Hình ảnh dễ thương của chú mèo ngủ trên ngực chủ - Ảnh: Minh Họa
Kỷ niệm 21 năm ngày mất nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (1/4/2022): … Mang đến tương lai
10 ca khúc quốc tế được nghe nhiều nhất mỗi dịp năm mới
Nhìn lại 2022 qua 10 sự kiện y tế đáng chú ý trong nước
Mèo vốn là một trong những vật nuôi hết sức gần gũi trong mỗi gia đình, ở nông thôn cũng như thành phố, tất nhiên kể cả gia đình các nhà văn, nhà thơ. Không biết từ lúc nào, con mèo với tiếng “meo meo” gần gũi ấy đã đi vào văn chương thông qua vô vàn dụng ý nghệ thuật khác nhau, mang lại nhiều xúc cảm thẫm mỹ trong lòng bạn đọc gần xa.
Nhiều người yêu văn chương từng biết việc gia đình cặp nhà văn - nhà thơ nổi tiếng Vũ Thị Thường - Chế Lan Viên hồi còn ở 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) là nơi “lúc nào cũng nuôi mèo, đơn giản là ghét chuột”. Và những con mèo tam thể được nuôi nấng, chăm chút ấy không chỉ chong mắt trong đêm rình đuổi lũ chuột đói, liều lĩnh, ngày meo meo quờ móng thân thiện với chủ nhà, mà còn tự nhiên đi vào thơ ca, nhất là trong thơ của cô gái mang tên một loài chim có tiếng hót rất hay: Phan Thị Vàng Anh. Đó là bài thơ của nhà thơ mới lên 7 khiến ai ai đọc lên cũng giật thột, bất ngờ và thú vị: “Mèo con đi học”: “Hôm nay trời nắng chang chang/ Mèo con đi học chẳng mang thứ gì/ Chỉ mang một cái bút chì/Và mang một mẩu bánh mỳ con con” (1975).
Đó thực sự là những câu thơ mang niềm cảm hứng tự nhiên, ngây thơ mà không kém phần ngộ nghĩnh, trẻ thơ kiểu vừa mới nhất quyết “không mang thứ gì” nhưng ngay sau đó đã “mang một cái bút chì”, lại còn thêm cả “một mẩu bánh mì con con”, toàn những thứ gắn bó thân thiết với chuyện “đi học” của mèo con, hay đúng ra là của bé con mỗi ngày.
Người đam mê văn chương biết Phan Thị Vàng Anh vốn viết ít, nhưng đáng chú ý là qua thời “Mèo con đi học” đến thời Gửi VB – tập thơ được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2007, các con vật nuôi thân thiết và nhất là mèo vẫn tiếp tục xuất hiện trong thơ chị, nhưng với một tâm thế khác, lý tính hơn, dồn nén cảm xúc, đúng chất truyền thống sáng tạo hơn “Dậy sớm/ Từ lúc 4 giờ sáng/ Nhạc mở thế nào cũng là to/ Mới biết lũ chó không hề ngủ/ Hớn hở đi theo chủ thành đàn/ Và hai con mèo/ Vắng mặt/ Không lý do (7/2001). Và thơ về vẽ tranh “Dùng màu nóng tô cho thịt lạnh/ Mèo-hàng xóm, còn chim là bạn/ Làm sao vẽ được một con mèo/ Đứng hai chân mà vẫn giống bốn chân” (2003).
Ấy là chuyện mèo liên quan tới một nhà thơ nữ, trẻ. Còn mới đây, Anh Ngọc, nhà thơ từng viết “Buổi chiều nhân thế”, từng gây xao động với “Thị Mầu”… lại có dịp dãi bày thêm nhiều điều với bạn đọc gần xa, với những người mê đắm thơ ông, trong đó có tôi, chuyện thơ cũng liên quan đến mèo. Đó là những câu chuyện thi vị liên quan đến bài thơ rất hay “Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi”, được ông lấy tên cho tập thơ xuất bản năm 1997 và bài thơ vừa được chọn in trong sách Ngữ văn lớp 7, tập 2 (Bộ “Chân trời sáng tạo”, NXB Giáo dục Việt Nam).
Nhà thơ quê Nghi Trung - Nghi Lộc đang sinh sống ở Thủ đô kể: Đó là một câu chuyện có thật của chính gia đình ông. Trong một căn nhà nhỏ ở phố Thụy Khuê, Hà Nội, ông có xin được một con mèo từ gia đình nhà thơ đồng đội Vũ Cao, đặt tên nó là “Mi”. Con mèo rất thích ngủ ấm và rất khôn. Một buổi trưa mùa đông rét mướt, nhà thơ đang nằm ngủ, “Mi” yêu thương bỗng tìm cách bò lên nằm khoanh tròn trên ngực của một trái tim thơ nồng nàn luôn căng nhịp đập tìm kiếm, sáng tạo. Nhà thơ tưởng tượng ra con mèo bé nhỏ, xinh xắn, đáng yêu, lại ngây thơ tin cậy lúc đó không khác gì một bé con nằm trong lòng bố mẹ. Bài thơ ra đời, toàn bài như sau:
Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi
Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi
Dưới con mèo trái tim tôi đang đập
Tôi nằm nghe nhịp nhàng thánh thót
Trái tim tôi hòa nhập trái tim mèo
Khép lại rồi đôi mắt biếc trong veo
Khép lại rồi hàm răng dài nhọn hoắt
Nỗi kinh hoàng của bầy chuột nhắt
Khép lại rồi móng vuốt của đêm đen
Giờ nằm đây trong giấc mơ bình yên
Như đứa trẻ giữa vòng tay ấp ủ
Trên ngực tôi một con mèo nằm ngủ
Trưa mùa đông nằng nặng đám mây chì
Trái tim tôi trong một phút bỗng mềm đi
Một nỗi gì lâng lâng như hạnh phúc
Được âu yếm, được vuốt ve, đùm bọc
Được âm thầm cất tiếng ca ru
Ngủ đi, ngủ đi đôi tai vểnh ngây thơ
Ngủ đi, ngủ đi cái đuôi dài bướng bỉnh
Ngủ đi, ngủ đi con hổ con kiêu hãnh
Hàng ria mép ngang tàng, đôi mắt biếc trong veo
Tôi nằm nghe trái tim mình ca hát
Trên ngực tôi nằm ngủ một con mèo
(1992)
Nhà thơ Anh Ngọc khẳng định “Nội hàm cũng như thông điệp của bài thơ này gói gọn trong một, hai câu, ấy là vẻ đẹp của tình yêu thương cuộc sống, yêu thương con người, nói rộng ra là yêu thương môi trường sống của chúng ta. Sự ấm áp và hạnh phúc khi con người yêu thương mọi biểu hiện của sự sống dưới mọi dáng vẻ, từ một con vật, một cái cây, một bông hoa, một ngọn cỏ - chính tình yêu thương mọi biểu hiện của sự sống ấy mang lại hạnh phúc cho chính chúng ta”.
Thiết tưởng, không cần nói gì thêm khi ai ai cũng hiểu hết, hiểu trọn thông điệp yêu thương từ những câu chuyện “Mèo con đi học và… ngủ trên ngực tôi” vô cùng thi vị và sâu sắc này, không chỉ trong sách giáo khoa mà trong cả cuộc sống ngày ngày...
Bình luận của bạn