Bốn lần gặp Bác Hồ

Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025)

Một người Nghệ "kể chuyện Bác Hồ" bằng thơ

Kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/1955-27/2/2024

Thêm cảm phục và kính yêu Bác Hồ qua những bộ phim điện ảnh ý nghĩa!

Những ca khúc thiếu nhi đi cùng năm tháng về Bác Hồ kính yêu

Bác sỹ Nguyễn Kim Nữ Hiếu kể lại:

Nhân kỷ niệm lần thứ 135 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, tôi lại nhớ 4 lần được gặp Bác Hồ và đó cũng là một trong những động lực để tôi phấn đấu cả cuộc đời để sống, làm việc và cống hiến sao cho xứng đáng!

Lần đầu tôi được gặp Bác là vào buổi sáng năm 1946, khi gia đình tôi ra sân bay Gia Lâm để tiễn bố tôi trong Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi dự Hội nghị Fontainebleau. Năm đó tôi được 3 tuổi. Đến sân bay, khi đó bác Phạm Văn Đồng đang bế tôi thì Bác Hồ đến. Bác bế tôi từ tay bác Đồng, nhìn tôi và nói vui “Cháu sáng dậy chưa rửa mặt à?”. Có lẽ vì sáng sớm hôm đó cả nhà tưởng không được tiễn Bố, xong đột nhiên anh Chính - cháu của bố tôi (sau này là Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) mang xe đến đón cả nhà đi tiễn bố nên mẹ đánh thức tôi dậy cùng các chị ra xe để đi. Câu chuyện này đã được ghi lại trong cuốn sách “Bác Hồ với thiếu nhi”.

Lần thứ hai tuy không gặp Bác, nhưng lại là một kỷ niệm đáng nhớ suốt đời về tấm lòng của Bác. Chuyện là thế này. Năm 1949, lúc đó tôi 7 tuổi. Gia đình tôi đang ở trên Việt Bắc (Chiêm Hoá, Tuyên Quang) thì tôi bị sốt rét, ốm liên tục và bị lao xương đầu gối bên phải nên phải bó bột toàn bộ chân phải trong 2 năm. Sau khi tháo bột thì bị loét ở đùi và cẳng chân. Để chữa trị, hàng ngày tôi phải phơi nắng, bôi dầu cá nhưng chân vẫn phải kê trên máng, hơn 1 năm sau mới được tập đi. Vì vậy, bố mẹ tôi luôn buồn và lo cho tôi. Một lần họp Hội đồng Chính phủ, thấy bố tôi không được vui, Bác Hồ có hỏi và bố tôi có chia sẻ cho Bác biết do tôi bị lao xương và ốm. Từ đó trở đi mỗi lần họp Chính phủ Bác đều hỏi bố tôi “Cháu Hiếu có vui không, có hay cười đùa không?”. Khi bố tôi thưa với Bác: “Cháu độ này vui, không cáu gắt”, thì Bác vui và nói như vậy cháu đã đỡ.

Rồi cuối năm 1953, khi vừa tròn 11 tuổi, tôi được chọn đi học tại Trường Thiếu nhi Việt Nam ở Quế Lâm (Trung Quốc). Bố tôi đi họp Chính phủ đã báo cáo với Bác, Bác đưa cho bố tôi 2 món quà: một mảnh vải kaki và một lon sữa. Bác dặn bố tôi “Chú mang mảnh vải này để thím (tức là mẹ tôi) may cho cháu chiếc áo để đi học, còn hộp sữa con chim để cháu mang đi đường (vì ngày đó đi sang Trung Quốc, chúng tôi toàn đi bộ, từ Tuyên Quang lên Lạng Sơn tới cả tháng). Mẹ đã may cho tôi chiếc áo nhưng trên đường đi, tắm suối ở Thái Nguyên bị trôi mất không kịp vớt và tôi cứ tiếc mãi vật kỷ niệm của Bác, còn sữa trên đường hành quân ba đứa trạc tuổi cùng đi, chia nhau cùng ăn uống.

Lần thứ 3 tôi được gặp Bác là năm 1968, khi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai sang thăm, tôi được chọn lên Phủ Chủ tịch để đón. Trong lúc chờ đợi - do trời mưa nên máy bay chưa hạ cánh được, tôi lại được gặp Bác. Khi Bác hỏi, tôi cuống lên trả lời là “con bố Huyên” (Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên) và Bác hỏi “Cháu có phải là Hiếu không?. Ôi thật cảm động làm sao! Câu chuyện này đã được ông Vũ Kỳ - Thư ký của Bác, ghi lại trong cuốn hồi ký về Bác.

Lần thứ 4 tôi được gặp Bác là năm 1962. Khi đó, Đại hội Chuyên đề sinh viên quốc tế lần thứ 1 được tổ chức tại Câu lạc bộ Ba Đình và tôi được chụp ảnh cùng Bác. Khi đó tôi đang là sinh viên Trường Đại học Y Dược Hà Nội.

Những câu chuyện nhỏ của Đại tá - Bác sỹ Nguyễn Kim Nữ Hiếu là minh chứng cho phong cách sống giản dị, chân thành của một nhân cách cao đẹp - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

 
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ