Nhận dạng thực phẩm “bẩn” dễ ợt!

Nhận dạng được thực phẩm “bẩn” để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình là điều mà người tiêu dùng đang quan tâm.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm dịp Tết: Cẩn thận không thừa

Những thực phẩm không tốt cho người bị sảy thai

7 loại thực phẩm trẻ "phải" được ăn

Thực phẩm giúp tăng cường tập trung

Phạt Unicity 60 triệu đồng vì vi phạm quảng cáo TPCN

1. Giò chả

Giò chả là món không thể thiếu trong nhà vào dịp Tết cổ truyền, tuy nhiên món ăn này thường chứa hàm lượng hàn the - là chất tạo độ dai giòn tuyệt vời, giúp tăng thời gian bảo quản thực phẩm lên tới nhiều ngày mà không sợ hư hỏng - rất lớn, vì vậy nếu ăn nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe

Nếu ăn phải giò chả có chứa hàn the, khi ăn thì rất dai và dòn, nhưng khi vừa ăn xong sẽ có vị hơi chát ở đầu lưỡi, tuy nhiên không dễ để phát hiện ra được điều này. Vì vậy, người tiêu dùng có thể dùng giấy tẩm nghệ hay tự làm giấy nghệ để phát hiện nhanh hàn the. Làm giấy nghệ rất đơn giản: Giã nghệ lấy nước, sau đó lấy giấy mỏng thấm nước nghệ đó và để khô. Khi sử dụng chỉ cần lấy mẩu giấy đó ốp vào bề mặt giò chả, nếu giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang màu cam hoặc đỏ tức là giò chả đó có chứa hàn the.

2. Thịt lợn

Dùng ngón tay ấn vào miếng thịt, nếu trên thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra là miếng thịt tươi. Chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Nên tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt.

3. Thịt gia cầm

Với các loại thịt gia cầm làm sẵn nên chọn loại có màu sắc tự nhiên (từ trắng ngà đến vàng tươi), mắt sáng. Da kín, lành lặn, không có vết bẩn, vết bầm, mốc meo hoặc vết lạ. Thịt gia cầm hỏng có màu vàng thẫm, vàng tím hoặc vàng tối sẫm, mắt vẩn đục, nhắm nghiền.

Nếu mua gà sống thì chọn con có bộ lông óng mượt, mắt tinh nhanh, mào đỏ tươi, chân bé, lườn căng. Tránh những con gà bị xù lông, chảy dãi, mào tím tái, mắt lờ đờ hoặc nhắm tịt lại như buồn ngủ vì những biểu hiện này cho thấy gà không được khỏe mạnh. Nếu gà bị chết trước khi mổ, thịt gà sẽ có màu đen xạm hơn do máu bị đọng lại, chảy ra không hết trong khi làm thịt.

Nên chọn thịt lợn có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô

4. Thịt trâu, bò

Trong thịt bò và thịt trâu có nguy cơ nhiễm kén sán nhiều hơn thịt lợn. Vì vậy, khi mua thịt trâu, bò người tiêu dùng nên tránh những miếng thịt có các bọc nhỏ xen giữa các thớ thịt, bắp thịt.

Khi thái, bằng mắt thường nếu thấy những đốm trắng to bằng đầu kim là miếng thịt đã bị nhiễm giun xoắn. Còn nếu miếng thịt nhiễm sán thì sẽ có những hình sợi hoặc hình bầu dục to bằng hạt đậu có màu trắng nằm dọc theo các thớ thịt. Nếu thịt ướp ure hoặc hàn the thì khi cầm vào miếng thịt thấy cứng hơn, không còn cảm giác mềm mại và độ dẻo dính như thịt tươi.

5. Cá

Với các loại cá, tốt nhất là nên chọn cá vẫn còn bơi trong nước. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn có thể lựa chọn cá vừa mới chết nếu đặt lên lòng bàn tay, thân cá co cứng, thịt rắn chắc không thõng xuống. Mang cá có màu đỏ tươi dán chặt xuống hoa khế, miệng cá ngậm cứng, mắt cá trong suốt.

Cá tươi thường có mang màu đỏ dán chặt xuống hoa khế, miệng cá ngậm cứng, mắt cá trong suốt

6. Nội tạng động vật

Màu sắc của nội tạng phải tự nhiên, không có đốm xuất huyết, không có mùi lạ, không có ruồi, côn trùng đậu. Khi sờ bằng tay thấy chắc, có độ đàn hồi tốt, không chảy nước và có nhớt. Các mạch máu trên nội tạng phải rõ, màu sắc tươi.

7. Trứng

Khi chọn trứng, người tiêu dùng nên nắm quả trứng trong lòng bàn tay, chỉ để hở hai đầu trứng, mắt nhìn vào trứng ở một đầu, đầu kia soi trên một nguồn ánh sáng của mặt trời hay một ngọn đèn điện. Bên trong lòng trứng có màu hồng và trong suốt với một chấm hồng ở giữa, túi khí không quá 1cm, đường bao quanh cố định là trứng tốt.

Nếu trong lòng trứng có vết máu hoặc những sợi nhỏ thì trứng đã nhiễm giun, sán. Có thể thử bằng phương pháp lắc trứng bằng cách cầm quả trứng giữa hai ngón tay trỏ và cái. Quả trứng mới đẻ lắc sẽ không có tiếng kêu, còn nếu trứng để càng lâu thì càng lắc càng kêu to.

8. Rau quả

Khi cầm cây rau trên tay nếu có cảm giác "nhẹ bỗng" thường là rau bị phun quá nhiều chất kích thích, tăng trưởng. Chú ý quan sát, nếu thấy các vết lấm tấm hoặc vết trắng trên lá, cuống lá, núm quả, cuống quả... chứng tỏ rau quả còn dính hóa chất bảo vệ thực vật. Không chọn rau củ có mùi lạ (mùi hắc của thuốc bảo vệ thực vật).

Không nên chọn loại rau có vẻ bề ngoài quá bóng bảy, quá “mập” hoặc “phổng phao”. Nên chọn rau còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát, trầy xước, thâm nhũn ở núm cuống. Tránh chọn rau trái mùa xanh tốt khác thường vì những rau quả trái mùa rất dễ bị bón thuốc kích thích. Trước khi chế biến hoặc ăn cần rửa rau bằng nước sạch, tốt nhất rửa rau, củ, quả dưới vòi nước chảy và nên gọt bỏ vỏ vì có thể giúp giảm thiểu lượng thuốc sâu đưa vào cơ thể.

M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin