Hà Tĩnh - món nhớ món thương

Ram, bánh cặp, bánh mướt là món ăn sáng phổ biến tại Hà Tĩnh

Bỏ túi thực đơn 7 mâm cơm tối đầy đủ dinh dưỡng cho cả nhà

Thực đơn bữa tối cả tuần cho mẹ đảm vừa ngon lại bổ dưỡng

Gợi ý thực đơn cơm tối cả tuần cho các bà nội trợ

Thực đơn cơm ngon cho cả tuần không phải nghĩ “tối nay ăn gì”

Bạn có thể nghe kể về kẹo Cu đơ, về bánh đa vừng đen, về mực Vũng Áng, về gỏi cá đục… nhưng đó chỉ là một phần trong kho tàng ẩm thực phong phú của người Hà Tĩnh. Về xứ miền trung nắng gió này mà không sà vào một hàng nào đó, gọi một phần bánh mướt bánh cặp ăn kèm với chả ram thì đúng là chưa tới Hà Tĩnh mà.

Đi dọc các đường làng ngõ xóm ở Hà Tĩnh, cứ vài trăm mét là lại có một quán bánh mướt chả ram, mà quán nào cũng đông khách nên thực khách cũng không cần chọn lựa nhiều. Cứ thấy hàng quán sạch sẽ, hợp mắt là ghé vào. Bánh mướt bánh cặp ăn kèm với chả ram thường được người Hà Tĩnh ăn vào buổi sáng, coi như là bữa sáng thường trực.

Cũng chẳng biết từ bao giờ, bộ ba món ăn này lại trở thành bữa sáng quen thuộc của người Hà Tĩnh. Nguyên liệu cũng chẳng cao sang cầu kỳ gì, cách chế biến cũng khá đơn giản nhưng khiến người ta say mê.

Đầu tiên phải nói tới bánh mướt. Bánh mướt thoạt nhìn giống như bánh cuốn của người miền Bắc. Cùng làm từ bột gạo, nhưng bánh mướt khác bánh cuốn ở độ dai và giòn. Bánh mướt giống bánh cuốn Thanh Trì hơn ở khoản ăn nguội. Bánh được tráng trước, khi nào khách ăn thì tách từng lớp bánh, cuốn lại, đặt lên đĩa. Bánh mướt được làm từ gạo tẻ được ngâm nhiều giờ cho gạo ngậm đủ nước, nở đều rồi mang đi xay. Ngày trước, các cụ thường xay bột bánh bằng cối đá, phải xay nhiều lần mới mịn, nhưng hiện giờ, nhờ có công cụ mà công đoạn này cũng đỡ tốn công hơn nhiều, thời gian xay bột nhanh hơn, bột cũng mịn hơn dù chỉ xay có một lần. Bột xay xong thì ủ lắng khoảng 2 giờ đồng hồ rồi mới đem tráng bánh. Có như vậy, bánh mới nở, ăn mới dẻo mới dai.

Tráng bánh, người tráng phải đợi nước sôi già, phên hấp thật nóng mới từ tốn dùng vá khuấy đều xô bột, múc một vá bột trải lên mặt phên, đảo thật đều tay cho bột dàn đều, bánh tráng vừa đủ độ. Đậy lắp nồi lại cho bánh chín, dùng một que tre mỏng, khéo léo tách lớp bánh lên, trải lên mẹt đã lót lớp lá chuối được phết qua một lớp dầu thật mỏng, có thể nhanh tay cuộn lại cũng có thể không. Quy trình làm bánh đơn giản như vậy nhưng cũng cần sự khéo léo tỉ mỉ của người làm. Hiện giờ, người ta còn tráng bánh bằng máy, xếp thành từng tệp, khi nào khách gọi thì tách bánh thành từng đĩa riêng.

Bánh mướt sẽ được xếp từng tệp, khi ăn sẽ bóc từng lớp bánh  - Ảnh: Sức khỏe+

Bánh mướt sẽ được xếp từng tệp, khi ăn sẽ bóc từng lớp bánh - Ảnh: Sức khỏe+

Bánh này là bánh mướt chay, chỉ phết thêm lớp hành phi lên trên, ăn kèm với súp lươn hay chả giò lụa, nước chấm. Nhưng với người Hà Tĩnh, bánh mướt ăn với chả ram là ngon nhất.

Nguyên liệu làm chả ram cũng giống như món nem của người miền Bắc, thịt nạc vai hoặc thịt ba chỉ, hành tăm, ngò gai, hành lá, nấm mộc nhĩ, tiêu, miến... nhưng vỏ cuốn bên ngoài thì phải là vỏ ram Hà Tĩnh, được làm từ mật mía. Khi rán lên, vỏ ram bên ngoài giòn, bên trong mềm, thơm, ngon đặc trưng. Ram ngon nhất khi được ăn nóng nên khi khách gọi mới bắt đầu rán. Khách có thể phải đợi lâu một chút nhưng khi ăn thì không còn gì phải chê.

Ram được cuốn bằng vỏ ram Hà Tĩnh làm từ mật mía mới chuẩn vị - Ảnh: Sức kkhỏe+

Ram được cuốn bằng vỏ ram Hà Tĩnh làm từ mật mía mới chuẩn vị - Ảnh: Sức kkhỏe+

Chả ram ăn kèm với bánh cặp hay bánh đập cũng là một cái thú. Bánh đập thực chất là bánh đa nướng, ở giữa kẹp một lớp bánh mướt mới tráng. Bên ngoài giòn, bên trong dẻo dai, chấm với nước chấm chua ngọt, ăn kèm miếng chả ram, còn gì lý thú hơn.

Bánh đập, ram, bánh mướt phải được ăn kèm với nhau - Ảnh: Sức khoẻ+

Bánh đập, ram, bánh mướt phải được ăn kèm với nhau - Ảnh: Sức khoẻ+

Với người Hà Tĩnh, nước chấm chả ram, bánh mướt, bánh cặp cũng vô cùng đặc biệt. Nước mắm phải là thứ mắm cốt được làm thủ công, khi nếm có vị ngọt đậm ở đầu lưỡi. Các nguyên liệu khác như tỏi, ớt, đường, mì chính được khuấy trộn cùng nước ấm trước, sau đó mới chế thêm nước mắm và vắt chanh. Nước mắm chấm có độ mặn, ngọt vừa phải, không nên pha quá loãng. Điểm đặc biệt nữa, hầu hết các quán bán ram, bánh cặp, bánh mướt tại Hà Tĩnh, chủ quán sẽ chuẩn vị sẵn nước mắm cốt đựng trong âu riêng, tỏi ớt được giã sẵn để trong bát, chanh cắt sẵn để trong rổ, cả thêm ớt, ớt bột cho thực khách thích ăn cay. Những nguyên liệu này thường chỉ được dùng ngay, không để lâu. Việc cho thực khách thoải mái pha nước chấm cũng giúp đỡ người bán hàng rất nhiều vì trong lúc bán khách nườm nượp, họ không kịp rảnh tay, cũng không bị mất đi hương vị như nước chấm pha sẵn.

Thực khách sẽ được pha chế nước chấm theo khẩu vị riêng - Ảnh: Sức khỏe+

Thực khách sẽ được pha chế nước chấm theo khẩu vị riêng - Ảnh: Sức khỏe+

Món ăn hấp dẫn nhờ sự kết hợp đối lập giữa lớp bánh mướt dẻo, mỏng tang, thơm mùi gạo và chiếc ram nóng hổi, béo ngậy, bánh cặp giòn tan. Nếu thích đổi vị, có thể chọn cuốn với giò lụa hay giò lắt... Ngoài ra, thực khách có thể rải thêm một ít hành phi để tăng hương vị.

Đối với một đứa con xa quê như tôi, hương vị quê nhà thân thương chỉ gói gọn bấy nhiêu thôi mà cứ xa rồi lại nhớ, lại thèm. Và chỉ khi về quê, tôi mới được thưởng thức cái hương vị thơm ngon, ngọt lành riêng biệt đó!

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ