Dạy trẻ cảnh giác với những tình huống nguy hiểm
Tiếng kêu “gru gru” của mèo có thể giúp sen được “chữa lành”
Lý do bạn tăng cảm giác thèm ăn sau một đêm mất ngủ?
Nhiệt độ nước tắm bao nhiêu là phù hợp?
Nuôi con bằng sữa mẹ: Tốt cho mẹ, khỏe cho con
Trẻ em có thể đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm trong đời sống hằng ngày, không chỉ đến từ người lạ mà có thể xuất phát từ người thân quen. Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 1.000-1.800 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có đến 80% là các vụ xâm hại tình dục. Đáng chú ý, gần 60% thủ phạm là người quen hoặc người thân.
Riêng trong năm 2023, cả nước ghi nhận 2.498 vụ xâm hại trẻ em. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong năm 2024, tiếp nhận và điều trị cho 66 trẻ bị xâm hại. Trong số này, 65,1% bị xâm hại thân thể, 28,8% bị xâm hại tình dục và 6,1% bị bỏ mặc.
Trẻ nhỏ thường chưa đủ kinh nghiệm để nhận biết các dấu hiệu bất thường hay phân biệt rõ giữa người đáng tin cậy và người có hành vi không phù hợp. Một số kẻ có thể tiếp cận trẻ bằng cách tỏ ra thân thiện, tặng quà hoặc đưa ra những lời hứa hấp dẫn. Nếu không được trang bị kỹ năng nhận diện nguy cơ và phản ứng phù hợp, trẻ rất dễ bị lôi kéo vào các tình huống nguy hiểm.
Vì vậy, cha mẹ cần chủ động trang bị cho con những kiến thức và kỹ năng cơ bản để con biết cách tự bảo vệ mình. Dưới đây là 10 điều quan trọng mà cha mẹ nên dạy trẻ, giúp con chủ động ứng phó trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Bảo vệ trẻ là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội
1. Ghi nhớ thông tin quan trọng và địa điểm an toàn
Trẻ cần biết rõ địa chỉ nhà, số điện thoại của cha mẹ và cách gọi các số điện thoại khẩn cấp. Ngay cả trẻ mẫu giáo cũng có thể học thuộc những thông tin cơ bản này. Cha mẹ nên chỉ cho con các địa điểm an toàn gần nhà như trường học, trạm y tế, đồn công an, cửa hàng quen hoặc nhà người thân đáng tin cậy để trẻ biết nơi tìm sự giúp đỡ khi cần.
2. Hạn chế ở một mình, nên đi theo nhóm
Trẻ em và thanh thiếu niên nên hạn chế ra ngoài một mình, nhất là vào buổi tối hoặc khi đến nơi vắng vẻ. Khi đi học, đi chơi hoặc tham gia các hoạt động ngoài gia đình, các em nên đi cùng người lớn hoặc đi theo nhóm. Việc đi theo nhóm giúp tăng mức độ an toàn, bởi các thành viên có thể hỗ trợ, quan sát lẫn nhau và hạn chế các đối tượng có ý đồ xấu tiếp cận.
3. Lắng nghe cảm giác của chính mình
Trẻ cần được dạy rằng cảm giác bất an, lo lắng hay khó chịu là dấu hiệu cơ thể đang cảnh báo điều gì đó không ổn. Nếu cảm thấy không thoải mái trong bất kỳ tình huống nào, trẻ có quyền nói “không”, rút lui và tìm đến người đáng tin cậy.
4. Chú ý quan sát
Khi đi ngoài đường, trẻ nên tập thói quen quan sát xung quanh, tránh vừa đi vừa nhìn vào điện thoại hoặc đeo tai nghe. Nếu thấy người lạ đứng gần ô tô đang nổ máy, nên đổi hướng đi. Trong môi trường mạng, trẻ chỉ nên kết bạn với người quen biết rõ, không chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh riêng tư và không tham gia các cuộc tranh luận gay gắt.
5. Nhận diện hành vi dụ dỗ bất thường
Trẻ cần biết rằng người lớn bình thường sẽ không nhờ trẻ làm các việc như tìm thú cưng, bê đồ nặng... Đây có thể là chiêu trò dẫn dụ. Những hành vi như rủ đi nơi vắng vẻ, hứa hẹn quà cáp, khuyến khích làm điều “khác với bình thường” cũng là dấu hiệu đáng cảnh giác. Trẻ cần được dạy cách từ chối lịch sự nhưng dứt khoát, và lập tức báo cho người thân đáng tin cậy khi thấy nghi ngờ.

Cha mẹ có trách nhiệm chỉ dạy con tự bảo vệ mình
6. Luôn thông báo khi thay đổi kế hoạch
Trẻ nên báo cho cha mẹ biết rõ lịch trình: đi đâu, với ai và khi nào về. Nếu có thay đổi đột xuất, cần gọi điện hoặc nhắn tin để cập nhật lịch trình. Trẻ cũng cần xin phép cha mẹ trước khi lên xe của bất kỳ ai, kể cả người quen. Những nơi công cộng như trung tâm thương mại, công viên... không nên để trẻ lui tới một mình.
7. Tuân thủ nguyên tắc khi ở nhà một mình
Nếu trẻ đã đủ tuổi ở nhà một mình, cần đặt ra các nguyên tắc an toàn rõ ràng: quan sát xung quanh trước khi mở cửa, khóa cửa ngay sau khi vào nhà, không mở cửa cho người lạ và không nói cho bất kỳ ai biết rằng đang ở nhà một mình, trừ người trong gia đình. Trẻ cũng nên liên lạc xác nhận với cha mẹ ngay khi về đến nhà an toàn.
8. Kêu gọi sự giúp đỡ khi gặp nguy hiểm
Trong tình huống có ai đó tiếp cận bất thường hoặc cố tình lôi kéo, trẻ cần biết cách gây sự chú ý. Việc hét to “Cháu không quen người này!”, “Người này đang cố bắt cháu!” sẽ khiến người xung quanh chú ý và giúp đỡ kịp thời. Trẻ không cần giữ phép lịch sự trong những tình huống đe dọa đến an toàn cá nhân.
9. Dùng mật mã để báo hiệu khi cần
Gia đình nên thống nhất một từ khóa bí mật để trẻ sử dụng khi bị ép gọi về nhà hoặc cần cầu cứu trong tình huống không an toàn. Ví dụ, trẻ có thể nói: “Con sẽ về muộn chút, mẹ ơi, tối mình đi ăn kem nhé” – trong đó “kem” là từ báo hiệu nguy hiểm. Mật mã nên dễ nhớ, tự nhiên và không gây nghi ngờ với người bên cạnh.
10. Không giữ bí mật với cha mẹ

Trẻ không nên giữ bí mật với cha mẹ
Trẻ cần hiểu rằng nếu ai đó yêu cầu giữ bí mật, đặc biệt là về những việc khiến trẻ thấy lo lắng, sợ hãi hay không thoải mái, thì phải nói ngay với cha mẹ. Gia đình cần tạo không gian để trẻ cảm thấy an tâm chia sẻ, không lo bị trách mắng.
Cha mẹ cần đồng hành và hướng dẫn con thường xuyên
Dạy trẻ tự bảo vệ bản thân không phải việc làm một lần là đủ. Cha mẹ cần chủ động trò chuyện, giải thích và đồng hành cùng con trong từng giai đoạn phát triển. Cách tốt nhất là dạy con hiểu hậu quả của các hành vi không an toàn và rèn luyện khả năng đưa ra quyết định đúng đắn thay vì gieo rắc nỗi sợ. Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng cần biết rằng: cơ thể của mình không ai có quyền tự ý động chạm.
Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể mở rộng các chủ đề giáo dục phù hợp như rủi ro trên mạng xã hội, tác động của chất kích thích, kỹ năng thiết lập ranh giới trong mối quan hệ và cách nhận diện hành vi xâm phạm quyền riêng tư.
Quan trọng nhất, chính cha mẹ phải là người làm gương. Trẻ em sẽ học theo cách người lớn đối mặt với rủi ro, xử lý tình huống và đối xử với người xung quanh. Khi cha mẹ lắng nghe, tôn trọng và đồng hành, trẻ sẽ cảm thấy được bảo vệ, tin tưởng và đủ bản lĩnh để tự bảo vệ mình.
Bình luận của bạn