Chỉ còn hơn 50 ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 sẽ diễn ra trên cả nước. Một số địa phương cũng đã ấn định lịch thi tuyển sinh lớp 10 vào đầu tháng 6. Ngày thi càng cận kề, không ít phụ huynh và học sinh đang trong tình cảnh "đứng ngồi không yên".
Kỳ thi năm nay có lẽ sẽ bớt vất vả hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2 năm trước, thời điểm mà dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Ngoài nỗi lo “đỗ hay trượt”, cha mẹ còn phải lo xét nghiệm, lo nguy cơ lây nhiễm tại điểm thi. Vào tháng 7/2021, trẻ 12-17 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Tại một điểm thi ở Đà Nẵng, một số thí sinh thuộc diện F1, F2 còn trải qua kỳ thi đáng nhớ: Mặc đồ bảo hộ, được xe đưa đón “khép kín” khi đi thi tốt nghiệp. Còn năm nay, tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi đã đạt hơn 90%, giúp cha mẹ yên tâm phần nào khi trẻ bước vào kỳ thi.
Học sinh “2k4” – sĩ tử tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đã dành phần lớn 3 năm học của mình trong mùa dịch. COVID-19 lấy đi của các em cơ hội đến trường học trực tiếp; Được trò chuyện cùng bạn bè, thầy cô; Được đi đây đi đó để tích lũy trải nghiệm… Trẻ dành nhiều thời gian trước máy tính và ở trong nhà, dễ gặp nhiều vấn đề sức khỏe như tăng cân, mắc tật khúc xạ. Bù lại, mặt tích cực của việc học trực tuyến là có thể tạo ra những bạn trẻ tự lập, bền bỉ và thích nghi tốt với những xu thế mới.
Do đó, mong các bậc phụ huynh có thể thấu hiểu và không tạo thêm gánh nặng lên con trẻ vào vài chục ngày “nước rút” này. Chặng đường 12 năm học của trẻ chỉ còn bước về đích, cha mẹ hãy khích lệ con làm tốt nhất trong khả năng của mình.
Nhằm tiếp sức cho con trong giai đoạn cần kề kỳ thi, nhiều phụ huynh tìm tới các phương pháp tẩm bổ, từ thực phẩm thông thường đến các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng “bổ não”, “tăng cường trí nhớ”.
Tuy nhiên, không sản phẩm nào có thể giúp trẻ thần tốc cải thiện trí thông minh trong vài tuần sử dụng. Thực phẩm chỉ hỗ trợ trẻ duy trì trạng thái tốt nhất trước ngày thi. Trong khi đó, để các em không quá tải và kiệt sức, các yếu tố cần kiểm soát là stress, chất lượng giấc ngủ hay ôn tập đúng phương pháp.
Việc cha mẹ nên thực hiện trong thời gian này là tạo tâm lý thoải mái, khuyến khích con học tập và giải trí hợp lý để kiểm soát tốt các tác nhân gây căng thẳng. Trạng thái stress, lo âu kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới điểm số mà còn gây ra hệ lụy nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần của các em.
Dưới đây là một số lưu ý về sức khỏe của trẻ trước kỳ thi quan trọng:
Các sĩ tử cần ưu tiên chất lượng giấc ngủ lên hàng đầu trong thời gian “nước rút”. Thức khuya thường xuyên không chỉ gây suy giảm hệ miễn dịch mà còn gây đau đầu, suy giảm trí nhớ - điều mà các em không hề muốn trong giai đoạn này.
Để não bộ có thời gian phục hồi, các em cần ngủ đủ giấc (6-8 tiếng/đêm) và ngủ ngon một cách tự nhiên. Người thân nên hỗ trợ tạo môi trường ngủ yên tĩnh, mát mẻ cho học sinh cuối cấp, nhắc các em đi ngủ đúng giờ mỗi tối.
Nhiều thí sinh vì lo lắng, áp lực mà thức đêm ôn tập, tận dụng mỗi phút, mỗi giây mà không cho não bộ nghỉ ngơi. Việc lấy “lượng” bù cho “chất” dẫn đến hậu quả là não bộ không thể xử lý, phân loại và ghi nhớ thông tin hiệu quả. Nếu thấy con đang ôn tập quá sức, phụ huynh nên động viên trẻ thực hiện các phương pháp học tập khoa học hơn (như dậy sớm học bài, phương pháp học Podomoro…).
Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của não bộ. Một số thực phẩm nhiều đường có thể khiến đường huyết tăng cao, cản trở lưu thông máu đến các cơ quan quan trọng như não bộ.
Do đó, trong thời gian “nước rút” quan trọng này, học sinh cuối cấp cần hạn chế những món ăn vặt không lành mạnh cũng như nước ngọt có gas, nước tăng lực... Thay vào đó, cha mẹ hãy xây dựng thực đơn cân đối về dinh dưỡng để con có đủ năng lượng học tập. Một số chất dinh dưỡng có lợi cho não bộ và trí nhớ gồm vitamin, chất chống oxy hóa và omega-3, có trong quả bơ, các loại hạt hạch, rau củ, cá hồi, trứng...
Trong thời tiết mùa Hè, các sĩ tử nên cần uống đủ nước để ngăn ngừa triệu chứng đau đầu, mệt mỏi do mất nước. Ngoài ra, bổ sung đủ nước cho cơ thể giúp máu lưu thông dễ dàng, oxy đến não dồi dào hơn – 2 yếu tố giúp duy trì khả năng tập trung và ghi nhớ của não bộ. Tránh lạm dụng nước tăng lực, cà phê để thức đêm học bài. Cha mẹ có thể dành thời gian pha chế sinh tố, nước ép trái cây để bổ sung nước cũng như động viên tinh thần cho con.
Hoạt động thể chất hàng ngày được chứng minh giúp nâng cao khả năng tập trung và sức sáng tạo, đồng thời cải thiện khả năng lưu trữ kiến thức. Một số nghiên cứu cho thấy, việc thực hiện các bài tập aerobics khi nghe sách nói, bài giảng giúp chúng ta hiểu và ghi nhớ thông tin lâu hơn.
Phụ huynh nên động viên con dành vài phút mỗi ngày để rời khỏi bàn học, tập luyện một vài động tác nhẹ nhàng để thư giãn đầu óc.
Trước kỳ thi, hầu hết học sinh đều rơi vào trạng thái căng thẳng, cộng thêm việc thiếu ngủ sẽ gây hại cho cả thể chất lẫn tinh thần của các em. Theo một số nghiên cứu, stress kéo dài khiến chất xám trong não giảm dần, dẫn tới suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung và tư duy trong học tập, làm việc.
Áp lực mùa thi là vấn đề không thể tránh khỏi, cha mẹ, người thân cần tránh đặt thêm gánh nặng cho trẻ với những kỳ vọng, quyết định áp đặt. Sự động viên dồn dập vào thời điểm này cũng có thể phản tác dụng, khiến áp lực trên vai trẻ thêm nặng. Thay vào đó, phụ huynh nên làm điểm tựa tâm lý cho trẻ, lắng nghe con và đưa ra ý kiến giúp con đưa ra quyết định đúng nhất.
Trong giai đoạn nhạy cảm trước kỳ thi, phụ huynh nên theo dõi trẻ sát sao, đề phòng một số dấu hiệu lo âu, trầm cảm (kém vui tươi, đột ngột thu mình, ít nói, hay khóc, hường hay nhắc đến cái chết) và có những can thiệp kịp thời. Học sinh cuối cấp nên tìm đến các phương pháp giải tỏa căng thẳng lành mạnh như dành thời gian thư giãn, đi bộ, tập hít thở hoặc viết nhật ký.
Bình luận của bạn