Người dân thận trọng khi ngộ độc thực phẩm đang..."vào mùa"

Ngộ độc rượu có chứa cồn methanol hiện là nguyên nhân chính dẫn đến các ca tử vong vì ngộ độc thực phẩm thời gian qua.

Bà bầu cần làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?

Bình Phước: Hơn 120 công nhân nhập viện do nghi bị ngộ độc thực phẩm

Hà Nội: Thắt chặt công tác thanh tra, kiểm tra sau vụ ngộ độc rượu

Liên tiếp nhiều ca hôn mê, tử vong vì ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp

Người thứ 3 ở Hà Nội tử vong do ngộ độc rượu methanol

Liên tiếp ngộ độc gây chấn động cả nước

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017 đã xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc chết người nghiêm trọng gây chấn động dư luận ở Việt Nam. Đặc biệt là vụ ngộ độc rượu có chứa cồn công nghiệp methanol tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu ngày 13/2/2017 đã làm 69 người bị ngộ độc, trong đó có 8 người bị tử vong ở xã Ma Ly Chải, sau khi dự và ăn uống tại một đám tang ở địa phương đã làm rúng động dư luận trong thời gian qua.

Đoàn bác sỹ BV Bạch Mai hỗ trợ BV tỉnh Lai Châu khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc rượu chấn động tỉnh Lai Châu khiến 8 người tử vong

Tiếp đến ngày 15/2, một trong những vụ ngộ độc khủng khiếp đã xảy ra tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Theo đó có đến 81 người phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn cỗ tại một đám cưới. Tất cả các bệnh nhân trên đều có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, đi ngoài, hoa mắt và sốt, một số phải nhập viện trong tình trạng hôn mê. Liên quan đến nguyên nhân vụ việc này, Bí thư huyện ủy Hoàng Su Phì, cho biết: “Nghi ngờ nhất là nấm, do người dân mua về tự chế biến”.

Hay cũng vào thời điểm đó, hơn 100 em học sinh trường Tiểu học A Thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đã bị ngộ độc sau bữa ăn trưa bán trú ở trường với các triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, nôn ói nên được đưa đi cấp cứu tại BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Nguyên nhân được xác định là do ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Gần đây nhất, ngay tại Thủ đô Hà Nội, ngày 10/3 Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai  đã tiếp nhận 7 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì ngộ độc methanol. Tất cả đều có chỉ định lọc máu để thải trừ methanol, trong đó có 3 bệnh nhân hôn mê sâu, phải thở máy. 7 bệnh nhân đều là sinh viên 1 trường Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội bị ngộ độc vì uống rượu sau một buổi liên hoan nhân ngày 8/3.

Ngoài ra, còn hàng loạt những vụ ngộ độc thực phẩm khác đã và đang liên tiếp xảy ra tại các địa phương trong cả nước.

Nguyên nhân

Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng BV Bạch Mai đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân ngộ độc rượu, đồng thời lúc nào cũng có hơn 50 bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, xơ gan và viêm tụy cấp điều trị nội trú, tăng đột biến so với trước.

Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên - TT Chống độc BV Bạch Mai chia sẻ, nguyên nhân là do hiện nay người Việt Nam uống rượu nhiều quá, uống ở mức kinh khủng! Theo thống kê, các vụ ngộ độc methanol hiện là nguyên nhân chính dẫn đến các ca tử vong vì ngộ độc thực phẩm.

Ngoài rượu giả chứa methanol, thực phẩm nhiễm độc, tẩm hóa chất, không đảm bảo vệ sinh cũng là nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm

Thực tế cho thấy, bất chấp việc các bác sĩ, các chuyên gia liên tục cảnh báo, tình trạng uống rượu bia quá mức dẫn đến ngộ độc rượu vẫn cứ diễn ra. Nguy hiểm hơn là không chỉ có loại rượu methanol cực độc mà ngay cả rượu bình thường, nếu uống nhiều dẫn đến ngộ độc thì vẫn phải đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, rượu không rõ nguồn gốc vẫn được bán tràn lan, bất cứ ai mua cũng được, kể cả trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, vào thời tiết chuyển mùa, nóng ẩm nhiều, điều kiện bảo quản thực phẩm không an toàn dẫn đến thực phẩm nhiễm khuẩn; người dân sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguy cơ ngộ độc từ vi sinh vật gia tăng với các thực phẩm có nguồn gốc động vật; ô nhiễm môi trường gia tăng…đều là những nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm cho người dân.

Lời khuyên từ bác sỹ

BS. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách TT Chống độc BV Bạch Mai chia sẻ cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

BS. Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ, tốt nhất người tiêu dùng nên mua các thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kể cả về người bán và người sản xuất. Trên thực phẩm cần có nhãn mác, thông tin mô tả cụ thể, có đăng ký cơ quan quản lý. 

Đối với lượng rượu khuyến cáo tối đa nên uống để không bị ngộ độc, nam giới là 1 ngày không quá 50ml (loại rượu 40 độ). Còn với bia 5 độ thì không uống quá 400 ml, tương đương khoảng 1 chai bia Hà Nội. Nữ giới uống bằng nửa mức tối đa của nam giới.

Đối với thực phẩm, chú ý lựa chọn những thực phẩm tươi sạch, có nhãn mác rõ ràng tại các địa chỉ và cơ sở sản xuất uy tín, được cấp giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩmLuôn luôn rửa rau và trái cây trước khi ăn. Tránh không ăn các loại thịt chưa nấu chín, không ăn các loại thức ăn làm bằng gỏi sống, thức ăn qua đêm hay thức ăn không được bảo quản kỹ, thức ăn chuyển màu, có mùi ôi thiu.

Ngộ độc thực phẩm sẽ có những biểu hiện nhất định gây hại cho sức khỏe. Ngộ độc cấp tính, nếu nhẹ có thể đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, nặng là tụt huyết áp, trụy mạch. Ngộ độc mãn tính dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng, hoặc gây ung thư do chất độc tích tụ lâu ngày. Không những vậy, chất độc vào cơ thể có khả năng phá hoại cơ quan nội tạng của con người…

Với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, khi bị ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến hệ quả dọa sảy thai, sảy thai hay thai chết lưu. Trường hợp đang mang thai 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối, rủi ro sẽ tăng cao, theo đó, thai nhi bị chậm phát triển, thai suy, bị sinh non hoặc chết lưu.

Nguyên Hương H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn