng phê chuẩn các loại vaccine thế hệ mới để khởi động chiến dịch tiêm mũi tăng cường ứng phó nguy cơ bùng phát làn sóng COVID-19 mới vào cuối năm nay. Trong những tháng gần đây, các biến thể phụ BA.4 và BA.5 được xác định là nguyên nhân gây ra làn sóng dịch COVID-19 tại “lục địa già”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Vì vậy vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch nên phải tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vaccine COVID-19.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát nhưng so với tháng 7/2022, tháng 8/2022 ghi nhận 72.324 ca mắc (tăng 2,4 lần), 24 ca tử vong (tăng 18 ca). Trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.

Trong 7 ngày qua (5/9-11/9/2022) cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.900 ca mắc mới mỗi ngày (ngày 7/9 ghi nhận 3.878 ca, cao nhất trong gần 4 tháng qua). Số ca mắc mới, số ca nặng, ca tử vong có xu hướng tăng (so với tháng 7, trong tháng 8, số ca nhập viện tăng 330%, số ca nặng, nguy kịch cần thở oxy tăng 316%). Có 35% ca nặng, tử vong thuộc các trường hợp chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine.

Toàn cảnh phiên họp thứ 17 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, kết nối trực tuyến đến các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP

Toàn cảnh phiên họp thứ 17 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, kết nối trực tuyến đến các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP

Tại phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) diễn ra vào sáng 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá dịch bệnh đang được kiểm soát nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, khó lường do virus liên tục thích ứng, tiến hóa với các biến chủng mới, hiệu lực bảo vệ của vaccine suy giảm theo thời gian, các điều kiện để virus phát triển như thời tiết, khí hậu tiếp tục có nhiều thay đổi… Các loại dịch bệnh mới phát sinh, các bệnh thông thường, dịch bệnh theo mùa… gây nguy cơ dịch chồng dịch. Trong khi đó, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan với dịch bệnh.

Đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tiêm vaccine theo tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh, Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt, thấm nhuần, tuyệt đối không được quên "bài học xương máu" khi chúng ta chưa tiếp cận được vaccine do vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế, chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội.

Thủ tướng yêu cầu không được lơ là, chủ quan, phải phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tiêm vaccine; thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh, trật tự an toàn, an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Y tế được giao tiếp tục rà soát, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc tiêm vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch với tinh thần không để dịch bùng phát trở lại.

Sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc - "Ai không làm đứng sang một bên"

Người dân đang chờ lấy thuốc theo chế độ bảo y tế tại một nhà thuốc ở bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức Khỏe+

Người dân đang chờ lấy thuốc theo chế độ bảo y tế tại một nhà thuốc ở bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức Khỏe+

Theo phản ánh của nhiều cơ quan báo chí, các vật dụng trước đây từng phổ biến ở bệnh viện như: catheter (ống thông) phục vụ ca mổ, kim luồn để truyền hóa chất, dây và quả lọc dùng cho máy chạy thận..."bỗng" trở nên khan hiếm. Nhiều tháng qua, bệnh nhân phải tự bỏ tiền mua những vật tư y tế này thay vì được hưởng bảo hiểm y tế (nếu bệnh viện có sẵn).

Theo Dân Việt, tại bệnh viện Tim Hà Nội, thời gian qua đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc Protamin sulfat, một loại thuốc không thể thiếu trong phẫu thuật tim mạch, bệnh viện đã phải mổ tim cầm chừng, chỉ mổ các ca cấp cứu, còn ca bệnh chưa nguy kịch thì phải trì hoãn.

Hay như câu chuyện "mua dao mổ giá rẻ rạch 3 lần da mới đứt trong khi dao mổ giá đắt chỉ cần rạch một đường mổ" vừa được Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ mới đây khiến không chỉ nhân viên y tế mà người bệnh cũng vô cùng bức xúc, lo lắng... về những bất cập trong đấu giá thuốc hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, cũng tại phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, hiện nay đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc trong khám, chữa bệnh tại một số cơ sở y tế, trong khi người dân thì ốm đau, cần thuốc, chúng ta không thể ngồi nhìn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh và trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm thuốc, trang thiết bị, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất của các tổ chức, cá nhân trong công việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

"Cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài. Ai làm sai thì phải xử lý, kỷ luật nhưng không để vì xử lý, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân" - Thủ tướng nói, theo VGP.

Lãnh đạo Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh, "ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm", vì việc mua sắm "đủng đỉnh" sẽ không đáp ứng yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân đang tính bằng giờ, bằng phút.

Các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc thể chế về đấu thầu, mua sắm, nhất là về đấu thầu, mua sắm tập trung, sửa đổi ngay các thông tư để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho việc mua sắm. Đồng thời, kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong công tác này.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn