Bộ Y tế đưa ra chủ đề Đoàn kết - Chung sức - Đồng lòng cho toàn ngành trong năm 2024 (Nguồn: Bộ Y tế)
Y tế tuần: 93 ngày hồi sinh bé gái sinh non chỉ nặng 550gr
Gợi ý 7 mâm cơm tối bữa nào cũng ngon và dễ chế biến
Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Nagoya hợp tác nghiên cứu về ung thư
Dòng chảy Sức khỏe+: Việt Nam đặt mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030
Ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc Việt Nam, cách đây 69 năm, vào ngày 27/02/1955, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã viết thư gửi đến Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc. Trong thư Bác đã ân cần thăm hỏi, dành sự quan tâm đặc biệt đối với cán bộ y tế, đồng thời Bác cũng đã căn dặn: “Phải thương yêu người bệnh; người bệnh phó thác tính mạng của họ với các cô, các chú; Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ của Đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ y tế cần phải thương yêu chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình; coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn; lương y phải như từ mẫu". Sau gần 7 thập niên, những lời căn dặn ân cần đó vẫn còn vang vọng và thấm sâu trong tâm trí của những người thầy thuốc Việt Nam.
Năm nay, toàn thể cán bộ nhân viên ngành y tế kỷ niệm Ngày truyền thống 27/2 trong điều kiện thật đặc biệt. Có thể nói năm 2023 vừa qua là năm “hồi sức tích cực” của toàn ngành y tế Việt Nam. Trong những năm đại dịch COVID-19 (2020-2023), đa số cán bộ, nhân viên ngành y tế đã thực hiện được những lời dạy quý báu của Bác Hồ kính yêu, đã vượt qua được cuộc khủng hoảng về y tế lớn chưa từng thấy ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu, bảo vệ sức khỏe nhân dân và góp phần quan trọng vào việc phục hồi sự tăng trưởng nền kinh tế của đất nước. Tiếc thay bên cạnh đó, hệ thống y tế cũng bộc lộ những yếu kém trong bối cảnh “cực đoan” của đại dịch và sự tổn thất, mất mát một số cán bộ… không phải vì virus SARS-CoV2 mà vì những loại “virus” độc hại khác.
Năm 2023, cùng với sự đẩy lùi và chặn đứng được dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn, khắc phục yếu kém nhằm phục hồi và phát triển mạnh mẽ ngành y tế. Ban Bí thư, Quốc hội đã ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 về “Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, cùng với Chỉ thị 25-CT/TW đã mở ra định hướng phát triển mới cho y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ngày 09/1/2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Khóa XV, Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Luật Khám bệnh, chữa bệnh được xây dựng trên nguyên tắc “lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Lần đầu tiên nước ta áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và hội nhập quốc tế. Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách của Nhà nước, về một số thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa tối đa các trình tự, quy trình, thủ tục, hồ sơ; giảm thời gian xem xét để cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động… nhằm tạo điều kiện cho người bệnh, người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình hoạt động.
Bộ Y tế cũng đã tham mưu, xây dựng nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, vắc xin, tháo gỡ cơ chế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, cơ chế cấp và gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc và vaccine… Nhiều đột phá trong phẫu thuật, điều trị, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Năm 2023 cũng là năm ghi nhiều dấu ấn của ngành y tế trong việc phục vụ các sự kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, trong công tác khám, chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch và thường trực cấp cứu của ngành Y tế. Công tác khám bệnh, chữa bệnh đã hồi phục sau hơn 3 năm phòng chống dịch COVID-19. Năm 2023, số lượt khám bệnh ngoại trú và nội trú đều tăng tại các bệnh viện, một số bệnh viện có số lượng tăng hơn trên 50% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ người bệnh hài lòng đạt trên 90%...
Riêng đối với ngành Dược, ngày 9/10/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu chung: “Phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý; nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của WHO; phát triển dược liệu, thuốc và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu làm thuốc; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc”. Bộ Y tế cũng đang khẩn trương dự thảo “Luật sửa đổi một số điều của Luật Dược số 105/2016/QH13” để trình Quốc Hội Khóa XV trong năm 2024, nhằm luật hóa một số chủ trương, chính sách về lĩnh vực dược cho phù hợp với tình hình mới trong nước và quốc tế, tạo điều kiện phát triển lĩnh vực dược nói chung và công nghiệp dược nói riêng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới.
Có thể nói, sau đại dịch COVID-19 với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự tận tâm hy sinh, cống hiến của cán bộ nhân viên thực hiện lời dạy của Bác Hồ… toàn ngành y tế đã được “hồi sức tích cực” và hứa hẹn có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc trong những năm sắp tới đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước, kỳ vọng của nhân dân và bạn bè quốc tế.
Bình luận của bạn