Năm 2022, ngành y tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về dịch bệnh cũng như những vấn đề liên quan. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Chính phủ, ngành đã vượt lên tất cả những khó khăn ấy để đạt được nhiều thành tựu, chính sách mới, góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cùng điểm lại 10 sự kiện đáng chú ý năm qua.
1. "Đại án" Việt Á
Thách thức lớn nhất trong năm 2022 với ngành y tế là vụ án Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á cấu kết thổi giá kit xét nghiệm COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Điều này đã khiến công tác phát hiện, ngăn dịch lây lan và điều trị cho người bệnh của lực lượng y tế càng gặp nhiều khó khăn.
Bắt đầu từ tháng 12/2021, đến tháng 10/2022, Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố, bắt tạm giam gần 100 người, trong đó có nhiều lãnh đạo trong ngành y tế tại các địa phương, vì làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước; Ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm COVID-19 cho 62 tỉnh, thành phố, nhưng đã câu kết với nhiều lãnh đạo CDC địa phương để "thổi giá" kit xét nghiệm, thu lợi gần 4.000 tỷ đồng.
2. Trở về "bình thường mới" với V2K
Chiến dịch vaccine hiệu quả cùng ý thức phòng, chống dịch tốt đã giúp Việt Nam vượt qua làn sóng dịch Omicron và dần tiến tới kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công với gần 266 triệu liều vaccine, gần 100% người từ 12 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi cơ bản. Độ tuổi tiêm chủng cũng được mở rộng tới nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công với gần 265,5 triệu liều. Gần 100% người từ 12 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi cơ bản, tỷ lệ bao phủ vaccine ở trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt gần 93%. Đặc biệt, tỷ lệ phản ứng sau tiêm của Việt Nam thấp hơn thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới và nhà sản xuất.
Để điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh, nhằm tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từng bước ổn định đời sống nhân dân nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Bộ Y tế đã đưa ra thông điệp V2K, tức "vaccine, khẩu trang, khử khuẩn". Các biện pháp "khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế toàn dân" tại thời điểm này không còn phù hợp.
Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch, kết hợp "thuốc, điều trị, công nghệ, ý thức người dân" và các biện pháp khác.
3. Tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu trang thiết bị y tế
Ngày 6/12, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BYT bãi bỏ một số quy định gây khó trong đấu thầu trang thiết bị y tế. Cụ thể, các đơn vị khi tham gia đấu thầu sẽ không cần tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước.
Điều chỉnh này nhận được sự đồng thuận của các đơn vị mua sắm cho ngành y tế, sở y tế và cơ sở y tế. Trước đó, nhiều gói thầu không có nhà thầu tham dự, dẫn đến tình trạng thiếu trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập.
4. Xác lập kỷ lục ghép tim trong thời gian nhanh nhất
Tháng 5/2022, Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thành công ca ghép tim từ người hiến tạng chết não. Đây là ca ghép tim xuyên Việt đặc biệt, xác lập cùng lúc 2 kỷ lục trong lĩnh vực ghép tạng: Thời gian từ khi lấy tim xuyên Việt đến khi tim đập lại ngắn nhất và thời gian mổ cũng ngắn nhất.
Người được ghép tim là bệnh nhân 37 tuổi, bị suy tim giai đoạn cuối. Quả tim được lấy từ người hiến tạng chết não tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), vận chuyển đến Huế an toàn. Chỉ sau 1 giờ 20 phút phẫu thuật, tim đã đập lại trong lồng ngực người nhận tạng.
5. Ca ghép phổi thành công toàn diện đầu tiên
Năm 2022 cũng ghi nhận ca ghép phổi thành công toàn diện đầu tiên tại Việt Nam. Ca ghép do Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện 2 năm trước.
Đến nay, các chỉ số đánh giá chức năng hô hấp của người bệnh như người bình thường. Bệnh nhân được thực hiện theo một quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế giống như những bệnh nhân ghép phổi tại Trung tâm Ghép phổi UCSF - một trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất ở Mỹ.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, ghép phổi là một trong những kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng. Ca ghép phổi này là thành công rất lớn, không chỉ đem đến cho thầy thuốc niềm cảm hứng chinh phục đỉnh cao khoa học, mà còn đem lại cho người bệnh niềm tin, hy vọng về những ca ghép phổi thành công tiếp theo.
6. Nuôi dưỡng thành công cặp song sinh non tháng nặng 500gr
Đầu tháng 10, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thông tin, cặp song sinh chào đời khi mới gần 25 tuần tuổi đã được xuất viện, trở về cuộc sống bình thường sau 4,5 tháng chăm sóc, điều trị. Đây là cặp song sinh non tháng, nhẹ cân nhất được nuôi dưỡng thành công tại bệnh viện.
Hai bé chào đời với cân nặng chỉ 500gr, phải thở máy hàng chục ngày và đối mặt với rất nhiều nguy cơ như: Ngạt, suy hô hấp, hạ thân nhiệt, xuất huyết não, phổi và nhiễm trùng sơ sinh. Các bác sỹ đã sử dụng 7 phương pháp nuôi dưỡng cho các bé. Thành công này cho thấy trình độ của đội ngũ bác sỹ Sản - Nhi của Việt Nam và nhân thêm hy vọng cho các gia đình có trẻ sinh non nhẹ cân.
7. Hy hữu: Ghi nhận song thai cùng trứng nhưng khác về kiểu hình và gene
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội lần đầu tiên phát hiện song thai cùng trứng nhưng khác nhau về kiểu hình và kiểu gene. Thai phụ đến Đơn vị Can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thăm khám ở tuần thai 16 vì có một thai bị phù.
Sau khi hội chẩn, siêu âm và chọc ối các bác sỹ tại đây phát hiện thai A phù thai, giới tính trên siêu âm là nữ, kiểu gene nữ Turner (45,X). Thai B bình thường về mặt hình thái và giới tính trên siêu âm là nam, kiểu gene nam (46,XY). Các xét nghiệm di truyền chuyên sâu khác cũng đã được thực hiện và chứng minh rằng hai thai chung một trứng nhưng có kiểu gene khác nhau.
TS Nguyễn Thị Sim - Phụ trách Đơn vị Can thiệp bào thai cho hay, trường hợp nói trên cực hiếm trên thế giới và cũng lần đầu tiên phát hiện tại bệnh viện. Bệnh viện đã giới thiệu ca bệnh này dưới góc độ chuyên môn, để các bác sỹ thận trọng hơn trong chẩn đoán, điều trị, tư vấn về di truyền.
8. Đưa vào vận hành mô hình "Cấp cứu trầm cảm"
Nhiều báo cáo khoa học ghi nhận tác động của dịch COVID-19 lên sức khỏe tâm thần của người dân. TP.HCM là địa phương triển khai mô hình "Cấp cứu trầm cảm" đầu tiên trên cả nước. Đây là hoạt động nhằm kịp thời tiếp cận người bệnh có biểu hiện trầm cảm nặng để đưa người bệnh đến cơ sở điều trị chuyên khoa.
Sau hơn 4 tháng triển khai, "Cấp cứu trầm cảm" đã tiếp nhận 94 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ tư vấn và cấp cứu tâm thần, đã có 40 trường hợp được Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp cận và đưa đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM điều trị.
Mô hình được triển khai với sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Bên cạnh đường dây cấp cứu 115 quen thuộc, ngành y tế còn triển khai thêm đường dây nóng 1900.1267. Số điện thoại này giúp người dân kết nối nhanh chóng với các chuyên gia về tâm thần của thành phố.
9. Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam kỷ niệm 160 năm tuổi
Qua 160 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được xác lập kỷ lục là bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao xác lập kỷ lục.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được xây dựng năm 1862, lấy tên ban đầu là Bệnh viện Chợ Quán. Bệnh viện được giao nhiệm vụ là bệnh viện chuyên khoa về truyền nhiễm, phụ trách điều trị, phòng chống dịch cho TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Đến nay, bệnh viện đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt trong lĩnh vực nhiễm trùng và truyền nhiễm.
Trước tình trạng cơ sở hạ tầng tại khoa khám bệnh của bệnh viện đã xuống cấp, gây khó khăn cho người dân mắc các bệnh truyền nhiễm đến khám, điều trị tại đây, TP.HCM đang khẩn trương triển khai dự án cải tạo bệnh viện để có một cơ sở khang trang, thoáng mát, hiện đại, điều trị tốt nhất cho người bệnh.
10. Sử dụng căn cước công dân gắn chip thay bảo hiểm y tế giấy
Từ năm 2022, Bộ Y tế đã hướng dẫn triển khai thí điểm việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bằng căn cước công dân gắn chip. Đây được xem là một bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân tiết kiệm đáng kể thời gian, đồng thời đơn giản hóa các quy trình, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh.
Dữ liệu về bảo hiểm đã được đồng bộ với dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, khi đến lấy số khám bệnh, người dân chỉ cần đưa căn cước công dân để các bác sỹ đọc thông tin và tiếp nhận hồ sơ, không cần phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy thông thường để tránh mất mát.
Bình luận của bạn