Tự "đo" sự phát triển của trẻ 1-6 tuổi

Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ, để đánh giá sự phát triển của trẻ một cách toàn diện, ngành y tế đưa ra ba yếu tố then chốt, bao gồm:

- Thể chất: Cân nặng, chiều cao, các số đo khác (vòng bụng, chiều dài chi…).

- Tâm thần: Khả năng nhận biết các yếu tố xung quanh, các biểu hiện về cảm xúc, phát âm…

- Vận động: Các động tác di chuyển cơ thể (nằm, trở mình, lật, ngồi, đứng, đi), các cử động tay chân (chỉ trỏ, cầm nắm…), độ chính xác của động tác.


Chỉ khi ba yếu tố thể chất - tâm thần - vận động phát triển tương đồng với nhau, trẻ mới được đánh giá là phát triển đúng với tuổi của mình.Thông thường việc đánh giá khả năng tâm thần - vận động của một người đòi hỏi chuyên môn của bác sĩ, thông qua rất nhiều các trắc nghiệm, quan sát, phép thử… mới đánh giá được chính xác.

Tuy nhiên, thông thường qua những biểu hiện của trẻ, gia đình bố mẹ vẫn có thể biết được con em mình có phát triển đúng với độ tuổi của chúng hay không. Phụ huynh có thể dựa phác thảo tương đối một số biểu hiện của trẻ theo từng mốc tuổi và những việc mà trẻ phát triển bình thường có thể đạt được dưới đây để so sánh:

1. Từ lúc mới sinh đến 4 tuần tuổi, bé đã có thể:

- Nhìn mặt của người quen.

- Phát âm nhỏ, ư ử trong họng.

- Giật mình khi nghe tiếng động.

- Chân tay cử động khác nhau, hoa tay múa chân.

- Nín khóc khi có người bế ẵm

2. Từ 4 đến 8 tuần tuổi

- Biết cười "xã giao".

- Phát âm bập bẹ.

- Thay đổi sắc mặt khi nghe tiếng động.

- Đầu thỉnh thoảng ngẩng lên thẳng.

- Biết sửa tư thế để bú dễ hơn.

3.Từ 8 đến 12 tuần tuổi

- Nhận ra hình dáng mẹ.

- Phát âm từng âm đơn.

- Nhìn ngóng theo đồ chơi đung đưa trước mặt.

- Bắt đầu tập trở mình sang bên.

- Biết và chờ được bố mẹ bế lên.

4. Từ 12 đến 16 tuần tuổi

- Cười mỉm khi thấy mình trong gương.

- Phát ra âm thanh cười khúc khích.

- Có thể tự cầm đồ chơi.

- Nhìn và theo dõi bàn tay của mình.

5.Từ 16 tuần đến 20 tuần tuổi

- Nhận biết về sự khác biệt, biết cái gì mới lạ xung quanh mình.

- Cười to, thể hiện sự thích thú trong phát âm.

- Đưa đồ chơi vào mồm, ngậm đồ chơi.

- Hai tay chắp nhau vào giữa.

- Thấy và biết chờ đợi thức ăn.

6.Từ 20 đến 24 tuần tuổi

- Tỏ ra không vui khi đồ chơi bị lấy đi.

- Tự biết phát âm "xã giao".

- Hướng mắt nhìn theo các vật đang rơi xuống.

- Đầu ngẩng thẳng và giữ vững.

- Biết mày mò hay vỗ tay vào bình sữa hay vú mẹ.

7.Từ 24 đến 28 tuần tuổi

- Biết chơi trò đơn giản với người khác.

- Nghe ngóng và nhận biết được tiếng nhạc.

- Đập đồ trên mặt bàn.

- Tự lật úp một mình trên giường.

- Có thể tập uống bằng ly (cần cha mẹ giúp).

8. Từ 28 đến 32 tuần tuổi

- Tỏ ra sự sợ hãi khi tiếp xúc người lạ.

- Phát âm được một chuỗi nhiều âm.

- Biết cầm nắm, lắc đồ chơi (lúc lắc).

- Biết chuyển một vật từ tay này sang tay kia.

- Biết tự cầm nắm đồ vật trước mặt.

9.Từ 32 đến 36 tuần tuổi

- Biết nhái tiếng của người lớn.

- Phát âm đơn vần như "đa, ba, ka"...

- Có thể cầm nắm và chơi với hai đồ chơi một lúc.

- Khi bắt ngồi sẽ lắc lư.

- Tự đút bánh vào miệng.

10. Từ 36 tuần đến 40 tuần tuổi

- Biết vẫy tay.

- Phát âm "ba" hay "ma" một cách tùy tiện (trẻ chưa ý thức được ý nghĩa của các từ này).

- Biết mò tìm đồ chơi bị giấu dưới chăn.

- Ngồi vững một mình.

- Biết dang hai tay khi sắp được bế.

11.Từ 40 tuần đến 44 tuần tuổi

- Biết ngưng lại khi bị cha mẹ bảo ngưng.

- Biết nói "ba" hay "má" với đúng người.

- Kết hợp các món đồ chơi khi chơi.

- Dùng ngón tay trỏ để giữ yên đồ vật.

- Biết chơi chung và hòa đồng với người khác.

12.Từ 44 đến 48 tuần tuổi

- Biết chơi với mình trong gương.

- Có thể nói được một từ khác ngoài "ba" và "má".

- Biết chọn đồ chơi theo ý muốn của mình.

- Ngồi thẳng và lăn trái banh ra trước.

- Đưa đồ chơi cho người khác nhưng không biết thả tay ra.

13. Từ 48 đến 52 tuần tuổi

- Đòi chơi đùa với người lớn.

- Nói được 2-3 chữ ngoài "ba" và "má".

- Bắt chước người lớn dùng bút vẽ (thành những dấu chấm).

- Chập chững đi 1-2 bước.

- Đưa đồ chơi cho người khác và biết thả tay ra.

14. Từ 53 tuần tuổi đến dưới 1,5 tuổi

- Biết tỏ ý muốn làm cha mẹ vui lòng.

- Kết hợp điệu bộ và ngôn ngữ.

- Biết xây cột (hai khối chồng lên nhau).

- Chạy, ít té.

- Biết chỉ vào các bộ phận trên mình khi đặt câu hỏi.

15. 1,5 tuổi

- Chơi với búp bê, cho búp bê ăn...

- Nói ra thành câu cực ngắn.

- Bắt chước người lớn dùng viết vẽ (thành vệt dài).

- Thích vặn nút.

- Hiểu thế nào là "nóng".

16. Từ 1,5 đến dưới 2 tuổi

- Biết chia sẻ và chơi đồ chơi chung với trẻ em khác.

- Nói được 50-60 chữ.

- Biết dùng "dụng cụ" để khều vật ở xa tới gần mình.

- Đá banh.

- Dùng thìa muỗng.

17. 2 tuổi

- Chơi trò chơi tưởng tượng.

- Nói rõ nghĩa của câu, không phát âm tiếng vô nghĩa nữa.

- Biết tổng quát hóa.

- Lật từng trang sách, leo lên xuống lầu thang.

- Giúp cha mẹ mặc quần áo cho mình.

18. 2,5 tuổi

- Nhận ra mình trong gương.

- Biết nói tên và họ của mình.

- Nhận định các hình giống nhau.

- Cầm viết bằng ngón tay.

- Biết khi nào cần đi tiêu, tiểu vào ban ngày.

19. 3 tuổi

- Tự biết nói mình vui hay buồn.

- Biết hát đồng giao, bài hát trẻ em.

- Vẽ được vòng tròn.

- Đạp xe 3 bánh.

- Giúp dọn dẹp, cất đồ chơi.


20. 3,5 tuổi

- Chơi hòa đồng với trẻ khác, tuân theo luật lệ của trò chơi.

- Dùng chữ khá chính xác.

- Vẽ hình vuông, biết so sánh to nhỏ.

- Dùng các khối gỗ xây được mơ hình cao.

- Làm một vài việc trong nhà.

21. 4 tuổi

- Hiểu và đóng vai của mình trong trò chơi đóng kịch.

- Tham gia đối thoại.

- Vẽ hình nhân với 2 phần (đầu và mình), đếm được 3 vật.

- Biết nhảy.

- Biết xin lỗi khi làm sai.

22. 4,5 tuổi

- Đóng kịch "nhập vai" giỏi hơn.

- Dùng được các câu nói phức tạp.

- Biết món gì bị mất, đếm được 4 vật.

- Biết tung trái banh.

- Có thể gọi thức ăn khi đi nhà hàng.

23. 5 tuổi

- Hiểu luật của các trò chơi.

- Định nghĩa chữ, biết tên các đồng tiền.

- Biết tên ngày trong tuần, đếm được 10 vật.

- Thảy bóng, chạy nhảy giỏi.

- Tự thay quần áo.

24. 6 tuổi

- Có "bạn thân".

- Đọc sách, truyện dành cho thiếu nhi.

- Vẽ hình nhân với đầu, cổ và tay.

- Đạp xe hai bánh.

- Tự nghĩ ra việc làm trong nhà cho mình.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, không phải tất cả trẻ đều phát triển như nhau, có trẻ hơi nhanh hơn một tí, có trẻ lại hơi chậm hơn một ít. Điều này là hoàn toàn bình thường.

Người nhà chỉ cần chú ý đến các trường hợp trẻ phát triển quá chậm, nghĩa là so với mốc tuổi của mình, bé tụt lại dưới mức đó khá xa. (từ 3 tháng trở lên, chẳng hạn bé trẻ 9 tháng tuổi chỉ làm được những việc ngang với 6 tháng tuổi), đặc biệt trong giai đoạn trước 1 tuổi. Việc đánh giá này có thể góp phần thúc đẩy gia đình đưa bé đến khám để có hướng hỗ trợ tốt hơn cho trẻ.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ