Sau cùng, khoa học nghiên cứu những gì có thể quan sát được, có thể định lượng được, có thể kiểm tra, có thể dự đoán, có thể giải thích, còn những giấc mơ không phải là những thứ này. Chúng xảy ra trong đầu, vô hình đối với nhà nghiên cứu khoa học. Nội dung kỳ lạ, có vẻ độc đáo của chúng dường như thách thức mọi logic khoa học (“Đêm trước tôi nằm mơ thấy mình trở lại tòa soạn cũ của mình với người tổng biên tập hay khóc trong các cuộc họp, rồi tôi thấy mình đang ăn tối trong một nhà hàng Nhật với các đồng nghiệp trẻ, rồi họ lại giống như các bạn học hồi tiểu học. Giấc mơ rất lộn xộn và khi thức dậy tôi không thể nhớ rõ ràng. Chỉ nhớ mơ hồ và lộn xộn như vậy khi tôi cố viết lại trong bài báo này. Nó không chứng minh hay giải thích được điều gì. Tạm thời tôi cho là chúng vô nghĩa. Nhưng rồi, tôi nhớ, những khuôn mặt này trước đây thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong giấc mơ tôi. Có thể có những bí ẩn mà kiến thức của tôi chưa vươn tới).
Trong cuốn sách nghiên cứu về “giấc mơ thời đại dịch”, tác giả Deidre Barrett, tiến sỹ về tâm lý học, Đại học Harvard (Mỹ), cho biết chưa bao giờ bà đánh mất niềm tin rằng những giấc mơ có ý nghĩa quan trọng. Cuốn sách đầu tiên của bà là một bộ sưu tập nghiêm túc về những giấc mơ của những người sống sót sau chấn thương: "Những giấc mơ", bà viết, "có thể mang lại tiếng nói cho những người không thể nói được và bắt đầu khôi phục sức khỏe cho những người bệnh nặng”. Giống như các nhà nghiên cứu khác, Barrett cũng tìm hiểu những giấc mơ sau bão, hỏa hoạn và chiến tranh, những điều mà rất nhiều người khác nhau đã trải qua và sau đó mơ về. Giấc mơ của một người có thể có vẻ riêng và không mạch lạc, nhưng khi bạn xem xét giấc mơ của nhiều người, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi cùng một trải nghiệm, bạn có thể tìm thấy các mẫu. Trong các mẫu đó, bạn có thể tìm thấy ý nghĩa.
Nhà văn Susan Sontag từng viết: “Khóc là nghiêm trọng hơn mơ, đơn giản vì người ta có thể gom nước mắt trong một cái lọ. Nhưng không ai gom được chi tiết rõ ràng của một giấc mơ. Giống như nụ cười, giấc mơ chỉ là không khí. Giấc mơ, và nụ cười đều nhanh chóng tàn lụi”. Có lẽ vì vậy mà các giấc mơ thường bị quên lãng và chỉ tái hiện trong tác phẩm nghệ thuật.
Từ cuối năm 2019 cho đến nay, trên khắp thế giới, đại dịch COVID-19 đã gây ra những suy nghĩ kỳ lạ về đêm. Những ý tưởng này có thể giúp làm sáng tỏ câu hỏi lâu đời rằng tại sao chúng ta lại nằm mơ không? Cuộc sống trong mơ của thảm họa tập thể là đề tài mà Barrett đã nghiên cứu nhiều năm trong suốt sự nghiệp học tập của mình - ví dụ như phân tích giấc mơ của người dân Kuwait sau cuộc xâm lược của Iraq và giấc mơ của các sỹ quan Anh bị Đức Quốc xã giam giữ trong Thế chiến thứ hai, để xem những giấc mơ đó được so sánh như thế nào với nhau và với những giấc mơ từ những thời điểm hòa bình.
Suốt hai năm 2020 và 2021, nhất là từ tháng 8/2021, đợt bùng phát thứ tư COVID-19, tôi có đủ thời gian để lướt qua những cuốn sách liên quan đến chữ “mơ” mà tôi đã say mê khi còn bé. Như cuốn “Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng. Hay cuốn “Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki” của nhà văn Nhật Tagisawa Satoshi. Hoặc không trực tiếp là giấc mơ đẹp mà chỉ là ác mộng như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh…
Hoặc cùng tìm hiểu thế giới “giấc mơ rõ ràng” của nhà tâm lý học kiêm nhà văn người Mỹ Stephen LaBerge. Vào đầu những năm 1980, tin tức về nghiên cứu của LaBerge sử dụng kỹ thuật phát tín hiệu để theo dõi điện não đồ của một người đang ngủ với các chuyển động mắt, giúp người ngủ mơ thấy rõ ràng, gây “bão” trên truyền thông Mỹ.
Trong cái mà LaBerge gọi là “những giấc mơ sáng suốt”, một người đang ngủ có thể nhận thức được rằng mình đang mơ và - với một chút thực hành - điều khiển được tình tiết của giấc mơ.
Những giấc mơ sáng suốt có vẻ sống động hơn thực tế; chúng có thể cung cấp một cường độ cao như ảo giác và thậm chí mang lại sự thỏa mãn tình dục (người Việt gọi mà “mộng tinh”). Khi còn là sinh viên, chúng tôi thường ở trọ chung, 4-5 chàng trai trong một căn phòng chật, và câu chuyện hấp dẫn không phải chuyện học, mà là “chuyện có thể nhớ” về các “hành trình tình ái” trong mơ kỳ thú của những chàng trai đang bước vào tuổi lấy vợ.
Trong cuốn “Tại sao mơ” (Why we dream), tác giả Alice Robb viết “Cuộc sống ban đêm mới của tôi mỗi lúc một sôi động - và ít nhất là giải trí - như những giờ thức dậy của tôi, và tôi choáng váng: Tôi hiểu rằng tôi đã từng có những giấc mơ như thế này cả đời, nhưng tôi đã nhanh chóng quên chúng đi, để chúng biến mất như thể chúng chưa bao giờ xảy ra. Tôi đã trải qua những cuộc phiêu lưu nào và sau đó bị lãng quên? Tôi đã bỏ lỡ những cơ hội nào - để có được cái nhìn sâu sắc mới hay chỉ để tạm rời xa thực tế?”.
Một số học giả tin rằng tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của tổ tiên chúng ta - những bức tranh trong hang động - được lấy cảm hứng từ những giấc mơ ban đêm của người tạo ra chúng. Nhật ký giấc mơ là một trong những ví dụ lâu đời nhất của văn học; chúng đã được tìm thấy trong tàn tích của Hy Lạp cổ đại và Nhật Bản thời trung cổ.
Các chính trị gia và anh hùng thần thoại đã tìm đến những giấc mơ để đưa ra quyết định và viện dẫn chúng để biện minh cho chiến tranh. Các nhà lãnh đạo đã sử dụng chúng cho mục đích tốt (khi Gandhi lập luận chống lại việc hạn chế quyền tự do dân sự của người Ấn Độ vào năm 1919, ông nói rằng ông đã mơ rằng đất nước sẽ chứng kiến một cuộc đình công) và cho điều ác (băng video được phát hành sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 cho thấy Osama bin Laden và những người theo ông ta đã từng mơ giấc mơ về phi công, máy bay và các tòa nhà bị cháy). Alice Robb viết: “Khi bỏ qua những giấc mơ của mình, chúng ta lãng phí cơ hội trải nghiệm cuộc phiêu lưu về đêm, và nâng cao sức khỏe tinh thần của mình, cơ hội có giá trị khoảng 5 hoặc 6 năm (20 đến 25% tổng thời gian ngủ) trong suốt cuộc đời trung bình”.
Giấc mơ chính là bài kiểm tra các tình huống xấu mà chúng ta có thể đối mặt trong đời thực. Những học sinh gặp ác mộng về kỳ thi của mình sẽ làm tốt hơn những học sinh không gặp ác mộng. Nằm mơ thấy những sự kiện đau buồn có thể giúp chúng ta chữa lành chúng. Tháng 7/2020 tôi đã nằm mơ tự mình hát bài “Cát bụi” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và ngày hôm sau nhận tin mẹ tôi - người đang qua tuổi 104 - ra đi trong giấc ngủ trưa ở Đà Nẵng. Không ngờ bài hát trong mơ đó chuẩn bị cho tôi chịu nổi thử thách trước nỗi đau quá lớn này.
Giấc mơ cung cấp một cửa sổ mở vào tâm hồn; một giấc mơ có thể là chìa khóa để nhận ra một vấn đề tình cảm. Khi 17 tuổi hàng đêm tôi thường mơ thấy khuôn mặt các cô gái bay như một đám mây bông màu trắng, nhưng không nhận rõ là ai. Điều đó có nghĩa là một sự thay đổi cơ thể đã bắt đầu.
Một số chức năng nhận thức của giấc mơ - như hỗ trợ hình thành trí nhớ - sẽ tiếp tục, miễn là chúng ta có một giấc ngủ bình thường vào ban đêm.Nhưng nếu chúng ta bỏ qua những giấc mơ của mình, chúng ta sẽ tự cướp đi một số lợi ích mạnh mẽ nhất của chúng. Bằng cách chú ý đến những giấc mơ của mình, chúng ta có thể tiếp cận những ý tưởng mà nếu không sẽ biến mất vào màn đêm. Bằng cách theo dõi chúng theo thời gian, chúng ta có thể tự tin trong các tình huống căng thẳng.
Truyền thống về giấc mơ sáng suốt ở phương Tây đã có từ lâu đời, nhưng các nhà khoa học hiện đại mới chỉ bắt đầu coi trọng và khám phá nó. Mặc dù những lời kể về những giấc mơ sáng suốt có thể được tìm thấy trong các tác phẩm của Aristotle và Augustine, nhưng phải đến những năm 1970, các nhà khoa học mới tìm ra cách nghiên cứu hiện tượng này, và gần đây những kỹ thuật đó đã ra đời, cho chúng ta thấy sức mạnh trị liệu của những giấc mơ sáng suốt và các bước tạo ra chúng một cách đáng tin cậy nhất.
Nhà thần kinh học Patrick McNamara viết trên tạp chí Aeon: “Rốt cuộc, về cơ bản, chúng ta không thể hiểu được một giấc mơ, đôi khi như một sự báo mộng trước cái chết hay một tai họa khủng khiếp”… Cùng một cách giải thích nghịch lý này, nhà văn Nhất Linh trong truyện ngắn “Chuyến tàu đêm” kể về người lái tàu ngủ gật mơ thấy cánh bướm đập vào kính tàu, ngăn ông không cho tàu chạy tiếp vì phía trước, trong mưa bão, một cây cầu đã bị gãy. “Giấc mơ” con bướm đã cứu đoàn tàu. Khi về nhà, ông biết đó chính là giờ vợ ông qua đời. Ông tin rằng vợ ông đã báo mộng cho ông.
Vào đầu thế kỷ này, nhà phân tâm học lừng danh Sigmund Freud đã nâng những giấc mơ lên một vị thế mới, lần đầu tiên cho chúng một mức độ hợp lý về mặt học thuật. Freud giải thích giấc mơ theo một trật tự của phân tâm học, cho rằng giấc mơ là “con đường của hoạt động tiềm thức trong tâm trí”. Ông tuyên bố: “Phân tâm học được thành lập dựa trên việc phân tích các giấc mơ. Bằng cách kiểm tra các giấc mơ của bệnh nhân khi ngủ, Sigmnd Freud lập luận trong cuốn “Giải mã giấc mơ” (The Interpretation of Dreams) , rằng nếu khám phá ra những mong muốn bí mật và làm sáng tỏ vô thức, thì có thể điều trị chứng loạn thần kinh. Vì những giấc mơ nảy sinh từ tâm trí của chúng ta, nên tất cả chi tiết trong giấc mơ như những người thân, người lạ, đồ vật vô tri - tất cả đều tượng trưng cho một khía cạnh nào đó của bản thân.
Một trong những khám phá của Freud là những giấc mơ đại diện cho sự hoàn thành ước nguyện; chúng cho phép chúng ta thỏa mãn những mong muốn mà chúng ta nhận thức được (ý thức) và cả những mong muốn bản thân chúng ta không biết (vô thức). Điều ước có thể sâu sắc như khao khát được trở về tuổi thơ hoặc tình yêu thương của cha mẹ hoặc đơn giản hơn như mong muốn xoa dịu cơn đói cồn cào xuất hiện trong đêm. Freud kể rằng: Khi được mười chín tháng tuổi, Anna, con gái của Freud, đã bị béo phì vì ăn nhiều dâu tây. Sau đó, tất nhiên, Anna không được ăn nữa. Một đêm, Sigmund Freud nghe thấy tiếng con gái khóc trong giấc ngủ: "Anna Freud, dâu tây, trứng tráng, ngô!" Trong một giấc mơ, Anna mớ như vậy. Freud đoán rằng, đứa bé đang thỏa mãn cơn đói của mình. Thông thường, điều ước không minh bạch như vậy. Freud tin rằng bản chất của giấc mơ tạo thành một lớp bảo vệ cho phép chúng ta ngủ suốt đêm mà không bị choáng ngợp bởi các vấn đề cốt lõi của giấc mơ; như kính râm che chắn võng mạc khỏi ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Một trong những tuyên bố cấp tiến nhất của Freud là những giấc mơ đại diện cho mong muốn thỏa mãn các ước mơ thầm kín nhất. Trong mơ chúng ta thỏa mãn những mong muốn mà khi thức chúng ta không nhận biết được, hoặc không thực hiện được. Đôi khi chúng ta mơ thấy những người xa lạ, những khuôn mặt mơ hồ, hoặc trong mơ, chúng ta kêu tên người quen hoặc cũng có thể là người lạ trong một số bối cảnh bất hợp lý.
Đây là điều mà những người hay ghen cần cảnh giác vì chồng (hay vợ) có thể ú ớ những tên người không hề quen biết. Và cũng không hẳn những tên người đó được gọi từ tiềm thức “yêu, thương” mà có thể từ vùng tiềm thức “ghét, hận”, và cũng có thể không phải “bây giờ” mà từ khi còn rất nhỏ - 2 hay 3 tuổi - mà ta không hề biết. Diễn giải, suy nghĩ được chuyển thành hình ảnh và biểu tượng trực quan. Freud đã so sánh quá trình này với quá trình sáng tác một bài thơ: nhà thơ tạo ra những câu thơ từ cảm xúc và ý tưởng, người nằm mơ cũng tạo ra những bức tranh từ những suy nghĩ khát khao tiềm ẩn.
Trong quá trình cuối cùng, ý thức nhượng bộ vô thức và vô thức nổi lên trên bề mặt giấc mơ, “lấp đầy những khoảng trống trong cấu trúc giấc mơ bằng những mảnh vụn và miếng vá”, như hợp nhất các yếu tố khác nhau của vô thức thành câu chuyện nào đó.
Ví dụ: bạn mơ thấy mình thường leo lên leo xuống cầu thang hay vào thang máy, điều đó có thể biểu thị một ẩn ức sinh lý rằng bạn muốn chăn gối mà không được. Hoặc nằm mơ thấy trẻ em được giải thích là bạn đang có vấn đề về sức khỏe tình dục vì trong giấc mơ “trẻ em” tượng trưng cho bộ phận sinh dục, "vì đàn ông và phụ nữ có thói quen gọi bộ phận sinh dục của mình là thằng nhỏ, cô bé, đồ nhỏ". Nói cách khác, mơ thấy đang đi chơi với một đứa trẻ (có thể) là biểu tượng cho sự thủ dâm. Chính Freud giải thích với một bệnh nhân như vậy, và khi hiểu rõ, bệnh nhân này đã không còn mơ những hình ảnh đó nữa.
Trong những ngày đại dịch COVID-19, tôi thường nằm mơ thấy bị chó rượt đuổi hoặc bị chó cắn. Tôi rất hoảng vì không hiểu tại sao có hình ảnh này? Sau này, tình cờ tôi nghe kể lại (và nhớ lại), lúc còn trẻ đi chơi với bạn gái, khi bị chó dữ tấn công, tôi đã bỏ bạn gái để thoát chạy trước. Hành động “nhát gan” này chuyển hóa thành nỗi sợ chìm trong vô thức, và khi gặp “vấn đề” thì vô thức đó lại nổi lên trên bề mặt của ý thức và hoạt động như một cơn ác mộng.
Chúng ta nên nhớ rằng: Cho đến thế kỷ 19, con người vẫn coi giấc mơ thuộc lãnh vực tâm linh hơn là khoa học. Các tôn giáo khác nhau xem giấc mơ là báo trước ý của các đấng siêu nhiên. Trong Kinh thánh, Joseph đã giải thích giấc mơ của Pharoah khi ông mơ thấy bảy con bò béo, bị bảy con bò chết đói nuốt chửng. Joseph tiên đoán chính xác rằng điều này có nghĩa là, “trước mắt là bảy năm được mùa, thịnh vượng nhưng sau đó sẽ là 7 năm đói kém trên khắp đất Ai Cập". Hồi giáo cũng tin các giấc mơ của người đồng hành của nhà tiên tri Mohamad về con đường đúng. Còn Ấn Độ giáo (Hindu) nghĩ nếu mơ thấy bị rụng răng thì đó là báo hiệu cái chết, còn mơ bị chặt đầu thì sẽ sống lâu. Mẹ của Đức Phật - hoàng hậu Maya đã mơ thấy con voi trắng ngậm một bông sen và sau đó bà đã thụ thai thái tử Tất Đạt Đa. Từ thế kỷ thứ Tư trước công nguyên, Aristote cho rằng: bệnh tật được thấy rõ triệu chứng ở trong mơ hơn là khi tỉnh. Bậc thầy y khoa Hippocrates cho rằng ngủ mơ thấy các dòng nước nghĩa là máu có vấn đề. Các thầy thuốc Hy lạp cổ đại thường chữa bệnh bằng cách hỏi: đêm qua bệnh nhân mơ thấy gì?
Bình luận của bạn