Đặc sắc ẩm thực ở xứ sở hoa tam giác mạch

Hà Giang với rất nhiều món ăn lạ miệng, hấp dẫn - Ảnh: Sức khỏe+

Đặc sản Hà Tĩnh – Ăn một lần, nhớ cả đời!

Đặc sản lươn đồng Nghệ An

Bê thui Cầu Mống, muốn ngon phải ăn đúng nơi, đúng điệu

5 món ăn nhẹ tăng cường trao đổi chất, hỗ trợ giảm cân

1. Phở chua Hà Giang

Phở chua phù hợp để ăn trong tiết trời mùa Hè oi bức - Ảnh: Sức khỏe+

Phở chua phù hợp để ăn trong tiết trời mùa Hè oi bức - Ảnh: Sức khỏe+

Phở chua Hà Giang là món ăn hấp dẫn, độc đáo trong văn hóa ẩm thực vùng cao nguyên đá. Món ăn này có vị chua chua, lạ miệng, ăn rất mát nên được nhiều người yêu thích vào mùa Hè.

Nguyên liệu chính của phở chua gồm: thịt lợn rán (hay còn gọi là xá xíu), vịt quay, lạc được nấu qua dầu, lạp xưởng hay xúc xích tự làm của người dân Hà Giang.

Điểm trọng yếu để làm nên hương vị đặc trưng của phở chua đó chính là phần nước dùng chua, ngọt chủ yếu được làm từ dấm hòa cùng với đường. Sau đó, người đầu bếp sẽ dùng bột sắn quấy sệt lại thêm cùng các gia vị khác như muối, tiêu, hạt nêm… để hương vị được hài hòa hơn. Đun sôi nước dùng trên bếp, quấy đều tay để hỗn hợp được hòa trộn đều. 

Bánh phở sẽ được dàn đều ra đĩa, bỏ thêm xá xíu, lạp xưởng cháy xém thơm ngon, vài miếng thịt vịt quay vàng. Điểm thêm cho món ăn là vài ngọn rau húng thêm chút đậu phộng rang giã nhuyễn. Cuối cùng, người đầu bếp sẽ rưới nước dùng vào để tạo thành một tô phở chua đúng điệu Hà Giang. Bạn có thể bỏ thêm một ít ớt xào, ớt chưng hoặc tương ớt để có vị cay cay, tê tê đầu lưỡi cũng rất ngon. Kèm với phở chua người dân thường sẽ uống cùng rượu ngô, rượu cẩm để giữ ấm bụng. 

Lưu ý: Những người bụng yếu, có vấn đề về đường tiêu hóa, phải hạn chế đồ chua thì không nên ăn phở chua, nhất là vào buổi sáng vì có thể bị đau bụng.

Địa chỉ gợi ý: Phở chua gia truyền Hiền Lương, 12 Bạch Đằng, Thành phố Hà Giang, Hà Giang

                     Phở chua Ly Dính, 543 Nguyễn Trãi, Thành phố Hà Giang, Hà Giang

2. Thắng cố

Không chỉ là một món đặc sản nổi bật ở Hà Giang mà thắng cố mà còn là một nét đẹp văn hóa của người bản địa - Ảnh: Sức khỏe+

Không chỉ là một món đặc sản nổi bật ở Hà Giang mà thắng cố mà còn là một nét đẹp văn hóa của người bản địa - Ảnh: Sức khỏe+

"Chưa ăn thắng cố thì chưa phải đi Hà Giang”, có lẽ đây là câu nói được truyền tai nhau nhiều nhất bởi du khách trong và ngoài nước khi nhắc đến món ăn này.

Thắng cố vốn là món ăn đặc sản vùng cao được làm từ "lục phủ ngũ tạng" của ngựa. Tuy nhiên giờ đây để phục vụ du khách thập phương, thắng cố đã được chế biến theo cách “sạch” hơn. Nguyên liệu sử dụng là thịt trâu, bò, ngựa, nội tạng đã được xào lăn rồi châm nước, ninh sôi trong nhiều giờ. Các nguyên liệu trên được ninh cùng các loại gia vị như quế, hồi, thảo quả.

Cách thưởng thức thắng cố cũng thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người vùng cao. Sau khi nấu xong, người dân sẽ đặt chảo thắng cố đã chín ở trên một bàn dài, mọi người sẽ ngồi quây quần quanh nồi để thưởng thức. Khi ăn sẽ ăn kèm với mèn mén hoặc bánh ngô nướng cùng chén rượu ngô. Hoặc ăn theo dạng lẩu, vừa đun trong nồi vừa ăn.

Trước kia cuộc sống trong thôn bản khá thiếu thốn, nên thắng cố chỉ được nấu khi gia đình có việc quan trọng, mọi người tụ họp, chia sẻ món ngon cùng nhau. Hiện nay, món ăn này được chế biến và bán ở rất nhiều nơi như các khu chợ phiên, nhà hàng, quán ăn, vỉa hè.

Địa chỉ gợi ý: Chợ Đồng Văn, Thị trấn Đồng Văn, Hà Giang

                     Quán Thắng Cố Mộc Miên, 140 Tổ 2, Thị trấn Đồng Văn, Hà Giang

3. Cháo ấu tẩu

Cháo có vị hơi đắng của ấu tẩu nhưng lại ngọt ở hậu vị - Ảnh: Sức khỏe+

Cháo có vị hơi đắng của ấu tẩu nhưng lại ngọt ở hậu vị - Ảnh: Sức khỏe+

Cháo ấu tẩu là một món ăn khá độc đáo. Ấu tẩu là loại củ mọc trên núi đá, một vị thuốc bắc có độc tính cao. Thế nhưng bằng sự khéo léo, người dân nơi đây đã chế biến khéo léo để loại bỏ độc tố, đem hầm cùng gạo nương và chân giò.

Gạo được nấu cho thật nhừ, dậy mùi thơm dịu, dẻo, sền sệt. Giò lợn được chọn từ lợn nuôi ở địa phương, tươi ngon, sau khi lấy về sẽ thui lửa cho giòn, cạo sạch và chặt khúc trước khi ninh. Thịt lợn băm nhuyễn, xào chín. Các thành phần cháo trắng, ấu tẩu, giò lợn được nấu ở những nồi riêng.

Khi có khách ăn, cháo và các nguyên liệu lần lượt được cho vào bát rồi rắc thêm rau mùi, tía tô. Ngoài các đồ ăn kèm như giò lợn, thịt băm, khách có thể cho thêm trứng gà hoặc trứng vịt lộn.

Cháo ấu tẩu có quanh năm và đặc biệt chỉ bán vào buổi tối. Bởi lẽ theo kinh nghiệm lâu năm của những người dân ở đây cháo có tác dụng tốt nhất qua giấc ngủ đêm. Với nhiều người dân ở đây, cháo ấu tẩu là món ăn đêm thường nhật. Tối tối khi nhà nhà lên đèn cũng là lúc hàng cháo ấu tẩu tấp nập khách ra vào.

Lưu ý: Cháo ấu tẩu là một món ăn có phần hơi kén chọn người ăn vì nó có vị đắng và cay nồng. Cháo ấu tẩu không được khuyến khích cho phụ nữ mang thai, sau khi ăn cháo ấu tẩu bạn không được ăn quả lê vì 2 thứ này có những thành phần khắc nhau. Nên ăn ở những nhà hàng có tiếng hoặc đáng tin cậy vì chế biến sai cách có thể dẫn tới ngộ độc ấu tẩu. 

Địa chỉ gợi ý:  Hoa Thế - Phở, bún và Cháo Ấu Tẩu: QL 4C, Thị trấn Mèo Vạc, Hà Giang

                    Cháo Ấu Tẩu Ngân Hà: 161 Trần Hưng Đạo, phường Trần Phú, Thành phố Hà Giang, Hà Giang

4. Bánh tam giác mạch

Bánh tam giác mạch mềm mềm, xôm xốp, vị ngọt thanh, càng nhai càng bùi, phảng phất hương thơm riêng của cây rừng - Ảnh: Vietnamnet.vn

Bánh tam giác mạch mềm mềm, xôm xốp, vị ngọt thanh, càng nhai càng bùi, phảng phất hương thơm riêng của cây rừng - Ảnh: Vietnamnet.vn

Bánh tam giác mạch được làm từ hạt của loài hoa cùng tên. Sau mỗi mùa hoa, người dân nơi đây thu hoạch hạt tam giác mạch để phơi khô và xay nhỏ thành bột để làm bánh. Loại hạt này nhỏ, chỉ bằng một nửa hạt đỗ đen, nhưng lại chứa nhiều giá trị dinh dưỡng.

Trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, công phu, người làm bánh mới có thể làm nên những chiếc bánh thơm ngon. Đầu tiên, hạt tam giác mạch sau khi thu hoạch phải đem phơi khô đủ độ, sau đó xay nhuyễn bằng tay. Khi xay bột, yêu cầu người làm phải thật cẩn thận, tỉ mỉ để bột tam giác mạch mịn đều, khi bánh nướng lên không bị lợn cợn.

Công đoạn tiếp theo là nhào bột với nước rồi đúc thành những miếng bánh tròn dẹt, có đường kính hơn một gang tay. Sau khi được hấp chín, bánh sẽ tiếp tục được nướng trên than hồng cho nóng và thơm hơn.

Bánh tam giác mạch mềm mềm, xôm xốp, vị ngọt thanh, càng nhai càng bùi, phảng phất hương thơm riêng của cây rừng. Những chiếc bánh tam giác mạch được xếp từng chồng, tất cả đều chung một màu tim tím rất ấn tượng và hấp dẫn với những du khách phương xa.

Địa chở gợi ý: Loại bánh này khá phổ biến tại Hà Giang, bạn có thể thưởng thức những chiếc bánh nóng hổi tại các chợ phiên như chợ phiên Đồng Văn, chợ phiên Lũng Cú, chợ phiên Mèo Vạc…

5. Phở Tráng Kìm Quản Bạ

Với cách làm bánh phở thủ công hoàn toàn và được “hong gió”, phở Tráng Kìm là món ăn bạn nhất định phải thử khi đến Hà Giang - Ảnh: Sức khỏe+

Với cách làm bánh phở thủ công hoàn toàn và được “hong gió”, phở Tráng Kìm là món ăn bạn nhất định phải thử khi đến Hà Giang - Ảnh: Sức khỏe+

Phở Tráng Kìm bắt nguồn từ một bản nhỏ cùng tên nằm nép mình bên dòng sông Miện của xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Bản làng bình yên này nổi tiếng với món phở truyền thống đã bao năm vì hương vị ngon, hấp dẫn và cách chế biến rất tinh tế, khéo léo, có phần khác lạ hơn so với cách chế biến phở ở những nơi khác.

Quá trình tráng bánh phở khá tương đồng với quy trình tráng bánh cuốn. Quá trình chế biến, người thợ tráng bánh sẽ phổ bột đều lên một tấm vải căng ngang, sau đó đậy kín và cuộn bánh phở một cách khéo léo để gỡ bánh phở ra khỏi tấm vải căng.

Bánh phở được treo phơi trên các cánh nứa tre treo trên mái nhà để gió làm khô. Chỉ khi có khách đến ăn, người làm phở mới lấy bánh phở xuống và thực hiện quy trình cắt thái. Nhờ vậy, sợi phở tại đây có màu sắc, hương vị và độ dai đặc biệt.

Nước dùng của phở Tráng Kìm được nấu từ các thành phần như xương ống bò và lợn. Người làm phở Tráng Kìm thêm vào đó các loại gia vị đặc trưng như gừng, quế, hồi, thảo quả... Kết quả là nước dùng phở có độ béo ngậy, thơm phức. Phở Tráng Kìm thường được ăn kèm với thịt gà đồi, đã được luộc với nghệ và cắt sẵn. Gà đồi có thịt ngọt, dai, tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng.

Địa chỉ gợi ý: Thưởng thức phở Tráng Kìm chuẩn vị nhất bạn nên ghé các quán ăn dọc bản Tráng Kìm, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, Hà Giang.

6. Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn

Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn hấp dẫn thực khách bởi miếng bánh mềm dẻo, nước dùng ngọt thanh, thơm phức - Ảnh: Sức khỏe+

Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn hấp dẫn thực khách bởi miếng bánh mềm dẻo, nước dùng ngọt thanh, thơm phức - Ảnh: Sức khỏe+

Cũng là bánh cuốn, món ăn quen thuộc của người miền xuôi, nhưng khi lên đến vùng biên này, lại mang đến vị ngon khác lạ.

Để làm được món bánh thơm ngon, đầu tiên, gạo được người dân lựa chọn kỹ càng, hạt gạo săn chắc từ những cây lúa trồng trên ruộng bậc thang bạt ngàn, rũ chín vàng ươm mỗi mùa tháng Chín. Gạo được xay bằng tay cẩn thận để tạo ra phần bột trắng nõn. Mỗi nơi có một cách làm bột riêng, còn người làm bánh ở Đồng Văn thì phải ngâm bột trong nước qua đêm để bánh được trắng và thơm.

Lượng bột  tráng bánh phải được căn chỉnh cho vừa khuôn tráng để bánh không dày cục mịch, lại đủ dai để không bị rách. Bột láng lên khuôn được dàn đều ngoài, trong một mức. Điều này đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo của người đầu bếp. Các thao tác nhịp nhàng của đôi bàn tay, từ lấy gáo bột láng đều trên mặt vải, đậy nắp chờ một chút cho bột chín tới, rồi mở nắp vung, tiếp theo dùng chiếc đũa cả hớt bánh ra mâm, sau đó cho thịt, mộc nhĩ băm nhỏ làm nhân, cuối cùng cuộn bánh lại.

Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn còn có thêm “phiên bản” bánh cuốn trứng. Bánh sau khi được trải đều trên màn hấp tròn thì đánh thêm hai quả trứng vào, láng đều. Sau đó đậy nắp lại và đợi cho đến khi bánh và trứng chín đều, tỏa ra hương thơm ngào ngạt. Cuối cùng, người bán sẽ cho phần nhân được làm từ mộc nhĩ và thịt vào, nhanh tay cuốn lại.

Điểm đặc biệt cuối cùng là nước chấm bánh cuốn ở đây rất khác biệt so với nhiều nơi khác. Nếu phần lớn bánh cuốn chỉ ăn với nước mắm tỏi ớt, mặn mặn thì ở đây người dân Hà Giang lại ăn bánh cuốn cùng với nước dùng, cho thêm miếng chả thơm, hành lá, mùi tàu thái nhỏ. Phần nước dùng thì được nấu từ xương ống lợn đen được hầm trong nhiều giờ để có được phần ngọt, thơm tự nhiên. Khi ăn, tùy khẩu vị khách có thể tự cho thêm nước mắm, hoặc dấm tỏi ớt.

Địa chỉ gợi ý: Bánh cuốn bà Hà, 31 Phố Cổ, Thành phố Hà Giang, Hà Giang

                     Bánh cuốn Ngõ 3, 76G6, Thị trấn Đồng Văn, Hà Giang

 

 

Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa