Người đàn ông với di chứng bại liệt qua đời sau 70 năm sống cùng "lá phổi sắt"

Ông Paul Alexander phải nằm bất động và phụ thuộc vào "lá phổi sắt" 70 năm qua

Hy vọng mới chữa ung thư não nhờ virus bại liệt

Niềm mong mỏi hóa giải được "lời nguyền" của bà mẹ có 2 con mắc chứng đầu nhỏ

WHO kêu gọi sử dụng hệ thống phát hiện bệnh bại liệt để tầm soát Zika

Vaccine bại liệt mới có an toàn với trẻ?

Nghị lực kỳ diệu của người đàn ông với “lá phổi sắt”

Paul Alexander, người bang Texas (Mỹ), là một trong số ít những “chiến binh” sống với những cỗ máy thở đặc biệt sau khi gặp di chứng của bệnh bại liệt. Sau hơn 70 năm gắn bó với "lá phổi sắt", Paul đã qua đời vào ngày 11/3 vừa qua, hưởng thọ 78 tuổi. Nguồn tin từ bạn bè và gia đình cho biết, ông nhập viện do mắc COVID-19 nhưng chưa xác định được lý do tử vong.

Paul mắc bệnh bại liệt vào mùa Hè năm 1952, khi mới 6 tuổi. Phải đến năm 1955, dòng vaccine phòng bệnh bại liệt đầu tiên mới được cấp phép sử dụng.

Không phải bệnh nhân nhiễm bại liệt nào cũng có biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, cứ 200 ca bệnh sẽ có 1 người bị bại liệt suốt đời. Trong số đó, khoảng 5-10% tử vong do các cơ bắp đảm nhiệm chức năng hô hấp ngừng hoạt động.

Dù bị liệt từ cổ trở xuống, ông Paul Alexander không mất đi nghị lực

Dù bị liệt từ cổ trở xuống, ông Paul Alexander không mất đi nghị lực

Trong trường hợp của Paul, ông bị liệt từ cổ xuống chân, không thể tự hít thở. Các bác sĩ phải phẫu thuật mở khí quản cho Paul và đặt cậu bé 6 tuổi khi đó vào chiếc máy được gọi là "lá phổi sắt". Đây được coi thiết bị “tối tân” vào thời điểm đó, có nhiệm vụ duy trì chức năng hít thở cho người nằm bên trong.

Ban đầu, các bác sĩ chỉ tìm cách duy trì sự sống cho Paul, nhưng không ai ngờ sức sống của cậu bé lại mãnh liệt như thế. Nhờ luyện tập các kỹ thuật thở, Paul có thể rời khỏi lá phổi sắt trong một khoảng thời gian nhất định. Trong thời gian đó, Paul đi học đại học, sở hữu bằng cử nhân Luật, xuất bản sách về cuộc đời mình. Nhưng khi tuổi tác tăng cao, ông phụ thuộc gần như hoàn toàn vào phổi sắt để thở. Gia đình ông còn sở hữu kênh TikTok triệu view, nơi ông chia sẻ nhiều thông điệp tích cực về nghị lực sống.

Nỗ lực xóa bỏ bệnh bại liệt toàn cầu

Cận cảnh cỗ máy hỗ trợ hô hấp được gọi là lá phổi sắt - Ảnh: Getty Images

Cận cảnh cỗ máy hỗ trợ hô hấp được gọi là "lá phổi sắt" - Ảnh: Getty Images

Bại liệt là bệnh do virus cấp tính lây truyền qua đường tiêu hóa. Vào nửa đầu thế kỷ 19, đây là đại dịch hoành hành ở nhiều quốc gia, tấn công chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Virus polio sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não, gây ra liệt.

“Lá phổi sắt” là thiết bị được phát minh nhằm duy trì sự sống cho người gặp di chứng bại liệt nặng nề. Đây là một cỗ máy hình ống, hoạt động với cơ chế hút oxy thông qua áp suất âm, buộc phổi giãn ra để bệnh nhân có thể thở được. Bệnh nhân nằm cả thân mình bên trong và chỉ để hở phần đầu ra ngoài. 

Cỗ máy lần đầu tiên được sử dụng cho một cô bé 8 tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng Boston (Mỹ). Trước khi mất, Paul là một trong số ít người sống sót sau đại dịch bại liệt còn dùng “lá phổi sắt” kiểu này. Ở Anh, người cuối cùng sử dụng "lá phổi sắt" qua đời năm 2017, ở tuổi 75. 

Từ năm 1955-1960, khi có vaccine bại liệt bất hoạt và vaccine sống giảm độc lực, tỷ lệ mắc và tử vong do căn bệnh quái ác này đã giảm đáng kể. Nhà khoa học Jonas Salk – chuyên gia về virus là người đầu tiên phát triển thành công vaccine phòng bại liệt.

Vaccine bại liệt dạng uống là vaccine sống giảm độc lực, góp phần đẩy lùi bệnh bại liệt toàn cầu

Vaccine bại liệt dạng uống là vaccine sống giảm độc lực, góp phần đẩy lùi bệnh bại liệt toàn cầu

Từ đó tới nay, ngành y tế toàn cầu thực hiện nhiều chiến lược nhằm “thanh toán” bệnh bại liệt. 2 trên 3 chủng virus bại liệt hoang dã cũng đã bị xóa sổ trên toàn cầu. 

Nếu không có dịch bại liệt, con người sẽ không chuẩn bị trước được những cỗ máy thở hiện đại, đã được ứng dụng trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Ngày nay, bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp không cần phải nằm bất động trong những “lá phổi sắt” nặng nề. Máy thở hiện đại sử dụng ống dẫn khí được đặt qua miệng của người bệnh xuống khí quản, dẫn khí vào phổi.

Năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Việt Nam đã xóa sổ được bệnh bại liệt trên cả nước, với tỷ lệ bao phủ của vaccine lên tới trên 90%. Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang triển khai 2 loại vaccine bại liệt, bao gồm vaccine qua đường uống OPV (dành cho trẻ từ 2 tháng tuổi) và vaccine dạng tiêm IPV, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm đúng lịch.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn