Tập lẫy cho con: Cần đúng thời điểm và đúng cách

Nắm được các dấu hiệu và tập đúng cách giúp con biết lẫy đúng thời điểm

Tự dậy con tập bơi mùa hè

Những điều bí ẩn thú vị về trẻ sơ sinh

Trẻ thở khò khè khi ngủ phải làm sao?

Cảnh báo sự nguy hiểm từ việc quấn khăn cho trẻ sơ sinh

Lẫy là một mốc phát triển quan trọng, khi con tự lẫy được một lần, các lần sau con lẫy rất nhanh và tự tin hơn. Con tăng vận động những động tác co mình, duỗi chân, cong mông… đây là những hoạt động rất có lợi cho sự phát triển các kỹ năng sau này. Tầm nhìn của con cũng được mở rộng, có thể quan sát xung quanh với nhiều gốc độ hơn bởi đầu con đã ngóc được lên và di chuyển các hướng. Đồng thời, lẫy cũng giúp con hạn chế chứng bẹp đầu do nằm quá nhiều.

Tuy nhiên, các mẹ phải nắm vững được thời điểm con đã sẵn sàng để tập lẫy cho con. Chị Tường Vy (Hà Nội) chia sẻ: “Tưởng con trốn lẫy nên tôi cũng không để ý tập luyện gì cho con, mãi đến gần 6 tháng, thấy con rướn rướn, mới thử ủn đít, không ngờ, vài hôm sau thì thấy con lẫy được.”

Theo bác sỹ Nguyễn Trường, Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh, khi thấy dấu hiệu này chính là thời điểm con đã sẵn sàng tập lẫy:

Khi con nằm ngửa, hai chân có thể hướng lên phía trước hoặc thường xuyên nhấc bàn chân lên để đung đưa qua lại. Con rất thích nằm nghiêng và thường xuyên đưa chân vắt sang một bên.

Khi đặt con nằm sấp, con có động tác bơi bằng hai tay, hoặc hai tay và hai chân ra duỗi thẳng, nhấc cao. Con đã có thể tự nhấc cổ và đầu dậy và bắt đầu rướn. Con có thể chống tay để nâng đỡ phần đầu và ngực hướng lên trên. Điều này cho thấy cơ ngực và cơ lưng của bé đã cứng cáp và có khả năng chịu lực. 

Lẫy giúp tăng vận động tự lập cho bé và hỗ trợ cho bé học ngồi, đứng về sau. 

Những bài tập đơn giản giúp con phát triển cơ xương cổ, cơ xương đầu, xương sống và lẫy đúng thời điểm:

- Khi chơi cùng con, mẹ cho con nằm sấp. Con sẽ cố rướn cổ, vận động tay chân. Mẹ chú ý khi con mỏi, con thường úp mặt xuống, vì còn yếu chưa quay mặt ngang được, mẹ có thể giúp để con quay mặt tránh ngạt thở.

-  Mẹ ôm con ngang hông để con rướn cổ, rướn người.

- Khi con biết đu chân, nằm nghiêng người, rướn người và mông sang hẳn một bên, mẹ có thể hơi ủn đít để con lấy đà lẫy. Tập vậy một vài lần, con có thể sẽ có những cú lẫy thành công.

Thời điểm con bắt đầu tập lẫy, mỗi ngày mẹ nên dành khoảng 20 phút cho con tập lẫy, chia làm nhiều đợt trong ngày, mỗi đơt 2 – 3 phút. Khi con vừa ăn no, không nên cho con tập lẫy, con dễ trớ và đau dạ dày. Và hãy tạo tâm lý vui vẻ,  khen ngợi, cổ vũ con để con thoải mái, thích thú mỗi khi được tập lẫy cùng mẹ.

Theo bác sỹ Nguyễn Trường, mỗi bé đều có thời điểm lẫy khác nhau, một số bé biết lẫy khi mới 3 tháng tuổi, số khác trễ hơn vào 5 - 6 tháng tuổi, các bé sinh non có thể biết lẫy muộn hơn, vì có nhiều yếu tố tác động đến khả năng của con như: Cân nặng, tính cách, sức khỏe. Bởi vậy, khi đến thời điểm từ 3 tháng mà con chưa có những dấu hiệu tập lẫy, mẹ nên bình tĩnh. Nhưng mẹ cũng cần luôn chú ý không đặt con nằm một mình ở trên giường hoặc những chỗ cao, vì có thể con sẽ vặn mình và có những cú lẫy bất ngờ.

Tuy nhiên, khi 12 tháng tuổi, con vẫn chưa biết lẫy và tỏ ra không thích thú với mọi thứ xung quanh, cũng không đạt được các kỹ năng khác như biết ngồi, biết bò... bố mẹ cần đưa con đi khám để các bác sỹ kiểm tra.

Ngọc Hoa H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ