Khi bé "bỗng dưng muốn khóc"


Thức do lẫn lộn đêm - ngày

Lúc mới sinh, bé được chuyển từ bóng tối ra ánh sáng, từ môi trường ấm áp, ổn định trong bụng mẹ ra môi trường thường xuyên thay đổi của thiên nhiên, nên cần quá trình để thích nghi. Ban đầu, nhận thức của bé về ngày và đêm bị đảo ngược. Vì vậy, cứ đêm đến là bé thức đòi chơi, cha mẹ tắt đèn sẽ khóc, nhưng đến tờ mờ sáng thì ngủ ngon lành. Đây là trường hợp không đáng ngại vì nếu tính thời gian thì bé vẫn ngủ đủ giấc. Thông thường, chỉ đến ngày đầy tháng hoặc sau đầy tháng vài ngày là bé đi vào nề nếp. Trường hợp bé thức đêm sau một tháng mới cần điều trị.

Cha mẹ cần tập cho bé một số thói quen gợi ý đến giờ đi ngủ như: lau sạch cơ thể, rửa tay chân, bộ phận sinh dục bằng nước ấm, xoa bóp cho bé, tắt đèn, mở nhạc êm dịu cho bé nghe, hoặc cùng chơi đùa với con trước giờ đi ngủ...

Thức đêm kèm khóc

Bé đang ngủ, khóc thét hoặc giơ tay chân đấm đá lung tung. Có cả những trường hợp mẹ ôm con vào lòng nhưng bé vẫn giãy giụa, nức nở không nín. Song, sau khi nghe lời dịu ngọt, vỗ về, bé ngủ ngon đến sáng. Trường hợp này chỉ cần để ý xem ban ngày bé có đùa giỡn quá mức hoặc có ai đánh, la bé không. Khi “cắt đứt” nguyên nhân, bé sẽ ngủ ngoan. Nếu bé thức đêm kèm khóc, tiếng khóc ngằn ngặt, khó chịu thì có thể bé đang bị một trong những nguyên nhân sau hành hạ: rối loạn tiêu hóa, viêm mũi họng... Lúc này cần đưa bé đi bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Để giúp bác sĩ xác định nguyên nhân, người nuôi dưỡng bé cần cung cấp thông tin chính xác, cụ thể: tổng thời gian bé ngủ trong ngày, thái độ của bé (vui, buồn, nóng giận…), cách thở (thở gấp, phát tiếng kêu…), cách ăn uống trong những ngày trước đó, cách khóc (khóc ré, khóc từng cơn…).

Trường hợp cấp cứu: Bé dưới ba tuổi, khỏe mạnh nhưng khóc thét từng cơn, đau bụng có kèm nôn ói nhiều lần… thì nên đưa đi bệnh viện bất kể đêm hay ngày, vì có thể bé bị lồng ruột. Nếu chần chừ, sẽ thấy bé đi tiêu ra phân có lẫn máu, thường là máu màu đỏ bầm lẫn nhầy.

Thức đêm do thiếu can-xi

Bé trên sáu tháng tuổi ngủ không ngon giấc, quấy khóc, đổ mồ hôi trộm và không thực hiện đúng “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò tập đi” thì bé có thể thiếu can-xi. Nếu không được bác sĩ cho bổ sung can-xi kịp thời, bé sẽ bị các di chứng không thể chữa như: trán dồ, chân vòng kiềng, cán vá, thấp còi... BS Đặng Văn Mon - Khoa giấc ngủ Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic TP.HCM cho biết: “Cần lưu ý cho bé phơi nắng buổi sáng, quan tâm đến dinh dưỡng. Trong trường hợp bé không ngủ, hay giật mình thức giấc và khóc nhiều, nên cho bé đo điện não để ước lượng sự phát triển của não”.

Thức đêm do bệnh

Những cơn sốt quá cao thường làm bé co giật - một biểu hiện động kinh. Sau lần động kinh đầu, từ tiềm thức sẽ có cơ chế tự bảo vệ, do đó các em đã từng bị động kinh khi bị sốt lần nữa sẽ bứt rứt khó ngủ, quấy khóc. BS Đặng Văn Mon khuyên: "Không để bé sốt cao. Cần trang bị cặp nhiệt độ trong tủ thuốc. Không ít phụ huynh chủ quan, chỉ rờ bé để áng chừng nhiệt độ. Thực chất, khi cha mẹ cảm nhận được hơi nóng thì thân nhiệt bé có thể đã lên tới 39-40o, rất dễ dẫn tới động kinh gây tổn thương não. Việc cặp nhiệt độ còn phát hiện những trường hợp bé lạnh run bên ngoài nhưng thân nhiệt đang cao. Cần có thuốc nhét hậu môn và lau mát ngay vùng đầu để bảo vệ bộ não bé”.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ