Michelin Star: "Giải" sao vàng danh giá của nghệ thuật ẩm thực!

Đối với các đầu bếp và nhà hàng, việc được trao tặng sao vàng Michelin là vô cùng vinh dự

Khám phá một số loại gia vị độc đáo trong ẩm thực Nhật

Vài nét về thế giới ẩm thực độc đáo của Peru

Đầu bếp 8X với món "quà quê" đạt giải Nhất cuộc thi Tôn vinh Ẩm thực Việt

11 món ngon đoạt giải vàng Đầu bếp trẻ châu Á

Hãy cùng tìm hiểu về giải thưởng uy tín này - một giải mà chưa từng gắn liền với bất kỳ lễ trao giải vinh danh cụ thể nào như ở các lĩnh vực khác:

Nguồn gốc ra đời

Cái tên “Michelin” hẳn sẽ khiến bạn nghĩ đến thương hiệu lốp xe nổi tiếng. Điều này là hoàn toàn chính xác bởi Michelin là tên một hãng chuyên sản xuất bánh xe lớn nhất thế giới của Pháp và cũng chính là "cha đẻ" của giải thưởng sao vàng danh giá dành cho giới đầu bếp. Năm 1900, để khuyến khích các khách hàng đi du lịch nhiều hơn (sử dụng nhiều lốp xe hơn), hai anh em nhà Michelin đã có sáng kiến lập ra một danh sách đánh giá các nhà hàng ở khu vực đồng quê hoặc các khu du lịch trong nước Pháp, xếp hạng theo 3 cấp độ sao khác nhau. Danh sách được xuất bản dưới dạng cẩm nang mang tên Michelin Guide - giới thiệu đặc sản và các địa điểm ăn uống chất lượng tại Anh và Ireland. Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, cẩm nang Michelin Guide đã vươn rộng sự đánh giá của mình ra nền ẩm thực toàn cầu với quy chế trao thưởng sao vàng Michelin danh giá.

Danh sách nhà hàng & đầu bếp được sao vàng Michelin ghi nhận hàng năm trong cẩm nang Michelin Guide

Cách thức đánh giá

Hằng năm, công ty Michelin sẽ cử đội ngũ nhân viên toàn thời gian của mình trà trộn vào các nhà hàng để nhận xét món ăn. Họ là những người ẩn danh đam mê ẩm thực, có một con mắt tốt, có khả năng nhớ chuẩn xác các hương vị để so sánh các món ăn với nhau. Có thể gọi họ là “tắc kè hoa” bởi họ có thể “nhập vai” như bất kỳ một khách hàng bình thường nào khác mà không ai nhận ra. Điều này đảm bảo món ăn được chấm điểm một cách công bằng và khách quan. Không những vậy, quy trình làm việc của Michelin Guide luôn là một bí ẩn lớn với người ngoài cuộc, khi chính... người thân của những nhà thẩm định cũng không được biết về công việc của họ nhằm đảm bảo tính bí mật.

Mỗi khi một nhà phê bình đi vào một nhà hàng, họ viết một bản ghi nhớ kỹ lưỡng về trải nghiệm của mình và sau đó tất cả các nhận xét cùng nhau thảo luận và quyết định mà nhà hàng sẽ được trao các ngôi sao. Như vậy, các giải thưởng Michelin rất khác so với giải thưởng Zagat và Yelp – chủ yếu dựa vào phản hồi của khách hàng thông qua mạng internet. Michelin không sử dụng bất kỳ đánh giá nào của người tiêu dùng trong việc đưa ra quyết định trao giải.

Tiêu chuẩn và cách thức đánh giá của Michelin đến nay vẫn là một "ẩn số"

Tiêu chuẩn đánh giá của Michelin

Vì tính bí mật của cách chấm điểm, cho đến nay, giới truyền thông vẫn không thể biết được các tiêu chuẩn và quy định cụ thể để giành được ngôi sao mang biểu tượng 6 cánh hoa Michelin quý giá, bởi lẽ hệ thống thẩm định ẩm thực của Michelin Guide được bảo mật tuyệt đối. Suy luận từ kết của của Michelin Guide suốt nhiều thập kỉ qua, người ta cũng biết rằng tiêu chuẩn của sao Michelin dựa trên các yếu tố: Chất lượng, làm chủ kỹ thuật, phong cách, sự thống nhất trong các món ăn và một phần yếu tố ngoại cảnh.

Các thứ bậc sao Michelin

Tương tự kết cấu giải thưởng thể thao, sao Michelin cũng chia thành ba thứ bậc tương ứng với  huy chương vàng – bạc – đồng là Một sao – Hai sao – Ba sao. Mỗi bậc sao Michelin có một giá trị khác nhau, được quy định trong ấn bản phát hành năm 1936:

Một sao: Danh hiệu “Nhà hàng rất tốt so với mặt bằng chung”.

Hai sao: Danh hiệu “Nhà hàng có chất lượng nấu nướng xuất sắc, đáng đi một quãng đường dài để ghé thăm”.

Ba sao: Danh hiệu “Phong cách ẩm thực đặc biệt, hoàn toàn bõ công bỏ ra một hành trình để thưởng thức”.

Quy định về giá trị từng cấp bậc sao Michelin

Một số thông tin bên lề

- Với nguồn gốc ban đầu, người ta cho rằng các đánh giá của Michelin thiên vị nghệ thuật ẩm thực Pháp.

- Đa số các nhà hàng sở hữu sao Michelin đều khá sang trọng và có lịch sử lâu đời.

- Tiêu chuẩn của Michelin không chỉ còn gói gọn trong chuẩn mực sang trọng, xa xỉ của “người khổng lồ” Pháp, mà dần tiến gần đến góc cạnh thú vị, độc đáo và cá tính riêng biệt của những nền ẩm thực khác nhau trên thế giới. Một số nhà hàng giản dị từng được trao tặng ngôi sao vàng danh giá của nghệ thuật ẩm thực này, như cửa hàng sushi nằm ngay ga tàu điện ngầm ở Tokyo – Nhật, hoặc nhà hàng Noma ở Đan Mạch với vỏn vẹn 12 chỗ ngồi cùng nội thất gỗ trơn không sơn phết.

- Việc nhắc tên những nhà hàng “kém sang” trong Michelin Giude từng dấy lên làn sóng phản đối từ phía các chuyên gia đến từ Châu Âu – những người theo xu hướng ủng hộ phong cách “quý tộc” của ẩm thực cao cấp.

- Lượng sao vàng của những nhà hàng là không cố định bởi mỗi năm. Michelin Guide có thể quyết định “tặng thưởng” một ngôi sao danh giá cho nhà hàng nào đó, nhưng đồng thời cũng có thể tước đi sao vàng của nhà hàng nếu nó không duy trì được chất lượng tiêu chuẩn. “Cuộc đua sao vàng” gay cấn này luôn khiến các tín đồ ẩm thực cao cấp lẫn cá nhân đầu bếp và nhà kinh doanh thực phẩm đặc biệt quan tâm, mong đợi, biến ngày xuất bản Michelin Guide cùng kết quả của sao Michelin trở thành sự kiện quan trọng bậc nhất trong năm với giới đầu bếp.

- Tuy danh giá và uy tín vào hạng bậc nhất trong giới ẩm thực, nhưng tính đến nay, có không ít đầu bếp trên thế giới từng từ chối nhận sao vàng Michelin. Các lý do mà những đầu bếp này đưa ra thường xoay quanh việc chi phí cao cùng sức ép mạnh mẽ để giữ được ngôi sao và một nghịch lý là lợi nhuận nhà hàng giảm khi được "vinh danh" trong Michelin Guide.

Bảng danh hiệu ghi nhận sao vàng của đầu bếp theo đánh giá của Michelin

Bảo Nguyên H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa