



Nhiệt độ trung bình của trái đất năm 2024 được phản ánh bằng các đợt nắng nóng kéo dài hàng tuần ở Bangladesh và Ấn Độ. Nhiệt độ vào mùa Xuân ở hai quốc gia này là 104 độ F, tương đương 40 độ C, đã khiến nhiều trường học phải đóng cửa. Nó cũng được phản ánh bằng tình trạng nước biển ấm như nước bồn tắm đã làm tăng sức mạnh cho các cơn bão ở cả Vịnh Mexico lẫn các cơn lốc xoáy ở Philippine. Và nó được phản ánh bằng một mùa Hè cũng như mùa Thu nóng bức ở Los Angeles (Mỹ) dẫn tới những vụ cháy rừng có tính tàn phá nhất trong lịch sử của khu vực miền Tây nước Mỹ.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, tình trạng biến đổi khí hậu của năm 2024 còn nổi bật theo một cách không mong muốn khác. Đây là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,5 độ C hoặc 2,7 độ F kể từ đầu thời kỳ công nghiệp.
Trong thập kỷ qua, thế giới đã tìm nhiều cách để tránh vượt qua ngưỡng nguy hiểm này. Các quốc gia đã đưa mục tiêu này vào Thỏa thuận Paris năm 2015 để chống biến đổi khí hậu. “Giữ mức 1,5 độ C” là câu thần chú tại các hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc.
Tất nhiên, nhiệt độ có thể dao động đôi chút và các nhà khoa học sẽ xem xét mức độ ấm lên toàn cầu trong khoảng thời gian dài hơn 1 năm. Nhưng ngay cả theo tiêu chuẩn đó, việc duy trì nhiệt độ tăng lên dưới 1,5 độ C, dường như ngày càng không thể đạt được. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù các quốc gia trên toàn cầu đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào các công nghệ năng lượng sạch, nhưng lượng khí thải carbon dioxide đã đạt kỷ lục vào năm 2024 và không có dấu hiệu giảm.
Năng lượng dư thừa trong khí quyển và đại dương đã góp phần gây ra các thảm họa liên quan đến khí hậu trên toàn cầu. Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, bão và cháy rừng đã khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Mức khí nhà kính trong khí quyển thải ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng. Theo báo cáo, vào năm 2024, nồng độ carbon dioxide đạt mức chưa từng thấy trong ít nhất hai triệu năm. Nồng độ của hai loại khí nhà kính quan trọng khác, metan và nitơ oxyd, đã đạt đến mức chưa từng thấy trong ít nhất 800.000 năm. Homo sapiens, hay con người hiện đại, xuất hiện cách đây khoảng 300.000 năm, vì vậy loài người chúng ta chưa bao giờ trải qua bầu khí quyển chứa đầy khí nhà kính làm nóng hành tinh như vậy.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature đã kết luận rằng điều tuyệt vời nhất mà nhân loại có thể hy vọng hiện nay là nhiệt độ chỉ tăng khoảng 1,6 độ C. Để đạt được điều đó, các quốc gia sẽ cần phải bắt đầu cắt giảm khí thải với tốc độ nhanh, thiếu tính khả thi về mặt chính trị, xã hội và kinh tế.

Câu hỏi hiện nay là, liệu có giải pháp nào có thể đạt được mục tiêu tăng nhiệt 1,5 – 1,6 độ C? Tiến sĩ David Victor - giáo sư chính sách công tại Đại học California (San Diego, Mỹ) cho rằng, "Những mục tiêu được đặt ra chỉ là những con số mang tính định hướng. Nhưng, chúng là lời nhắc nhở rằng nếu chúng ta không hành động nhiều hơn, chúng ta sẽ phải chịu những tác động đáng kể đến khí hậu".
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, ngưỡng 1,5 độ C không phải là lằn ranh giữa an toàn và không an toàn, giữa hy vọng và tuyệt vọng. Đó là một con số được các chính phủ đàm phán để cố gắng trả lời cho một câu hỏi lớn: Mức tăng nhiệt độ toàn cầu cao nhất là bao nhiêu - và mức độ nguy hiểm liên quan, dù là sóng nhiệt hay cháy rừng hay băng tan, mà xã hội con người nên cố gắng tránh? Và trong Thỏa thuận Paris, các quốc gia mong muốn giữ mức nóng lên toàn cầu thấp hơn 2 độ C, đồng thời nỗ lực để giới hạn ở mức 1,5 độ C.
Ngay cả ở thời điểm ký Thỏa thuận Paris – năm 2015, các chuyên gia cũng cho rằng mục tiêu này không thực tế. Bởi, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các quốc gia phải cắt giảm khí thải sâu và nhanh. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã áp dụng nó như một cột mốc cho chính sách khí hậu.
Tiến sĩ Christoph Bertram - Trung tâm Phát triển bền vững Toàn cầu của Đại học Maryland (Mỹ), cho biết, tính cấp thiết của mục tiêu 1,5 độ C đã thúc đẩy các công ty thuộc mọi loại hình, như các nhà sản xuất ôtô, nhà sản xuất xi măng, công ty điện lực, phải bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa của việc loại bỏ hoàn toàn khí thải của họ vào giữa thế kỷ. Tiến sĩ Bertram cho biết: "Tôi nghĩ rằng điều đó đã dẫn đến một số hành động nghiêm túc".

Nhưng mục tiêu 1,5 độ C cũng làm lộ những rạn nứt sâu sắc giữa các quốc gia. Ví như Trung Quốc và Ấn Độ không bao giờ ủng hộ mục tiêu này, vì nó đòi hỏi họ phải hạn chế sử dụng than, khí đốt và dầu mỏ với tốc độ mà họ cho là sẽ cản trở sự phát triển của họ. Các nước phát triển – để cắt giảm lượng khí thải, đã bắt đầu cắt giảm nguồn tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch có lợi về mặt kinh tế ở các nước đang phát triển. Một số nước thu nhập thấp cảm thấy thật bất công khi yêu cầu họ hy sinh vì khí hậu trong khi chính các quốc gia giàu có mới là “nguồn cơn” đang làm nóng thế giới.
Tiến sĩ Vijaya Ramachandran - Giám đốc Năng lượng và phát triển tại Viện Breakthrough, một tổ chức nghiên cứu môi trường, cho biết: "Mục tiêu 1,5 độ đã tạo ra rất nhiều căng thẳng giữa các nước giàu và nước nghèo".
Tiến sĩ Costa Samaras - giáo sư Kỹ thuật môi trường tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), người đã giúp định hình chính sách khí hậu của Hoa Kỳ từ năm 2021 đến năm 2024 tại Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng, cho biết: "Nếu các nhà khoa học nói rằng, mục tiêu 1,5 độ C quá khó đạt được, nên đặt mục tiêu là 1,75 độ C đi, thì nhiều người sẽ có suy nghĩ rằng, họ vẫn an toàn, chỉ số 1,5 hay 1,75 đều không quan trọng. Điều đó là sai lầm. Những chỉ số này rất quan trọng. Chỉ số 1,5 độ C cực kỳ quan trọng.”
Vì sao? Các nhà khoa học khẳng định rằng việc hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C thay vì 2 độ C sẽ giúp hàng chục triệu người tránh khỏi các đợt nắng nóng đe dọa tính mạng, tình trạng thiếu nước và lũ lụt ven biển. Điều này có thể tạo nên sự khác biệt giữa một thế giới có rạn san hô và băng giá ở Bắc Cực vào mùa hè và một thế giới không có. Chỉ một chút gia tăng nhỏ của sự nóng lên, dù là 1,6 độ so với 1,5 độ, hay 1,7 so với 1,6 độ, đều làm tăng rủi ro, theo Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc - Inger Andersen.

Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới ước tính rằng sự nóng lên dài hạn đã đạt 1,25 đến 1,41 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp, mặc dù biên độ sai số của một số ước tính vượt quá 1,5 độ. Các tác giả báo cáo ước tính rằng năm ngoái, El Niño và các yếu tố khác đã góp phần làm tăng thêm 0,1 hoặc 0,2 độ nóng lên tạm thời.
El Niño là một kiểu khí hậu tự nhiên có xu hướng làm tăng nhẹ nhiệt độ bề mặt chung của hành tinh. Tuy nhiên, nhiệt độ ấm kỷ lục vẫn tiếp tục cho đến năm 2025, thậm chí ngay cả khi hình thái khí hậu đã chuyển từ El Niño thành kiểu đối lập, La Niña. Sự ấm lên này đặc biệt rõ ràng ở các đại dương, nơi các chỉ số chính của biến đổi khí hậu hiện đang tăng tốc.
Cho đến nay, các đại dương đã hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt bổ sung bị giữ lại bên trong bầu khí quyển của Trái đất bởi khí nhà kính. Hàm lượng nhiệt của các đại dương - một cách để đo độ ấm này ở các độ sâu khác nhau, cũng đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái. Trong hai thập kỷ qua, từ năm 2005 đến năm 2024, các đại dương đã ấm lên nhanh hơn gấp đôi so với giai đoạn từ năm 1960 đến năm 2005, theo báo cáo.
Nhiệt độ đại dương tăng cao đã gây ra hậu quả tàn khốc cho sinh vật biển. Đến tháng 4 năm 2024, nhiều thảm san hô nước ấm ở mọi lưu vực đại dương đã bị tẩy trắng.
Theo báo cáo, mực nước biển trung bình toàn cầu cũng đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024. Tốc độ mực nước biển dâng cũng tăng gấp đôi trong những năm gần đây: 4,7 mm mỗi năm trong thập kỷ qua, từ năm 2015 đến năm 2024, so với 2,1 mm mỗi năm từ năm 1993 đến năm 2002.
Đây cũng là lý do mà năm nay các nhà khoa học đưa ra các hành động để bảo vệ đại dương và các khu rừng tự nhiên bên cạnh các hành động khác. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, những việc cần làm tiếp theo phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác quốc tế giữa 101 quốc gia thành viên WMO và các quốc gia khác. Thúc đẩy các hành động giảm phát thải khí nhà kính, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng xanh, đầu tư nhiều hơn vào chống biến đổi khí hậu… là việc mà mỗi Chính phủ, mỗi quốc gia nên tập trung. Tăng cường hợp tác quốc tế chống biến đổi khí hậu cũng là lời kêu gọi của các tổ chức quốc tế về môi trường, đặc biệt là sự hỗ trợ từ các quốc gia phát triển dành cho các quốc gia đang và kém phát triển.


Bình luận của bạn