365 ngày cống hiến của ngành y tế

Y bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai vỡ oà trong niềm vui sướng khi được gỡ lệnh cách ly (Ảnh: Zing)

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Y tế động viên y bác sỹ Bệnh viện Phổi, CDC Quảng Ninh

Hà Nội, Hải Phòng được cấp phép mua vaccine phòng COVID-19

Đề xuất Bộ Y tế phê duyệt thêm 2 vaccine COVID-19 của Mỹ và Nga

Cống hiến của hệ thống y tế trong 1 năm qua

Năm 2020 và đầu năm 2021 là năm thách thức với ngành y tế toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, công tác y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số thành tựu nổi bật của ngành y Việt Nam trong năm qua:

Chuyển đổi số quốc gia

Ứng dụng công nghệ vào công tác phòng chống dịch COVID-19 (Ảnh: Vietnamnet)

Trong năm qua, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế, khám chữa bệnh, giám định thanh toán BHYT, hồ sơ sức khỏe điện tử, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Ngành y nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch COVID-19, như tờ khai y tế điện tử, ứng dụng truy vết Bluezone, bản đồ an toàn COVID-19, chẩn đoán điều trị COVID-19 từ xa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo sử dụng hình ảnh X-quang phổi trong hỗ trợ chẩn đoán COVID-19.

Bộ Y tế đã khai trương Cổng Công khai Y tế với dữ liệu trong các lĩnh vực dược phẩm, trang thiết bị - vật tư y tế,… và Đề án “Khám chữa bệnh từ xa”, kết nối 1.000 điểm trong 45 ngày.

Nhiều chính sách với về BHYT

Thông tư 30/2020/TT-BYT có hiệu lực từ 3/1/2021 đã ghi nhận thêm 03 trường hợp được xác định là khám chữa bệnh đúng tuyến gồm:

- Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến theo quy định.

- Người hiến bộ phận cơ thể mình phải điều trị ngay khi hiến bộ phận cơ thể.

- Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.

Với các quy định mới này, việc thực hiện các chính sách về BHYT sẽ dễ dàng hơn, đồng thời người dân cũng có thêm quyền lợi khi đi khám chữa bệnh.

Bảo vệ sức khỏe người dân trong mùa bão lũ, thiên tai

Phó giáo sư Đỗ Duy Cường khám cho bệnh nhân mắc Whitmore đang điều trị (Ảnh: Vietnam+)

Trong năm qua, ngành y tế phải cùng lúc bảo đảm vừa phòng chống thiên tai, bão lũ, vừa phòng chống dịch bệch, nhất là dịch COVID-19 trong điều kiện hết sức khó khăn. Thế nhưng, hệ thống y tế Việt Nam đã chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là dịch bệnh bạch hầu ở khu vực Tây nguyên, bệnh Whitmore ở miền Trung, bệnh sốt mò ở một số tỉnh miền Bắc, không để xảy ra "dịch chồng dịch". Phương châm "Bốn tại chỗ" đã phát huy hiệu quả trong thời điểm khó khăn này.

Thực hiện tốt nhiệm vụ chống dịch COVID-19

Các bác sỹ tranh thủ lấy sức sau những ngày làm việc liên tục (Ảnh: Thanh Niên)

Năm 2020, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch COVID-19, huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia phòng chống COVID-19 với chi phí thấp nhất.

Trong đợt dịch thứ 3 (từ ngày 27/1), nhiều bác sỹ, y tá, điều dưỡng, nhân viên y tế ở tất cả các cấp đã ăn Tết trong bệnh viện, khu cách ly để tập trung chuyên môn phòng, chống dịch. Bộ Y tế đã huy động tổng lực từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Trường Đại học Y Hà Nội, và Trường Đại học Y tế Công cộng trợ giúp Hải Dương – điểm nóng với hơn 600 ca COVID-19 trong đợt dịch này.

Ngoài việc đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trong nước, Bộ Y tế tích cực đàm phán với các hãng lớn trên thế giới, đảm bảo trong năm 2021 triển khai đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với trên 100 triệu liều. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong ngành y tế và ngoài ngành tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ.

365 ngày ghi nhận cống hiến

Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều bệnh viện trên cả nước đã phát thông báo xin dừng các hoạt động chúc mừng nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 để tập trung phòng chống dịch COVID-19.

Hướng tới kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã gửi thư chúc mừng đội ngũ y bác sỹ, thầy thuốc và người hoạt động trong lĩnh vực y tế. "Thay mặt Bộ Y tế, tôi ghi nhận và biểu dương những công sức, đóng góp của các "chiến sỹ áo trắng" trên mọi miền Tổ quốc, những người tận tâm hết mình, không quản ngày đêm, vất vả, gian nan, hiểm nguy. Các đồng chí là lực lượng tinh nhuệ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 nói riêng cũng như nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu gửi gắm, đó là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân", Bộ trưởng viết.

Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2 đã quyết định ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, gồm những người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...); quân đội, công an. Đây là quyết định thiết thực trong bối cảnh nguồn vaccine hạn chế tại Việt Nam, đồng thời phù hợp với thông điệp cốt lõi trong chiến dịch Năm Quốc tế của Nhân viên y tế do WHO phát động: Là tri ân và bảo vệ sức khỏe của nhân viên y tế - chiến sỹ ở tuyến đầu chống dịch COVID-19.

Quỳnh Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn