Biến chứng nguy hiểm hiếm gặp ở trẻ mắc COVID-19

Cứ 10.000 trẻ có 1 trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thống sau khi mắc COVID-19

“Bảo mẫu công nghệ” tạo nên những đứa trẻ tức giận mất kiểm soát

Chất béo thực vật có thể giảm nguy cơ tử vong sớm

Đau cột sống lưng: Nguyên nhân và giải pháp cải thiện hiệu quả tại nhà

Phụ nữ mang thai, đang cho con bú cần hạn chế caffeine như thế nào?

Trong Đại dịch COVID-19, trẻ em không phải là “đối tượng chính” của những biến chứng nguy hiểm. Thế nhưng, hội chứng viêm đa ổ hay MIS-C lại là biến chứng nguy hiểm hiếm gặp nhất, và chỉ xảy ra ở những trẻ đã từng bị nhiễm COVID-19 ở thể nặng. Và nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature mới đây đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này. Kết quả nghiên cứu đưa ra bằng chứng trực tiếp đầu tiên cho thấy COVID-19 gây ra phản ứng tự miễn dịch dẫn đến MIS-C.

Theo TS. Joseph DeRisi, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là Chủ tịch của Mạng lưới Chan Zuckerberg Biohub (một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận hỗ trợ các nghiên cứu ban đầu và thúc đẩy sự hợp tác khoa học giữa UC Berkeley, UC San Francisco và Stanford), người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: Khi tiếp xúc với virus, cơ thể con người sẽ huy động hệ thống miễn dịch để chống lại kẻ xâm nhập. Đôi khi, hệ thống phòng thủ bị trục trặc và cơ thể nhầm lẫn chống lại chính mình thay vì kẻ tấn công. Trong một nhóm trẻ em mắc hội chứng MIS-C, các tế bào miễn dịch bị nhầm lẫn do sự giống nhau giữa một loại protein do virus corona mang theo và một loại protein có trong cơ thể người. Hiện tượng này được gọi là bắt chước phân tử.

Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng nhiễm trùng có thể khiến cơ thể tự tấn công chính nó, nhưng nghiên cứu mới này là một trong những nghiên cứu đầu tiên xác định chuỗi sự kiện và các đặc điểm miễn dịch liên quan đến quá trình này.

TS. Dusan Bogunovic - Nhà miễn dịch học nhi khoa tại Đại học Columbia, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết: "Nghiên cứu này bổ sung thêm một bằng chứng rất rõ ràng rằng MIS-C có thành phần tự miễn dịch".

Tiến sĩ Shiv Pillai, nhà miễn dịch học tại Trường Y Harvard, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết nghiên cứu này cũng cung cấp hướng dẫn để điều tra các cơ chế gây ra các bệnh tự miễn khác.

Theo TS. DeRisi, hầu hết trẻ em đều vượt qua COVID-19 một cách dễ dàng, không có tác dụng phụ kéo dài. Nhưng vài tuần sau khi nhiễm bệnh, cứ 10.000 trẻ thì có khoảng một trẻ bị bệnh nặng do "phản ứng viêm thái quá”. Loại viêm sau nhiễm trùng này thực sự là một điều bí ẩn.

Cũng theo TS. DeRisi, MIS-C giống với hội chứng Kawasaki và các rối loạn hiếm gặp khác ở trẻ em có đặc điểm là tình trạng viêm lan rộng. MIS-C thường ảnh hưởng đến tim, não, thận và phổi. Trẻ em có thể phải nhập viện và cần được chăm sóc đặc biệt hoặc thậm chí là hỗ trợ sự sống. Một số ít có thể tử vong.

Kể từ mùa xuân năm 2020 cho đến ngày 2/7/2024, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã ghi nhận gần 10.000 trường hợp mắc MIS-C cùng với 79 trường hợp tử vong.

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng hội chứng này có thể là kết quả của cái gọi là kháng thể tự động, hoặc các phân tử miễn dịch mất khả năng phân biệt tế bào của chính cơ thể với tác nhân xâm lược. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, hiện tượng này không đặc hiệu với COVID-19, kháng thể tự động có thể xuất hiện sau bất kỳ đợt nhiễm trùng nào nhưng thường là tạm thời. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy kháng thể tự động ở những bệnh nhân mắc COVID kéo dài.

 

Tiến sĩ DeRisi và các đồng nghiệp đã tìm thấy ba loại protein nổi bật ở trẻ em mắc MIS-C so với nhóm đối chứng. Một loại protein đặc biệt - SNX8, đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu: Mặc dù nó được biểu hiện rộng rãi khắp cơ thể, nhưng nó phổ biến nhất ở các tế bào miễn dịch. Họ cũng phát hiện ra rằng trẻ em mắc MIS-C có phản ứng miễn dịch bất thường với virus corona. Chúng tạo ra kháng thể với một phần nucleoprotein của virus mà những trẻ em khác bị COVID-19 biến chứng nặng không có. Phần nucleoprotein của virus mà trẻ em mắc MIS-C phản ứng lại rất giống với một phần của SNX8. Điều khó hiểu là SNX8 được tìm thấy bên trong tế bào, nơi mà các kháng thể tự động không thể tiếp cận được. "Nhưng kháng thể là một manh mối", Tiến sĩ Pillai nói. "Nó cho bạn biết rằng có phản ứng bất thường này".

Sau đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ở trẻ em có kháng thể tự động - tế bào T sát thủ, thường chỉ tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh, nhắm vào các tế bào khỏe mạnh chứa SNX8. Vì protein đó có trong khắp cơ thể nên cuối cùng lại gây tổn thương nhiều cơ quan.

Cơ chế này chỉ có thể giải thích một số trường hợp MIS-C. Trong những trường hợp khác hoặc với các bệnh tự miễn khác, các bộ phận khác nhau của hệ thống miễn dịch có thể hoạt động bất thường, nhắm vào các nhóm protein khác của con người và virus trông giống nhau.

Hiện tượng cụ thể được xác định trong nghiên cứu mới có thể cực kỳ hiếm. "Nhưng khi bạn có một đại dịch với hàng triệu người bị nhiễm bệnh, những điều hiếm gặp này giờ đây trở nên rõ ràng", Tiến sĩ DeRisi cho biết.

Ông cho biết, "mặc dù đại dịch là một điều khủng khiếp, đáng sợ, nhưng nó đã làm nổi lên những khía cạnh thú vị của sinh học con người có liên quan đến việc giải quyết các căn bệnh khác".

Khánh Hạ (lược dịch)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ