Lắng nghe với tâm từ bi làm vơi bớt khổ đau

Giận là một cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đưa ra những gợi ý rất dễ thực hành để mỗi người đều có thể bước ra khỏi sân hận, sống tốt hơn, thực hành tâm từ bi tốt hơn.

Buông thư toàn thân, giải tỏa sân hận, giận dữ

Ngủ không đủ giấc ảnh hưởng thế nào đến thị lực?

Thói quen ăn uống tốt cho người bệnh tim trong mùa Đông

Căng thẳng do đại dịch khiến não bộ của thanh thiếu niên bị lão hóa sớm

Trích: Giận - Thích Nhất Hạnh

Có một vị Bồ tát có khả năng lắng nghe với tâm từ bi rộng lớn, đó là Bồ tát Quán Thế Âm. Chúng ta phải thực hành lắng nghe sâu như Ngài mới có thể hướng dẫn một cách cụ thể khi một người đầy sân hận tìm đến xin giúp đỡ để tái lập truyền thông.

Lắng nghe với tâm từ bi có thể làm người khác bớt khổ. Tuy nhiên, mặc dầu có nhiều thiện chí, ta cũng khó lắng nghe một cách sâu sắc nếu không thực tập lắng nghe với tâm từ bi. Nếu có thể ngồi yên và lắng nghe người ấy với tâm từ bi chỉ trong một giờ thì ta có thể làm vơi bớt đau khổ của người ấy rất nhiều. Ta lắng nghe với một mục đích duy nhất là để cho người kia có cơ hội giãi bày tâm tư và nguôi bớt đau khổ.

Phải lắng nghe thật chăm chú. Phải lắng nghe với tai, với mắt, với cả thể xác lẫn tâm hồn. Nếu ta chỉ giả vờ lắng nghe, nếu ta không lắng nghe hết mình, thì người kia sẽ nhận ra ngay và khó mà với bớt đau khổ. Phải luôn luôn giữ tâm từ bi trong khi lắng nghe. Muốn vậy, trong khi lắng nghe ta phải theo dõi hơi thở chánh niệm và duy trì ý hướng muốn giúp người kia.

Lắng nghe với tâm từ bi là một phép màu thực tập rất sâu sắc. Ta lắng nghe mà không phán xét, không trách móc. Ta lắng nghe chỉ vì ta muốn giúp người kia vơi bớt đau khổ. Người kia có thể là cha, là mẹ, là con trai, con gái, là vợ hay chồng của ta. Thực tập lắng nghe sâu sắc chắc chắn có thể giúp người khác chuyển hóa sân hận và khổ đau của họ.

Empty

Tôi có biết một thiếu phụ theo đạo Cơ đốc. Bà ta đã rất đau khổ vì hai vợ chồng sống với nhau không được hòa thuận. Cả hai đều có học thức và đều có bằng tiến sỹ, nhưng người chồng luôn gây gổ với vợ con. Ông không bao giờ có thể nói chuyện với vợ con. Trong gia đình, ai cũng né tránh ông vì khi nào ông cũng như quả bom sắp nổ. Tâm sân hận của ông rất lớn. Ông nghĩ rằng vợ con của ông khinh khi ông, bởi vì không ai muốn đến gần ông. Thực ra thì vợ ông và các con ông đâu có khinh ông, họ chỉ sợ ông thôi, họ sợ khi đến gần ông rồi, ông nổi cơn tam bành lên thì nguy.

Rồi một ngày kia, người vợ có ý định tự tử. Nhưng trước khi thực hành ý định, bà gọi điện cho một bà bạn thổ lộ tâm tình. Bà bạn là một Phật tử có tu tập, trước đây đã từng mời bà tham dự tập thiền, những mong bà bớt khổ đau nhưng bà luôn từ chối, viện lý một tín đồ đạo Cơ đốc như bà không thể tu theo đạo Phật.

Chiều hôm đó, người bạn Phật tử đã nói với bạn mình qua điện thoại, "Chị nói chị là bạn của tôi mà nay chị muốn chết. Vậy thì trước khi chị thực hiện ý định, tôi chỉ xin chị một điều, đó là mời chị nghe một bài pháp thoại của thầy tôi mà chị từng từ chối. Nếu chị là bạn của tôi, bây giờ, xin chị hãy đi taxi đến đây và cùng nghe bài pháp thoại này, sau đó chị muốn gì tùy chị."

Khi bà đến, người bạn Phật tử để bà ngồi một mình trong phòng khách nghe bài pháp thoại về Nghệ thuật tái lập truyền thông. Suốt một giờ đồng hồ nghe pháp thoại, bà đã chuyển hóa sâu sắc. Bà đã khám phá ra được nhiều điều. Bà đã ý thức được rằng chính bà có trách nhiệm phần nào trong nỗi đau khổ của bà và bà đã làm cho chồng đau khổ như thế nào. Bà ý thức được rằng bà đã không giúp ích gì cho ông. Vì né tránh ông mà bà làm ông thêm đau khổ. Qua bài pháp thoại, bà đã hiểu rằng muốn giúp chồng thì bà phải lắng nghe với tâm từ bi, điều mà nhiều năm qua bà không làm được.

Sau khi nghe pháp thoại, bà đã rất náo nức. Bà muốn về nhà để giúp chồng như bà bạn Phật tử nói: "Không được đâu chị. Chị không nên làm việc đó ngay hôm nay vì pháp môn lắng nghe là một pháp môn rất sâu. Chị phải thực tập ít nhất một hay hai tuần lễ để có thể lắng nghe sâu sắc." và bà này đã mời bà bạn của mình tham dự một khóa tu.

Trong khóa tu có hơn 400 người tham dự, cùng ăn, cùng ở, cùng thực tập trong 6 ngày. Trong 6 ngày đó, tất cả mọi người cùng thực tập hơi thở chánh niệm để đem thân tâm về một. Tất cả mọi người cùng thực tập đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm, để hết tâm ý vào mỗi bước chân, mỗi cử chỉ, đồng thời quán chiếu và ôm ấp tâm tư cũng như đau khổ của chính mình.

Họ không những chỉ nghe pháp thoại mà còn thực tập lắng nghe nhau để tìm hiểu niềm đau, nỗi khổ của người kia, và họ chỉ nói với nhau những lời nói dịu dàng dễ thương (ái ngữ). Người phụ nữ theo đạo Cơ đốc đã thực tập hết lòng bởi đối với bà ấy đây là vấn đề sống chết.

Empty

Sau khóa tu, bà về nhà, bà rất bình tĩnh, lòng tràn ngập yêu thương. Bà quyết tâm muốn giúp chồng gỡ trái bom ra khỏi tim. Bà đi đứng chậm rãi, theo dõi hơi thở để thêm bình tĩnh và nuôi dưỡng tâm từ bi. Chồng bà đã cảm nhận được sự khác lạ nơi bà khi thấy bà đi đứng chánh niệm như vậy. Rồi tối hôm ấy, bà đến gần và ngồi bên cạnh chồng. Đây là điều mà bà không bao giờ làm được trong 5 năm qua.

Bà ngồi yên khá lâu, có lẽ gần 10 phút, sau đó bà đặt nhẹ bàn tay lên tay chồng và nói, "Anh ơi, em biết trong 5 năm qua anh đã đau khổ rất nhiều, em nay rất thông cảm. Em biết em là một phần lớn nguyên nhân làm anh đau khổ. Em đã không an ủi anh mà còn làm anh khổ thêm. Em đã làm rất nhiều lầm lỗi. Em rất ân hận. Em xin anh cho em một cơ hội để làm mới lại. Em muốn anh được hạnh phúc, nhưng em đã không biết phải làm thế nào mà còn làm cho tình trạng ngày càng tệ đi. Em không muốn tình trạng này kéo dài mãi. Xin anh giúp em. Em cần anh giúp em để em có thể hiểu anh hơn và thương anh hơn. Anh nói cho em nghe những lời tâm tư sâu kín trong tim anh đi. Em biết anh đã rất đau khổ. Xin anh cho em biết những niềm đau nỗi khổ của anh để em không còn tạo thêm đau khổ cho anh như trong quá khứ. Không có anh giúp em thì em không làm được. Em chỉ muốn thương yêu anh mà thôi." Khi bà nói vậy, chồng bà đã khóc, khóc như một đứa trẻ.

Đã từ lâu vợ ông luôn chua cay với ông. Bà chỉ to tiếng, nói lời giận dữ, cay đắng, trách móc, phê phán. Cả hai vợ chồng chỉ biết gây gổ với nhau. Đã bao năm qua, có khi nào mà bà nói được với ông những lời yêu thương, ngọt ngào như ngày hôm nay. Khi thấy chồng khóc, bà cảm thấy tình thế đã có phần hy vọng. Cánh cửa trái tim của chồng bà lâu nay khép kín đã bắt đầu hé mở. Bà biết lúc này bà phải cẩn thận, và bà đã tiếp tục thực tập hơi thở chánh niệm và nói, "Anh ơi, anh nói ra tất cả những gì sâu kín trong tim anh cho em nghe đi. Em muốn cư xử với anh hay hơn. Em không muốn tạo thêm lỗi lầm gì nữa."

Bà vợ là một người trí thức, cả 2 đều là tiến sỹ nhưng cả 2 đã đau khổ vì không biết thực tập lắng nghe với tâm từ bi. Nhưng ngày hôm đó, người vợ đã thực tập lắng nghe với tâm từ bi rất thành công. Lắng nghe với tâm từ bi đã có một tác dụng chữa trị màu nhiệm cho cả hai. Chỉ vài giờ đồng hồ sau, hai vợ chồng làm hòa được với nhau.

 
PV (lược trích)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức