Làn sóng COVID-19 mới đang lan ra nhiều nước Châu Á

Làn sóng COVID-19 mới đang lan nhanh tại nhiều các quốc gia Châu Á, nguy cơ dịch bùng phát trở lại.

COVID-19 bất ngờ tăng trở lại, Bộ Y tế ra công văn khẩn

Mỹ chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia do dịch COVID-19

"Manh mối" mới về nguồn gốc của đại dịch COVID-19

Cảnh báo gia tăng các bệnh nhiễm trùng khó điều trị sau đại dịch COVID-19

Theo Bloomberg, số ca mắc COVID-19 ở Singapore đã tăng gấp đôi trong tuần cuối cùng của tháng 3, mức cao nhất trong năm nay. Ấn Độ đã báo cáo số ca nhiễm trong một ngày lớn nhất kể từ cuối tháng 8/2022, trong khi số ca nhiễm hàng ngày của Indonesia gần mức cao nhất trong 4 tháng và Việt Nam đang tăng cường các biện pháp phòng chống COVID-19 khi số ca nhiễm bất ngờ tăng trở lại.

Số ca mắc COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng, các quốc gia Châu Á cho rằng làn sóng mới là do sự kết hợp của các biến thể phụ XBB - chủng Omicron có khả năng lây truyền cao nhưng cho đến nay vẫn chưa gây bệnh nghiêm trọng trên diện rộng.

Hầu hết người dân trong khu vực đã được tiêm phòng vaccine COVID-19 hoặc từng mắc COVID-19. Chính phủ các nước cũng khuyến cáo rằng, thỉnh thoảng có khả năng sẽ xảy ra những đợt lây nhiễm mới sau khi khu vực dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa và chuyển hướng sang chung sống với COVID-19.  

Tại Singapore, quốc gia đã bỏ hầu hết các quy định phòng dịch bao gồm cả đeo khẩu trang vào tháng 2 khi mối đe dọa từ COVID-19 đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, cuối tháng 3 vừa qua, số ca mắc hàng tuần ở nước này đã lên tới 28.000 ca, tăng so với 14.467 ca ghi nhận một tuần trước đó.

Ấn Độ, nơi hứng chịu "thảm họa" COVID-19 vào năm 2021 khiến nhiều bệnh viện "quá tải" giường bệnh và cạn kiệt oxy y tế, đã báo cáo hơn 10.150 ca nhiễm mới vào ngày 13/4, cao nhất trong hơn 7 tháng qua. Phần lớn các ca mắc mới ở Ấn Độ là do nhiễm biến thể XBB.1.16 – được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một biến thể phổ biến đang lưu hành trong một vài tháng gần đây. WHO cũng đang giám sát biến chủng này. 

Dù chưa ghi nhận số người nhập viện tăng tại các bệnh viện và phòng khám nhưng Ấn Độ đã tổ chức diễn tập trong tuần này để kiểm tra khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh đồng thời áp đặt quy định mới về đeo khẩu trang. Đây cũng là lần đầu tiên các quy định về khẩu trang được áp dụng kể từ tháng 3/2022 và chúng đã khiến dư luận nước này lo ngại.

COVID-19 cũng đã tăng lên ở Indonesia trong những tháng gần đây khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, với số ca nhiễm hàng ngày lên tới 987 ca vào hôm 12/4. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi người dân đi tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 dù tin tưởng vào mức độ miễn dịch cao ở trong nước có nghĩa là tình hình của Indonesia “vẫn được kiểm soát tốt”.

Trong khi đó, Bộ Y tế Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa mới tại trường học và giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu để phát hiện các ca bệnh và ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng sau khi ghi nhận 639 ca mắc mới trong 7 ngày qua, tăng gần gấp 4 lần so với một tuần trước đó. Còn tại Philippines, các ca mắc COVID-19 đã ổn định kể từ tháng 2/2023 và chỉ có 1 ca tử vong do COVID-19 trong tháng 3.

"Thủ phạm" là biến thể XBB.1.16

Trước sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19, lần đầu tiên những quy định về khẩu trang ở Ấn Độ được áp dụng lại kể từ tháng 3/2022 - Ảnh: AP

Trước sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19, lần đầu tiên những quy định về khẩu trang ở Ấn Độ được áp dụng lại kể từ tháng 3/2022 - Ảnh: AP

Theo các số liệu ghi nhận tại Ấn Độ những ngày qua, thì cứ 4-5 ngày số ca nhiễm mới tính theo ngày lại tăng gấp đôi. Giới chức Ấn Độ giữ một thái độ khá thận trọng trong đợt bùng phát dịch lần này là vì vậy. Biến chủng phụ của Omicron, XBB.1.16 được cho là "thủ phạm" của đợt bùng phát lần này.

Tuy nhiên Hiệp hội Y khoa Ấn Độ mới đây cũng đã ra một tuyên bố cho rằng người dân cần cảnh giác chứ không nên sợ hãi. Bởi cho tới lúc này, XBB.1.16 vẫn chưa cho thấy có sự gia tăng đột biến nào về độc lực. Tỉ lệ hồi phục của các bệnh nhân hiện vẫn là gần 99%. Các viêm nhiễm mà XBB.1.16 gây ra vẫn chủ yếu ở hệ hô hấp trên, chứ không tấn công nhiều vào phổi. Có điều phải cẩn trọng là vì độc lực của XBB.1.16 dù không cao nhưng vẫn được xác định là nguy hiểm đối với người trên 60 tuổi hay người suy giảm hệ thống miễn dịch.

Điều mà Ấn Độ cảm thấy lo lắng trong đợt bùng phát dịch lần này là việc người dân thờ ơ với COVID-19 quá sớm. Nhiều người bị ho, sốt, cảm nhận mình có các triệu chứng của COVID-19 khá rõ ràng, tuy nhiên giờ đây họ không chịu xét nghiệm nữa và cũng không còn ý thức tự cách ly. Công tác truy vết và đánh giá về mức độ bùng phát của dịch lần này tại Ấn Độ vì thế khó khăn hơn nhiều. Thực tế thì XBB.1.16 được xác định đã lây nhiễm trong cộng đồng tại Ấn Độ thì vài tháng qua, nhưng tỷ lệ nhập viện không cao.

Ông Mansukh Mandaviya, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ tuyên bố cần cảnh giác trước biến thể này, nhưng không cần phải lo lắng. "Hiện tại, biến thể phụ của Omicron đang lây truyền trong nước, nhưng không dẫn đến gia tăng tỷ lệ nhập viện", ông Mandaviya nói.

XBB.1.16 được phát hiện lần đầu vào cuối tháng 1 năm nay. WHO cho biết XBB.1.16 đã xuất hiện tại khoảng 20 quốc gia, nhưng phần lớn mẫu bệnh phẩm của XBB.1.16 được thu thập tại Ấn Độ.

Các triệu chứng của XBB.1.16 được cho là giống với các biến thể trước đó, bao gồm sốt, khó thở và ho.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Bloomberg)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn