Nâng chén trà thưởng hương, thức trí

Hương trà thoang thoảng giúp con người thức tỉnh tâm trí, tận hưởng những phút giây quý giá của cuộc sống (ảnh minh họa)

Nên chọn tuổi nào xông đất Tết Canh Tý 2020?

Thời tiết cả nước dịp trước và trong Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 như thế nào?

Làm thế nào để ăn Tết thoải mái mà không lo tăng cân?

Ngày Tết nên chơi hoa gì cho may mắn, tài lộc?

Khi bạn hiểu về trà và đến với trà, cùng trà làm bạn, trà sẽ cho ta những niềm vui vô bờ bến. Dù trà không nói với ta điều gì, nhưng những điều tốt đẹp ta cảm nhận được trong chén trà ấm mỗi sáng hay khi bên bạn bè hay chỉ đơn giản là lúc bạn muộn phiền một mình sẽ khiến bạn không khỏi kinh ngạc” – nghệ nhân trà Việt Nguyễn Ngọc Tuấn đã chia sẻ với người viết như vậy. 
Nói về trà, không ai không hiểu, giá trị của một chén trà không chỉ nằm ở việc giải khát. Có nhiều giá trị tiềm ẩn trong đó, từ giá trị làm thuốc, tốt cho sức khỏe thể chất, đến giá trị tinh thần mà nó mang lại. 
Chén trà – vị thuốc
Từ xa xưa trà đã được sử dụng làm thuốc. Theo Đông y, lá trà có vị đắng, chát tính mát, tác dụng thanh nhiệt giải khát, tiêu thực… Ngày nay người ta đã biết trong lá trà có chứa gần 400 hoạt chất khác nhau có lợi cho sức khỏe. Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định: 
Nguồn vitamin phong phú cùng với các acid amin trong lá trà đã làm nước trà trở thành thức uống bổ dưỡng, tăng sức đề kháng của cơ thể. Caffein và theophylline trong lá trà có tác dụng kích thích não, hệ tuần hoàn và hô hấp là tăng cường sức làm việc của trí óc. Tamin trong trà có tác dụng như kháng sinh. Các chất polyphenol có trong trà có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Chất catechin ngăn cản tia cực tím. Các chất polyphenol hàm lượng cao trong trà chống sâu răng, hôi miệng. 
Các nhà nghiên cứu còn đưa ra một list 10 công dụng của trà với sức khỏe như sau: 
1. Giúp cơ thể sảng khoái, tinh thần thư thái và tăng cường tư duy.
2. Uống nước trà làm giải nhiệt, lợi tiểu gia tăng quá trình trao đổi chất và lọc thải kim loại nặng và các độc tố khác.
3. Nước trà có tác dụng phòng chống sâu răng, vệ sinh răng miệng cho hơi thở thơm tho.
4. Trà cung cấp nhiều loại vitamin, acid amin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Như nhóm vitamin C làm tăng cường hệ miễn dịch, và chính tác dụng của flavonoids có tác dụng chống sự thay đổi đột biến của bệnh ung thư.
5. Phòng chống và làm chậm quá trình lão hóa, chống lại tác hại của bức xạ. Tác dụng kháng khuẩn, chống nấm và ức chế sự phát triển của virus.
6. Làm giảm lượng mỡ máu, phòng chống xơ cứng động mạch, giảm cholesterol và điều hòa huyết áp.
7. Làm giảm lượng mỡ dư thừa, nhờ đó giúp giảm béo, làm đẹp từ bên trong. 
8. Giảm lượng đường trong máu, phòng chống bệnh đái tháo đường.
9. Giảm độc hại của thuốc lá và khử mùi hôi thuốc.
10. Giải rượu nhanh và tiêu thực.
Cũng chính nhờ những giá trị thể chất này, trà được lựa chọn như một thức uống hàng ngày của người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Cũng chính nhờ thế, mỗi người, dù chủ động hay thụ động, đều được hưởng lợi từ giá trị tinh thần mà những chén trà mang lại.
Nâng chén tinh thần
Trong cuộc sống khi ta đã quá bận rộn và vội vã với những việc mà ta cho là quan trọng thì việc dành chút thời gian để  uống trà là giây phút thư giãn vô cùng quý giá. Hương trà thơm sẽ làm thức tỉnh tâm trí, vị trà thanh mát đưa thân và tâm bạn về với thực tại, bạn sẽ thấy vũ trụ trong ấm và nhật nguyệt trong chén trà.  
Biết thưởng thức trà không phải là dễ. Nhận chén trà, từ từ đưa lên mũi, giữ đầu thật yên để thưởng định cái hương trà thơm ngại ngái rồi mới uống. Với mỗi loại trà mà uống nhấp từng chút hay uống ngụm lớn để cảm thụ vị. Đó mới là thưởng trà.
Nhấp một ngụm trà là bạn có thể tận hưởng những hương vị thuần khiết của vùng trung du hay núi cao, quện theo những búp trà non về đây. “Cứ thử tưởng tượng thế này nhé. Khi mặt trời mới chớm nảy ở đường chân trời, khi những lá trà đã hấp thủ đủ tinh khí của trời đất, qua bàn tay mượt mà một nắng hai sương của những cô gái vùng cao, qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân luôn dành hết tình yêu và tâm huyết để sao chế trà, những cánh trà khô lại bung mình nảy nở tỏa hương bởi bàn tay của trà nhân để ta có một chén trà tuyệt vời”, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ.
Khi nâng chén, hương trà nhẹ thoảng bay như tinh khí của đất trời buổi sớm mai, nhấp chút trà, vị của đất trời như thay đổi trong từng chén. Khởi đầu có chút đắng nơi đầu lưỡi nhưng lại đọng vị ngọt mà bùi nơi cuống họng - giống như câu chuyện đời vậy, khổ tận cam lai. Cũng có thể là vị thanh nhẹ nhưng khắc sâu trong lòng, một lần mà nhớ mãi.  
Trong không gian thưởng trà, sẽ khiến bạn gạt bỏ sự vội vã hối hả của cuộc sống để có được sự thư thái. Khi thưởng thức chén trà sẽ đưa thân, tâm bạn về với thực tại và đây thực sự là những giây phút thư giãn quý giá.
Khi thưởng trà, người ta không có trạng thái náo nhiệt. Trà giống như “chàng thư sinh điềm đạm, nho nhã”. Khi thưởng thức chén trà, hương thơm bay lên ngào ngạt tình bạn dần trở nên sâu đậm, cuộc trò chuyện càng lúc càng lâu hòa hợp tâm hồn và nổi bật tính cách của người bạn tri kỷ. Thế nên người ta mới có câu rằng “Uống trà luận đạo” - Gặp nhau không chỉ để cùng uống chén trà mà còn cùng đàm đạo, vịnh cảnh, làm thơ, vui cùng giai nhân tiếng đàn tiếng sáo… Chén trà trở thành cầu nối, là nét đẹp bình dị, nhẹ nhàng trong giao tiếp. Cũng chính vì thế, trà không chỉ là thức uống được ưa thích nhất mà nó sẽ giúp ta khám phá những nét đẹp văn hóa được quyện trong từng chén trà.
Nguyễn Ngọc Tuấn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa