Vận động cùng con – Chìa khóa để cha mẹ thêm gắn kết với con cái

Có rất nhiều việc đơn giản bạn có thể làm để xây dựng mối quan hệ khăng khít hơn với con của mình.

Những sai lầm thường gặp trong chăm sóc và nuôi dạy con cái

6 vấn đề sức khỏe mà mẹ có thể di truyền cho con cái

Hậu quả của việc quát mắng con cái thường xuyên

Đừng để con cô độc ngay trong tổ ấm của mình vì bố mẹ nghiện smartphone

Bà Natalia Mehlman Petrzela, giáo sư lịch sử tại Đại học The New School (Mỹ) và là tác giả cuốn Fit Nation: The Gains and Pains of America's Exercise Obsession (tạm dịch: Quốc gia thể hình: Lợi ích và hệ lụy từ nỗi ám ảnh thể dục của nước Mỹ), đã phát hiện ra một điều tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả: tập thể dục cùng con là cách giúp gia đình thêm gần gũi.

“Có một nơi chốn kỳ diệu mà các con của tôi luôn cư xử dễ thương. Đó có thể là phòng gym, lối đi bộ ven sông Hudson, bãi biển Đại Tây Dương, hay chỉ là góc nhà đủ chỗ để trải vài tấm thảm yoga. Điều quan trọng là chúng tôi cùng nhau vận động.”, bà Natalia Mehlman Petrzela chia sẻ.

Không phải kỳ nghỉ xa hoa hay sự kiện lớn lao, chính những phút giây bình dị trong phòng tập đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất. Như khi cậu con trai 15 tuổi cổ vũ mẹ: "Tập trung đi mẹ, mẹ làm được mà!" trong lúc bà vật lộn với mức tạ nhẹ hơn sức của con. Hay khoảnh khắc cô con gái 13 tuổi vừa chạy xong 4km đã hét lên trong niềm phấn khích: “Sao mình thấy đã quá trời luôn vậy mẹ!”.

Những trải nghiệm ấy không chỉ xây dựng thể lực, mà còn là nơi gieo mầm sự tin tưởng, sẻ chia và vượt qua thử thách cùng nhau.

Bà Natalia Mehlman Petrzela và con trai tại một phòng gym ở Mexico trong kỳ nghỉ vào năm 2024 - Ảnh: Natalia Mehlman Petrzela.

Bà Natalia Mehlman Petrzela và con trai tại một phòng gym ở Mexico trong kỳ nghỉ vào năm 2024 - Ảnh: Natalia Mehlman Petrzela.

Một khảo sát toàn quốc tại Nhật Bản, công bố trên Journal of Affective Disorders năm 2023, cho thấy các bậc cha mẹ thường xuyên tập luyện cùng con (đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên) có mối quan hệ gần gũi và tích cực hơn đáng kể so với nhóm không tham gia vận động cùng con cái.

Không gian tập luyện chung cũng là nơi mọi thành viên trong gia đình có thể học hỏi lẫn nhau. Cha mẹ có thể không chạy nhanh bằng con, nhưng lại là người truyền cảm hứng qua sự kiên trì và kinh nghiệm. Trong môi trường đó, ai cũng có điều gì đó để trao đi và nhận lại.

Giá trị của việc vận động không nằm ở những lời răn dạy, mà thể hiện qua hành động. Khi một đứa trẻ mẫu giáo nói với em gái của mình rằng: “Bố mẹ tập gym để vui hơn mà!”, hay khi bé 6 tuổi cổ vũ: “Mẹ phải thắng nhé!” trong buổi tập chạy marathon, đó là lúc những giá trị sâu sắc nhất được truyền tải một cách tự nhiên: sự bền bỉ, tinh thần vượt lên chính mình, và niềm vui trong thử thách.

Ngoài ra, thói quen tập luyện gia đình còn bền vững hơn so với các môn thể thao mang tính tổ chức, vốn phụ thuộc vào lịch trình, đội nhóm hoặc huấn luyện viên. Một nghiên cứu công bố năm 2025 trên Journal of Human Biology cho thấy: trẻ em có thói quen vận động từ nhỏ cùng cha mẹ có khả năng duy trì lối sống năng động cao hơn khi trưởng thành.

Trong thời đại mạng xã hội ngập tràn hình mẫu cơ thể phi thực tế, việc cha mẹ đồng hành cùng con trong phòng tập mang một ý nghĩa mới. Đây là nơi cơ thể thật với vết rạn da, sẹo mổ hay cellulite (tình trạng bề mặt da xuất hiện vùng lồi lõm, sần sùi tương tự vỏ quả cam) được tôn trọng và nâng niu. Khi một đứa trẻ kể về một ông chú trông chẳng có gì đặc biệt nhưng lại chạy trên máy lâu hơn tất cả, đó là một bài học đáng giá về sự kiên trì và sức mạnh bên trong, chứ không phải vẻ ngoài.

Tập luyện cùng con không chỉ là bài thể dục cho cơ thể, mà còn là bài học cho tâm hồn. Đó là món quà vô hình nhưng vô giá mà cha mẹ có thể trao cho con cái mỗi ngày, trong từng phút giây giản dị.

 
Việt An (Theo wsj.com)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ