Mầm bệnh từ những đặc sản núi rừng "thơm" mùi hóa chất

Măng chua trắng đẹp nhờ chất tẩy gỉ sắt

Công an tỉnh Tây Ninh vừa phát hiện khoảng 70 tấn măng tươi được tẩy trắng bằng acid oxalic. Đây là loại hóa chất cực độc dùng để "nhả sét" cho sắt, tẩy trắng gỗ và bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Cơ sở bị phát hiện tại ấp Suối Muồng, xã Thái Bình, huyện Châu Thành do ông Nguyễn Văn Lâm làm chủ. Theo cơ quan điều tra, sau khi tẩy trắng bằng hóa chất nói trên, ông Lâm chế biến thành măng chua và đựng trong hũ. Sản phẩm này không có nhãn mác và được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành.


Chỉ cần thêm chút hóa chất, măng để vài tháng vẫn tươi ngon

Đã có khoảng 30 tấn măng ngậm hóa chất độc hại từ cơ sở của ông Lâm được tuồn ra thị trường. Điều đáng nói, số măng tại cơ sở của ông Lâm thu gom từ các nguồn cho đến khi bán là hơn 6 tháng nhưng măng vẫn đẹp và không bị hư.

Măng khô tẩm đầy lưu huỳnh

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã bắt và thu giữ nhiều khối lượng măng khô có chứa hàm lượng lưu huỳnh. Đây là hóa chất độc hại, không được phép sử dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Hàm lượng lưu huỳnh có trong các sản phẩm măng thu được vượt gấp hàng trăm lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, bằng mắt thường không thể phát hiện được loại măng nào có chất độc.

Nhiều người bán hàng khẳng định: Không sấy khô, chống ẩm mốc bằng lưu huỳnh thì không thể thành măng có màu vàng tươi, đẹp mắt. Măng tẩm lưu huỳnh chỉ cần gói kín thì yên tâm để cả năm không hỏng.


Măng khô thì ngậm đầy lưu huỳnh

Hóa chất biến măng thối thành tươi ngon

Để măng tươi có màu vàng, có độ giòn, bảo quản lâu ngày mà không bị mốc, người ta đã sử dụng hóa chất ngâm, tẩy một thời gian rồi mới đưa ra thị trường. Theo đúng quy trình, măng tươi sau khi thu hoạch sẽ được luộc kỹ qua nhiều lần nước, lửa phải đều và ngâm khoảng 2 ngày thì mới mềm, ngon, ngọt và hết đắng. Để giảm chi phí, nhiều người buôn măng đã sử dụng một loại hóa chất giúp măng ngon, giòn mềm, có thể để hai năm mà không thối. Loại hóa chất này còn có tính năng làm trắng, biến măng thâm đen, cũ mốc thành măng trắng mởn chỉ sau một giờ. Muốn măng càng trắng và mềm thì bỏ nhiều hóa chất hơn.

Một số tiểu thương buôn măng tươi cho biết, cách dễ nhất để nhận biết măng ngâm hóa chất là măng có màu trắng nhợt nhạt hoặc vàng sẫm do được ngâm với bột măng. Còn măng tươi tự nhiên thường có màu vàng tươi nhạt, có thể bẻ gãy được, măng còn lưu giữ mùi thơm đặc trưng. Măng ngâm hóa chất nhìn đẹp mắt, vị ngọt, ngon và giòn hơn măng tự nhiên.

Phẩm màu công nghiệp chế biến măng le

Vì lợi nhuận, nhiều cửa hàng kinh doanh măng tươi còn dùng cả chất phẩm màu để nhuộm măng có màu vàng hấp dẫn, thậm chí cho thêm đường hóa học để măng ngọt, mềm.


Măng ngâm hóa chất gây hại cho người tiêu dùng

Theo chủ một cơ sở sơ chế măng, để chế biến măng le luộc, trước hết phải luộc thật chín rồi ngâm nước lạnh một đêm thì măng sẽ chua tự nhiên. Nhưng làm như thế thường có màu vàng nhạt hoặc hơi nâu, không "bắt mắt" người sử dụng. Vì vậy, các cơ sở sản xuất thường pha thêm phẩm màu công nghiệp rẻ tiền khi ngâm để măng có màu vàng tươi, đẹp mắt.
thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn