Bác sĩ giải thích cho bà mẹ là cháu Kh. bị mắc bệnh sởi được chẩn đoán bằng các triệu chứng như: sốt, ho, mắt đỏ, tiêu lỏng, phát ban thứ tự từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ rồi tới ngực, thân mình tay chân, ở xóm bé có người bị bệnh sởi. Tuy nhiên, kết quả thử máu để tìm kháng thể đối với siêu vi trùng sởi thì không có (âm tính), vì vậy cháu Kh. vẫn phải tiêm ngừa sởi theo lịch của chương trình tiêm chủng Quốc gia, tức tiêm mũi đầu lúc đủ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai lúc 18 tháng tuổi.
Thực tế theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Tiền Giang, những trường hợp sốt phát ban nghi ngờ bệnh sởi khi lấy huyết thanh để tìm kháng thể IgM đối với siêu vi trùng sởi chỉ phát hiện được 21% dương tính, có nghĩa là có trên 70% sốt phát ban là không phải bệnh sởi. Cho nên những trường hợp chẩn đoán là bệnh sởi mà chưa có làm xét nghiệm chẩn đoán xác định thì coi như là bệnh sốt phát ban khác mà không phải sởi, vì vậy bệnh nhân vẫn phải chích ngừa sởi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, trên thực tế không cần xét nghiệm xác định tình trạng miễn dịch của trẻ để cán bộ y tế chỉ định tiêm vắc-xin. Trong trường hợp thật sự mắc bệnh sởi rồi thì không cần chích ngừa nữa, vì miễn dịch sởi sẽ kéo dài đến suốt đời. Còn trường hợp bé bị sởi mà gia đình không biết nếu chích ngừa sởi thêm nữa thì vẫn không có hại gì cho bé.
Bình luận của bạn